Trung Quốc bị tố chi tiền vận động, xây dựng hình ảnh trong chống dịch COVID-19

VietTimes -- Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang nỗ lực vận động các quan chức chính phủ Đức để họ ca ngợi các biện pháp chống dịch của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao và Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức đã cảnh báo các quan chức của họ về nguy cơ này từ Bắc Kinh.
Trung Quốc tặng và bán vật tư chống dịch cho các nước phương Tây để thể hiện hình ảnh tích cực trong chống dịch bệnh (Ảnh: wsj.com).

Đài Deutsche Welle ngày 12/4 dẫn tin của báo Die Welt (Thế giới) của Đức, cho biết, từ đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Đức đã gửi thư cho các bộ để cảnh báo về những nỗ lực vận động hành lang như vậy từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao khuyến cáo rõ: Đừng làm theo các câu hỏi và vận động hành lang của Bắc Kinh.

Phù hiệu của Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức

Bộ Ngoại giao Đức đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Die Welt, nhưng Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang chịu trách nhiệm về tình báo an ninh nội bộ đã cho Die Welt biết, các quan chức Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chính sách tuyên truyền về việc họ chống dịch bệnh COVID-19. Mục đích của việc này là cố gắng làm lung lay nhận thức của bên ngoài về Trung Quốc là nguồn gốc của dịch bệnh; đồng thời nhấn mạnh động thái của Trung Quốc cung cấp viện trợ cho các nước phương Tây, “từ đó thể hiện hình ảnh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như một đối tác đáng tin cậy trong việc bình tĩnh đối phó với cuộc khủng hoảng”.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã quyên tặng hoặc bán các vật tư chống dịch bệnh thiết yếu cho nhiều nước châu Âu như Italy , Pháp và Đức. Nhiều chính trị gia cao cấp của châu Âu, trong đó có ông Josep Borrell, đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, đã chỉ ra rằng trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh, Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ châu Âu và động thái này có ý đồ nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.

Trung Quốc lôi kéo các yếu nhân chính giới Đức làm thuyết khách

Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức chỉ rõ, ngay cả khi khủng hoảng dịch bệnh bị bỏ qua một bên, hoạt động của các cơ quan tình báo Trung Quốc ở Đức vẫn luôn ở mức tương đối cao, Bắc Kinh luôn nỗ lực lôi kéo các nhân vật nặng ký trong giới chính trị Đức làm người phát ngôn cho lợi ích của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo Đức đã nhiều lần chú ý thấy các quan chức Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng đối với các quan chức chính phủ Đức. Cục Bảo vệ Hiến pháp bang Bắc Rhine-Westphalia trong báo cáo năm 2018 đã nêu rõ nhiều quan chức và nhân viên chính phủ trong tiểu bang đã nhận được một số lượng lớn “lời mời hợp tác”.

ông Josep Borrell, đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh: Trung Quốc tích cực hỗ trợ châu Âu có ý đồ nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị (Ảnh: .aljazeera).

Hồi giữa tháng 1 năm nay, Văn phòng Công tố viên Liên bang Đức cũng đã mở một cuộc điều tra chống gián điệp đối với một nhà ngoại giao Đức và một công chức Ủy ban châu Âu, hai người bị cáo buộc cung cấp thông tin tình báo cho Trung Quốc.

Bỏ tiền mua quảng cáo trên Facebook tạo dựng hình ảnh chống dịch

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ đã cáo giác việc Trung Quốc gần đây đã ráo riết mua quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và sử dụng một sách lược tiến công trên mạng nhằm cố gắng tạo dựng hình ảnh tích cực của họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19.

The Wall Street Journal đưa tin, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện bao gồm mua quảng cáo trên Facebook để quảng bá các bài viết trên các cơ quan truyền thông chính thức bằng tiếng Anh hoặc đăng lên Twitter. Trong một số trường hợp, điều này gây hại tới các nỗ lực chống lại căn bệnh COVID-19 của Mỹ.

Giới nghiên cứu Mỹ cho rằng Trung Quốc bỏ nhiều tiền mua quảng cáo trên Facebook nhằm tạo dựng hình ảnh tích cực của họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: CNA).

Theo Recorded Future, một công ty tư vấn an ninh mạng của Mỹ, hoạt động của Trung Quốc chủ yếu trên Facebook và Twitter. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, các nền tảng mạng xã hội có liên quan đến truyền thông chính thức Trung Quốc đã đăng hơn tới 3.300 bài mỗi ngày, nhiều hơn ba lần so với lúc bình thường.

Các nhà nghiên cứu nói Trung Quốc vung tiền mua quảng cáo, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội để tác động đến quan điểm của các nước nói tiếng Anh về Trung Quốc.

Vanessa Molter, nhà nghiên cứu tại Stanford Internet Observatory, một cơ quan nghiên cứu chính sách mạng của Mỹ, cho biết, kể từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã mua hơn 200 quảng cáo chính trị trên Facebook, trong đó hơn 1/3 đã được mua trong hai tháng qua.

Bà Vanessa Molter cho biết phần lớn các quảng cáo mà Trung Quốc đã mua gần đây tập trung vào việc cố gắng tạo dựng nhận thức toàn cầu về việc Trung Quốc đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Đáp lại những điều trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các yêu cầu bình luận.