Trump tự bắn vào chân mình trong chính sách với Iran?

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump phê phán chính quyền Obama vì đã “quá nhẹ nhàng” với Iran và đã cho phép Iran tăng cường sức mạnh ở Trung Đông.
Ảnh minh họa

Trump hứa sẽ “xoá bỏ” thoả thuận tháng 7 năm 2015 giữa Iran với Mỹ và năm cường quốc khác, theo đó Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại phía Mỹ và các cường quốc sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong những tuần đầu tiên trong cương vị Tổng thống, Donald Trump nhiệt tình thể hiện rằng ông sẽ có một cách tiếp cận quyết liệt hơn với Iran, nước mà Trump gọi là “quốc gia khủng bố số một thế giới” trong một cuộc phỏng vấn.

Iran đã cho Mỹ một cơ hội để tỏ ra quyết liệt vào 29 tháng 1, khi nước này thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung. Các quan chức Iran khẳng định việc phóng tên lửa đạn đạo này không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Iran thử nghiệm vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Iran, vốn lâu nay vẫn thách thức Mỹ, đã chọn thời điểm cho vụ thử tên lửa mới nhất nhằm thử phản ứng của chính quyền mới.

Chính quyền Trump đã áp dụng lệnh trừng phạt với 25 người và cơ quan liên quan đến việc phát triển chương trình tên lửa của Iran hoặc giúp đỡ tổ chức Vệ binh Cách mạng Hồi giáo trong việc ủng hộ các nhóm có tên trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia của Trump, Michael Flynn (đã từ chức – NBT), gần đây đã tuyên bố: “Chính quyền Trump sẽ không dung thứ cho những khiêu khích của Iran đe doạ quyền lợi của Mỹ”.

Vài giờ trước đó, Donald Trump liên tục đưa ra các thông điệp trên Twitter, bao gồm một thông điệp răn đe: “Iran đang chơi với lửa – Iran đã không cảm kích sự “tử tế” của Tổng thống Obama. Tôi thì không tử tế như vậy!”

Những bình luận này của Trump đặt ra khuôn khổ cho một chính sách mới đối với Iran. Nếu không cẩn thận, Trump có thể sẽ đưa Mỹ vào thế buộc phải phản ứng mạnh mẽ mỗi lần Iran thử tên lửa hoặc mỗi lần Iran can thiệp vào tình hình khu vực.

Ngoài ra, chính quyền mới cũng cần Iran trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở cả Syria và Iraq, trận chiến được Trump xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu.

Ngày 28 tháng 1, Trump ký một sắc lệnh hành pháp cho Lầu Năm Góc và các quan chức an ninh quốc gia 30 ngày để nộp kế hoạch “đánh bại” ISIS. Nhưng với việc gây hấn với Iran, Trump có thể đang tự bắn vào chân mình trước khi bắt đầu trận chiến với ISIS.

Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đáp trả Trump ngày 7 tháng 2, tuyên bố một cách mỉa mai trong một bài phát biểu rằng: “Chúng tôi thực sự biết ơn tân tổng thống Mỹ. Chúng tôi cảm ơn ông ấy vì đã giúp chúng tôi vạch trần bộ mặt thật của Mỹ.”

Trong các nước trong khu vực, Iran hưởng lợi nhiều nhất từ việc Mỹ can thiệp vào Iraq năm 2003. Mỹ đã lật đổ kẻ thù truyền kiếp của Iran, Saddam Hussein, và giúp thiết lập một chính phủ do người Shi’ite lãnh đạo lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Iraq.

Khi quân đội Mỹ lún sâu vào cuộc chiến chống lại quân nổi dậy và ngăn chặn nội chiến, Iran mở rộng ảnh hưởng lên các phe phái lớn của người Shi’ite ở Iraq.

Iran châm ngòi cho cuộc nội chiến ở Iraq bằng cách trang bị vũ khí và huấn luyện cho các dân quân người Shi’ite chống lại quân Mỹ và phe Sunni của Iraq.

Chế độ Iran có nhiều lợi ích ở nước láng giềng: Iraq là tấm đệm chống lại Saudi Arabia và các quốc gia Arab phe Sunni khác đang cạnh tranh vị trí thống trị vùng vịnh Ba Tư với Iran. Chính quyền Trump đang ra tín hiệu rằng Mỹ sẽ chống lại Iran trong cuộc chiến với các quốc gia Arab của người Sunni, đặc biệt là Saudi Arabia.

Sau thoả thuận hạt nhân năm 2015, các nhà lãnh đạo Saudi Arabia lo lắng rằng Iran sẽ chiếm lợi thế. Theo thoả thuận, Iran sẽ tái gia nhập hệ thống tài chính quốc tế, tăng xuất khẩu dầu mỏ và được quyền tiếp cận hàng tỉ tài sản bị đóng băng.

Iran và Saudi Arabia ủng hộ các phe phái đối lập nhau ở Iraq, Syria, Yemen, Lebanon và Bahrain – và các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm đã định hình Trung Đông kể từ khi Mỹ xâm lược Iraq.

Chính quyền Trump có vẻ sẽ can dự vào cuộc cạnh tranh lớn này thông qua Yemen, nơi Saudi Arabia phát động một cuộc chiến năm 2015 chống lại phe nổi dậy của người Houthi và các đồng minh.

Người Houthi, vốn thuộc về một nhánh Hồi giáo Shi’ite tên là Zaydis, là đồng minh của Iran.

Saudi Arabia đã nhanh chóng cho rằng người Houthi là tay chân cho Iran, nhưng không có thông tin rõ ràng về việc Iran đã hỗ trợ người Houthi những gì trước khi chiến tranh với Saudi Arabia nổ ra.

Dưới thời Obama, Lầu Năm Góc đã chi hàng tỉ đô la cho bom thông minh và các phụ tùng kèm theo – cũng như hỗ trợ tình báo – để giúp không quân Saudi Arabia tiếp tục đánh bom Yemen.

Chính quyền Trump đã theo bước Saudi Arabia khi gọi người Houthis là đại diện cho Iran. Thật mỉa mai là cuộc chiến tại Yemen lại đang tạo ra mức độ chủ nghĩa cực đoan sâu sắc hơn với việc cho phép các dân quân có liên hệ với ISIS và Al-Qaeda tại bán đảo Arab thiết lập các nơi trú ẩn an toàn mới.

Chiến tranh tại Yemen sẽ không kết thúc nếu không có những thoả hiệp giữa Saudi Arabia và Iran. Nhưng các luận điệu và sự ủng hộ của chính quyền Trump đối với lập trường của Saudi Arabia có thể làm cuộc chiến thêm căng thẳng.

Những lời cứng rắn của Trump chống lại Iran cuối cùng sẽ cản trở khả năng của ông trong việc đối phó với ISIS và các nhóm thánh chiến khác – những lực lượng vốn là kẻ thù số 1 của Trump.

Mohamad Bazzi là giáo sư ngành báo chí tại Đại học New York và là Cựu trưởng văn phòng Trung Đông của tờ Newsday. Ông đang viết một cuốn sách về chiến tranh uỷ nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp