|
Ảnh minh họa |
Từ năm 1950 đến cuối thế kỷ 20, lực lượng tàu ngầm Nga trên Đại Tây Dương luôn là mối đe dọa Hải quân Mỹ trong lĩnh vực tàu ngầm. Nhưng tất cả đã thay đổi. Hải quân Mỹ phải đối mặt với những thử thách nặng nề không phải ở Đại Tây Dương, mà trong Thái Bình Dương.
Trong buổi điều trần tình hình khu vực năm 2016 Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên có số lượng khoảng 150 chiếc trong số 200 tàu ngầm hiện đang hoạt động trong Thái Bình Dương. Con số chỉ nói lên được một phần của tình hình ngày càng trở lên đáng lo ngại hơn.
Tiến độ các khoản đầu tư ngân sách của các quốc gia đã nêu dành cho tàu ngầm và 10 quốc gia khác thuộc châu Á-Thái Bình Dương sẽ hình thành một vùng rất nguy hiểm dưới đáy biển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030. Sự phát triển các chính sách và những cơ sở thực tiễn căn bản cho phép định hình chính xác môi trường hoạt động của tàu ngầm trong khu vực phải được bắt đầu trước khi khủng hoảng xảy ra.
Phán quyết gần đây của Tòa án Trọng tài quốc tế, sự bác bỏ quyết liệt của Trung Quốc về tính hợp pháp của phán quyết này đã giải thích nguyên nhân khiến nhiều quốc gia châu Á phải củng cố và phát triển một lực lượng tàu ngầm đủ độ tin cậy để răn đe ngăn chặn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số quốc gia trong khu vực nỗ lực đầu tư mua sắm và tăng cường sức mạnh hạm đội tàu ngầm trong những năm gần đây. Một số quốc gia khác cũng đang nghiên cứu xem xét để hình thành và phát triển lực lượng tàu ngầm.
Cả hai xu hướng phát triển lực lượng tàu ngầm được mô tả trong bảng trên, cho thấy số lượng tàu ngầm hiện tại và số lượng dự kiến đến năm 2030 của tàu ngầm diesel (SSK) và tàu ngầm hạt nhân (SSN). Các quốc gia trong khu vực châu Á đang nỗ lực xây dựng một lực lượng răn đe đủ mạnh, khi lòng tin về hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương suy giảm nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến những bất ổn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và độ tin cậy trong những cam kết của Mỹ trong sứ mệnh bảo vệ hòa bình và sự ổn định.
Sứ mệnh của tàu ngầm
Tàu ngầm có thể được sử dụng để bảo vệ lãnh thổ đất nước và những dự án năng lượng của quốc gia trên vùng biển ngoài biên giới. Hầu hết các quốc gia vùng biển châu Á mua sắm tàu ngầm nhằm tăng cường khả năng răn đe ngăn chặn trên biển đối với lực lượng quân sự của kẻ thù có quy mô và tiềm lực lớn hơn gấp nhiều lần. Cuộc chiến tàu ngầm bản chất là cuộc chiến tranh phi đối xứng, áp đặt tổn thất nặng nề cho bất kỳ kẻ thù nào.
Những nguy cơ đe dọa từ các hoạt động của tàu ngầm có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc nghiên cứu xem xét, lên kế hoạch tác chiến của đối phương. Trong thời bình, lực lượng tàu ngầm thực hiện các mục tiêu răn đe, ngăn chặn bằng các hoạt động theo giám sát các động thái chuyển dịch, cơ động lực lượng của hải quân các nước khác, bảo vệ các tuyến đường vận tải biển của quốc gia. Một số ít các quốc gia khác tiến hành các hoạt động tuần tiễu răn đe hạt nhân trên biển.
Hạm đội tàu ngầm phải được điều khiển bởi một lực lượng thủy thủ đoàn được đào tạo, huấn luyện tốt để có thể hình thành một lực lượng tác chiến linh hoạt, có khả năng thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng cấp chiến lược - chiến dịch.
Hình thái địa lý hàng hải khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vị thế trung tâm của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu và của Mỹ và toàn cầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ khả năng triển khai và sử dụng lực lượng tàu ngầm của các quốc gia trong khu vực.
