|
Trung Quốc áp mức thuế cực cao đối với rượu nhập khẩu từ Australia (Ảnh: AFP) |
Mức thuế này sẽ dao động từ 107,1 – 212,1%, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Bộ này nói trong một tuyên bố rằng “có một mối quan hệ nguyên nhân-hệ quả giữa bán phá giá rượu và tổn thất về vật chất”.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất rượu của Australia, chiếm tới 39% tổng lượng xuất khẩu rượu của Australia trong 9 tháng đầu năm 2020; theo Wine Australia, một công ty phân tích ngành công nghiệp sản xuất rượu.
“Đây là thời điểm rất đáng ngại đối với hàng trăm nhà sản xuất rượu của Australia, những người đã tạo dựng được niềm tin và thị trường ở Trung Quốc” – Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nói với giới truyền thông nước này.
“Chính phủ Australia sẽ nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp này” – Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud nói – “Chúng ta có 10 ngày để phản kháng lại quyết định trên. Chúng tôi hết sức quan ngại về điều này. Dựa trên những bình luận mới đây mà Trung Quốc đưa ra, nó cho chúng tôi nhận thức rằng quyết định này dựa vào điều gì khác chứ không phải việc làm sai của ngành công nghiệp rượu”.
Trong tháng 8, phía Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc trợ giá rượu, sau khi nhận được đơn thư phản ánh từ Hiệp hội Rượu Trung Quốc. Họ cũng tuyên bố mở cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các loại rượu đang được bày bán ở Trung Quốc với mức giá được cho là thấp hơn ở Australia.
Vào thời điểm đó, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng họ sẽ mở một cuộc điều tra để xem có nên áp nhiều loại thuế đối với rượu nhập từ Australia hay không, cùng một cuộc điều tra chống bán phá giá, và đưa ra kết luận trong vòng 1 năm.
Ngành công nghiệp rượu Trung Quốc đã đề nghị áp mức thuế 202,7% đối với rượu nhập từ Australia để bù lỗ, sau khi họ tuyên bố rằng rượu rẻ tiền của Australia tràn ngập các khu chợ địa phương trong khoảng năm 2015 – 2019.
Trong một cuộc thông báo vắn về các cuộc điều tra này, Australia Grape & Wine, một hiệp hội rượu khác của Australia, đã mô tả mức thuế mà Trung Quốc áp đặt là “viễn cảnh tồi tệ nhất”.
“Điều quan trọng hiện nay là sự phối hợp toàn diện giữa tất cả các công ty, bởi sự thiếu hợp tác sẽ gây ra rất nhiều vấn đề cho tất cả các bên và sẽ tác động tới toàn bộ ngành công nghiệp này” – Giám đốc điều hành Tony Battaglene nói hồi tháng 8.
Phán quyết sơ bộ của phía Trung Quốc sau khi mở một cuộc điều tra cách đây 2 tháng là khá phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, xét về thời gian. Như ở Mỹ, các cuộc điều tra chống bán phá giá thường kéo dài khoảng 2 tháng trong giai đoạn sơ bộ. Giai đoạn cuối cùng mất thêm 6 tháng.
Trung Quốc đã cấm không chính thức một số mặt hàng nhập khẩu từ Australia gồm than đá, đường, lúa mạch, tôm hùm, rượu, đồng và gỗ bắt đầu từ đầu tháng 11.
Trung Quốc đã áp đặt thuế chống bán phá giá với lúa mạch của Australia từ đầu năm nay. Cuộc điều tra nhằm vào mặt hàng lúa mạch nhập khẩu đã bắt đầu từ năm 2018 và có kết luận trong tháng 5 vừa qua, với phán quyết là áp thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%, tổng cộng là hơn 80%.
Trung Quốc cũng ngừng nhập khẩu thịt bò từ 5 nhà sản xuất lớn ở bang Queensland và New South Wales, Australia trong tháng 5 năm nay.