Trung Quốc bành trướng Biển Đông gây “đe dọa lớn toàn cầu“

Khả năng xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang ở Biển Đông vì sự bành trướng của Trung Quốc gây ra một mối đe dọa toàn cầu lớn, theo tổ chức nghiên cứu tình báo kinh tế (EIU) của Anh .
Một góc đá Xu Bi đang được Trung Quốc ráo riết cải tạo, bồi lấp thành đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Báo cáo đánh giá những rủi ro toàn cầu mới nhất của Economist Intelligence Unit (một cơ quan của tờ The Economist) xếp nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông ở vị trí thứ 8 trong danh sách mà mối đe dọa hàng đầu hiện nay trên thế giới là “cú hạ cánh cứng” (nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái) của kinh tế Trung Quốc đứng ở vị trí 20.

Đánh giá về nguy cơ ở Biển Đông, EIU nêu ra một loạt các hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở biển Đông thời gian qua, trong đó có việc mới triển khai tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa, khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam phản đối quyết liệt.

EIU nhận định: “Trong khi Trung Quốc đã sa lầy vào một loạt các tranh chấp biển đảo với các nước khác như Hàn Quốc và Nhật Bản, có mối rủi ro rằng hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực, và gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự tính toán sai dẫn tới sự leo thang căng thẳng”.

Theo EIU, “bất kỳ sự tranh cãi xấu đi nào cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ kinh tế trong khu vực, và có nguy cơ gây trở ngại dòng chảy thương mại toàn cầu, và xét rộng hơn, đồng thời làm suy giảm niềm tin vào kinh tế toàn cầu”.

Ngoài Biển Đông, trong danh sách các mối đe dọa toàn cầu trên còn có “sự can thiệp của Nga vào Ukraine và Syria tạo tiền đề cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới” (vị trí 16); “khả năng Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ” (12) và “mối đe dọa tăng cao của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến làm bất ổn kinh tế toàn cầu” (12).

Liên quan tới ứng viên gây tranh cãi của đảng Cộng hòa, EIU viết: “Trong trường hợp Trump giành chiến thắng, thái độ thù nghịch của ông đối với thương mại tự do, cũng như việc ông xa lánh Mexico và Trung quốc, có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến thương mại”.

Tổ chức này nói thêm: “Khuynh hướng quân sự của ông đối với Trung Đông và việc cấm các tín đồ Hồi giáo tới Mỹ có thể được sử dụng làm một công cụ tuyển mộ cho các nhóm chủ chiến, gia tăng mối đe dọa của chúng trong khu vực cũng như ở các nơi khác”.

Theo EIU, AFP