Ví dụ như Trung Quốc vô cùng lo ngại tuyến phòng thủ của các quốc gia đồng minh Mỹ trên chuỗi đảo thứ nhất, chạy dài từ Nhật Bản qua Đài Loan đến Philippines đã tạo thành một rào cản tự nhiên, có thể "kiềm chế ngăn chặn" lực lượng hải quân Trung Quốc.
Ngược lại, số lượng tương đối ít các tuyến đường đi qua các đảo là điều kiện địa hình tốt đối với lực lượng tên lửa ngày càng phát triển của Trung Quốc. Lực lượng tên lửa chống tàu của quân đội Trung Quốc (PLA) có một một số lượng tương đối nhỏ các cửa khẩu mà trên vùng eo biển hẹp, quân đội Trung Quốc dễ dàng phong tỏa, ngăn chặn lực lượng hải quân nước ngoài.
Những khu vực huyết mạch quan trọng như eo biển Malacca, Lombok và Sunda là những cửa khẩu mà Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa gây khó khăn cho các lực lượng hải quân thâm nhập vào khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông.
Lực lượng tàu ngầm của hải quân các nước cũng chịu tác động đáng kể bởi địa hình đáy biển khác nhau (xét trên góc độ kỹ thuật tàu ngầm, độ sâu đáy biển) của vùng biển châu Á. Khu vực này có các vùng biển nông như biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, khu vực rất sâu như vùng biển ven Philippine, vùng biển duyên hải phức tạp với độ nông sâu khác nhau như Biển Đông.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân có ưu thế tốt nhất trong vùng nước mở rộng và sâu nhưng hoạt động khó khăn hơn và có nhiều hạn chế trong vùng nước nông khu vực Đông Nam Á.
Tại vùng nước Biển Đông và biển Hoa Đông, tàu diesel - điện có kích thước nhỏ hơn có thể sử dụng địa hình đáy biển đa dạng tạo lên lợi thế chiến trường. Các vùng nước nông miền duyên hải châu Á kết hợp với các tuyến đường vận tải thương mại huyết mạch trong khu vực làm tăng khả năng ngăn chặn, chống xâm nhập hiệu quả vốn có của tàu ngầm diesel - điện.
Sự phát triển lực lượng hải quân tàu ngầm
Tương tự như các phương tiện tác chiến khác, tàu ngầm đòi hỏi công tác hậu cần kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên phức tạp. Đồng thời hải quân các quốc gia sở hữu tầu ngầm phải có một lực lượng thủy thủ được đào tạo chu đáo, rèn luyện kỹ năng thường xuyên để có thể khai thác triệt để năng lực của phương.
Tàu ngầm có phần lớn thời gian hoạt động trong môi trường ngập mặn ăn mòn cao, áp suất cao và được lắp đặt các bộ phận, trang thiết bị có công nghệ chế tạo tinh xảo nhằm đảm bảo giảm tiếng ồn đến mức tối thiểu khi cơ động.
Hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải mua tàu ngầm nước ngoài với giá thành tương đối cao do không có nền công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khai thác và thời gian phục vụ của tàu ngầm nếu như quốc gia này không cần nhiều sự hỗ trợ nhà của nhà sản xuất nước ngoài. Ví dụ: công ty DCNS của Pháp hiện nay phải cung cấp hỗ trợ toàn diện cho Malaysia do các cơ sở bảo trì bảo dưỡng kỹ thuật của quốc gia này, đã không thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật sau khi quốc gia này mua hai tàu ngầm Scorpene do chính công ty Pháp này đóng.
Ngoài các vấn đề bảo trì bảo dưỡng thường xuyên liên tục, sứ mệnh đào tạo một lực lượng thủy thủ tàu ngầm có trình độ năng lực cao, thuần thục trong khai thác sử dụng là một thách thức lớn đối với các lực lượng hải quân quy mô nhỏ. Cần phải có một bộ máy quản lý và cơ sở hạ tầng đào tạo huấn luyện lớn và hiện đại, những lực lượng hải quân quy mô nhỏ hầu như không có khả năng để xây dựng một lực lượng thủy thủ tàu ngầm có kỹ năng thành thạo.
Lực lượng hải quân có trong biên chế có một hoặc hai tàu ngầm hoạt động sẽ phải bổ sung cho sự thiếu hụt kinh nghiệm bằng phương pháp đào tạo huấn luyện, phát triển các kỹ năng cần thiết cho cả thủy thủ đoàn và sĩ quan chỉ huy.
Sự thiếu hụt cơ sở huấn luyện thường xuyên và chương trình huấn luyện xoay vòng hiện diện trong tất cả các quốc gia châu Á. Nhưng sự thiếu hụt này phải được khắc phục bằng chương trình trao đổi huấn luyện đào tạo giữa các quốc gia trong khu vực. Nếu không có lực lượng thủy thủ đoàn được đào tạo kỹ lưỡng, các tàu ngầm tiên tiến hoàn toàn không có ý nghĩa tác chiến thực sự.
Châu Á tăng cường lực lượng tàu ngầm
Mặc dù thời gian phát triển lực lượng tàu ngầm rất dài và yêu cầu kỹ thuật trong khai thác sử dụng phức tạp, các nước châu Á dự kiến sẽ có được khoảng hơn 100 tàu ngầm đến năm 2030. Tại nhiều quốc gia, các tàu ngầm cũ sẽ được cho về hưu và thay thế bằng các tàu ngầm mới, có năng lực tác chiến mạnh hơn.
Nhiều quốc gia khác đang tìm kiếm giải pháp để thành lập lực lượng tàu ngầm mới hoặc tăng cường sức mạnh hạm đội tàu ngầm hiện có. Những quyết định này xuất phát từ tập hợp những mối quan hệ đối ngoại căng thẳng đang hình thành trên vùng nước châu Á-Thái Bình Dương, khiến các quốc gia trong khu vực không tin tưởng rằng trong tương lai gần, an ninh và ổn định vẫn sẽ duy trì trên một quỹ đạo phát triển tích cực.
Trong tương lai, sự gia tăng số lượng tàu ngầm không hoàn toàn đồng nghĩa với việc các tàu ngầm có được nhưng khả năng tiên tiến nhất và hạm đội tàu ngầm cũng không chắc sẽ giải quyết được những vấn đề mà các quốc gia châu Á đang phải đối mặt.
Hầu hết các tàu ngầm diesel điện không có được tốc độ cần thiết để đeo bám được các tàu sân bay và không có đủ năng lực kỹ thuật để hoạt động trong vùng nước rộng lớn trên Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương.
Điều đó cho thấy, lực lượng tàu ngầm châu Á-Thái Bình Dương sẽ phát triển rất mạnh nhưng chỉ dành cho các nhiệm vụ có giới hạn hẹp như tạo ra các vùng chống xâm nhập/ngăn chặn tiếp cận 2A/AD trong một khu vực nhất định, hình thành một khu vực phòng thủ trong một vùng nước có giới hạn (khu vực đảo, quần đảo có giới hạn hẹp, một vùng kinh tế thềm lục địa nhất định).
Để đối phó với một lực lượng hải quân có quy mô lớn hơn, khả năng tác chiến dài hơi hơn và có hạm đội tàu ngầm mạnh mẽ hơn như hải quân Trung Quốc, có tàu ngầm tấn công nguyên tử, cần có sự yểm trợ của một lực lượng hạm đội chống ngầm mạnh mẽ như hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Chỉ có sự liên kết này mới tạo ra được sức mạnh cần thiết để hình thành sự cân bằng lực lượng trong khu vực, từ đó ngăn chặn khả năng hình thành cuộc chiến tranh ngầm dưới vùng nước châu Á-Thái Bình Dương, gây nguy cơ xung đột vũ trang khu vực.
Trước một tương lai đầy rủi ro và nguy hiểm cho chính hải quân và hạm đội tàu ngầm Mỹ trên vùng nước Tây Thái Bình Dương, cần phải có những chính sách và những chế định duy trì và phát triển lực lượng tàu ngầm, hỗ trợ sự phát triển của các đồng minh và đối tác. Để làm được điều có, cần có sự thống kê và tính toán cụ thể khả năng phát triển tàu ngầm của châu Á - Thái Bình Dương.
(Còn tiếp)