Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 22/9 dẫn trang tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày công bố hình ảnh cho thấy lữ đoàn hàng không của tập đoàn quân 1 Lục quân Trung Quốc đã hợp tác với Hải quân tiến hành huấn luyện trên biển.
Trong hình ảnh có thể nhìn thấy máy bay trực thăng vũ trang Z-10 cất hạ cánh trên sàn tàu đổ bộ xe tăng Type 072, mục đích của hoạt động huấn luyện này có thể nhằm nâng cao khả năng tác chiến vượt biển của máy bay trực thăng.
Điều này cho thấy tập đoàn quân 1 chủ yếu phụ trách nhiệm vụ chuẩn bị quân sự đối với Đài Loan tiếp tục tăng cường khả năng huấn luyện sát chiến đấu thực tế.
Trang tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hồi trung tuần tháng 9, một lữ đoàn hàng không của tập đoàn quân 1 và một đơn vị của Hải quân tổ chức huấn luyện các khoa mục như tìm kiếm cứu nạn liên hợp trên biển, tấn công mục tiêu trên biển, luyện tập khả năng tác chiến hiệp đồng trên biển.
Từ phân tích đối với các hình ảnh trên đây có thể đưa ra kết luận, tình huống giả định của cuộc diễn tập này là máy bay trực thăng bị thương khi tác chiến vượt biển, khẩn cấp hạ cánh trên tàu đổ bộ hoặc bị ép hạ cánh trên biển, tàu đổ bộ sử dụng xuồng nhỏ cứu lấy phi công bị thương.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sau khi Mỹ chiếm lĩnh Iwo Jima, mặc dù bản thân hòn đảo này không thể trở thành căn cứ xuất phát để B-29 oanh tạc Nhật Bản, nhưng lại có thể trở thành nơi sẵn sàng hạ cánh cho máy bay bị thương.
Đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tổng cộng có hơn 2.000 lượt máy bay ném bom B-29 hạ cánh trên hòn đảo nhỏ này, đã cứu được tính mạng của 25.000 phi công trở lên.
Bài viết cho rằng trong cuộc diễn tập lần này, vai trò của tàu đổ bộ xe tăng tương đương với đảo Iwo Jima.
Sở dĩ sử dụng cách làm như vậy chủ yếu là do khả năng hỗ trợ hàng không của tàu đổ bộ có hạn, không có điều kiện tiến hành tiếp dầu, tiếp đạn cho rất nhiều máy bay trực thăng, để lực lượng máy bay trực thăng tấn công khổng lồ bay đến eo biển, từng chiếc hạ cánh xuống tàu đổ bộ chỉ có một điểm cất hạ cánh, tiếp tục cất cánh tấn công mục tiêu trên bờ biển - điều này không thực tế.
Vì vậy, trong diễn tập, bản thân máy bay trực thăng đều đã mang theo đầy đủ nhiên liệu để bay qua lại giữa hai bờ eo biển.
Nhưng, nếu máy bay trực thăng bị thương trong chiến đấu thì có thể không thể trực tiếp bay về căn cứ ở Đại lục (Trung Quốc), chỉ có thể tìm cách hạ cánh ở eo biển.
Để thích ứng với loại tình huống này, phi công máy bay trực thăng lữ đoàn hàng không Lục quân tiến hành huấn luyện cất hạ cánh trên tàu đổ bộ, đồng thời Hải quân cũng chỉ định tàu đổ bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp với lực lượng hàng không Lục quân là một ý tưởng "hợp lý".
Điều này cho thấy huấn luyện sát chiến đấu thực tế của Quân đội Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới nhấn mạnh đến chi tiết.
Huấn luyện như vậy sẽ có lợi cho tăng cường tinh thần binh sĩ. Trung Quốc đã tổng kết kinh nghiệm cứu hộ binh sĩ bị thương trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, áp dụng trong trường hợp huấn luyện mới.
Bài viết cho rằng tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn lượng giãn nước 40.000 tấn của Hải quân Trung Quốc sắp khởi công chế tạo.
Loại tàu này nếu chế tạo thành công sẽ có thể chở máy bay trực thăng vũ trang trực tiếp hỗ trợ cho tác chiến đổ bộ ở cự ly gần, sẽ tiếp tục tăng mạnh hiệu suất cung cấp chi viện của máy bay trực thăng cho lực lượng đổ bộ.