Sản phẩm có tên gọi SmartEyes do 4 học sinh Đặng Trí Toàn, Bùi Chí Cường, Đoàn Hồng Ngọc, Bùi Thị Yến Thư chế tạo, tham dự Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 20/4.
Nhóm mong muốn sản phẩm có thể thay thế đôi mắt cho người mù, giúp họ thuận lợi hơn trong sinh hoạt, công việc và kết nối thế giới bên ngoài. “Môi trường trước mắt của người mù là bóng tối nên nhóm đặt mục tiêu dùng công nghệ để họ bước ra ánh sáng cuộc đời”, Đặng Trí Toàn, trưởng nhóm nói.
Với sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Đức Vĩnh, bốn thành viên chế tạo chiếc “hộp thần kỳ” - bên trong có nhiều thiết bị điện tử nhỏ gọn để người mù đeo trước ngực. Chiếc hộp có 9 chức năng hỗ trợ như nhận diện và phân tích vật thể, trợ lý ảo, nhận diện tiền mặt, đọc chữ và phân tích nội dung, nhận diện người thân, cảnh báo nguy hiểm, định vị GPS, lưu trữ hình ảnh, điều khiển giọng nói…
Theo Bùi Chí Cường, “hộp thần kỳ” khác với những sản phẩm hỗ trợ người mù khác như gậy dò đường, mắt kính thông minh là nó có thể tích hợp nhiều tính năng hơn. Hộp có cảm biến đặt phía trước có thể nhận diện và cảnh báo vật cản từ khoảng cách 60 cm bằng cách phát âm thanh "píp píp" để người mù nhận biết và tránh.

Không những thế, hộp có camera và nút chụp hình vật lý giúp người mù có thể nhận biết môi trường xung quanh. Khi bấm nút chụp ảnh những vật thể, chữ, số trong khung hình được lưu trữ, phân tích và phát thành âm thanh để người mù nhận diện được không gian quanh họ. Tính năng này giúp họ cảm nhận không gian ở những nơi chưa từng đặt chân đến.
“Hộp thần kỳ” được tích hợp sim điện thoại có kết nối mạng 4G giúp người mù có thể kết nối người thân trong tình huống khẩn cấp. Khi họ bị té ngã, hộp nằm hướng ngang trong thời gian nhất định, bộ điều khiển sẽ phát thông tin cảnh báo đến số điện thoại người thân thông qua tin nhắn kèm link hiển thị tọa độ vị trí xảy ra tai nạn.
Cần nhiều cải tiến
Ngoài các tính năng thiết yếu, “hộp thần kỳ" có thể hoạt động như trợ lý ảo thông qua kết nối internet. Người mù khi sử dụng có thể ra lệnh bằng giọng nói để hỏi giờ, yêu cầu phát nhạc, kể chuyện cười. Camera của hộp có thể chụp ảnh chữ viết trên sách báo và phát âm thanh giúp người mù mở mang kiến thức. Chức năng của camera giúp người mù nhận biết được mệnh giá tiền Việt Nam và nhiều loại tiền khác, giúp họ thuận tiện trong mua bán.
Ngoài những tiện ích, theo Bùi Chí Cường, sản phẩm còn một số hạn chế như chỉ hoạt động trong khu vực có sóng điện thoại. Khi mang thiết bị đến những nơi sóng điện thoại yếu, khả năng phân tích bị chậm và không hoạt động ở nơi không có sóng. Cường nói sắp tới việc phủ sóng 5G trong nước sẽ khắc phục được phần nào nhược điểm này.
Ngoài ra, sản phẩm có độ cồng kềnh nhất định, trọng lượng khoảng 1 kg khi mang trước ngực sẽ bất tiện cho người dùng đặc biệt với những em nhỏ và phụ nữ. “Sắp tới nhóm sẽ tối ưu hóa các thiết kế để làm cho sản phẩm nhỏ gọn hơn”, Cường nói.
Nhóm kỳ vọng “Hộp thần kỳ” SmartEyes góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người mù, giúp họ vượt qua sự tự ti, giảm phụ thuộc vào người thân. “Sản phẩm sẽ giúp người khiếm thị thoát khỏi bóng tối trong đôi mắt và tiến tới một cuộc sống độc lập, an toàn hơn”, Đoàn Hồng Ngọc, thành viên nhóm kỳ vọng.
Hiện tại sản phẩm của nhóm có 2 phiên bản Pro với 9 tính năng, bản Basic có 4 tính năng. Trong giai đoạn đầu, nhóm dự kiến tài trợ, tặng cho người mù dùng thử để đánh giá tính hiệu quả sau đó kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp tài trợ dự án để giảm giá bán để nhiều người tiếp cận với sản phẩm hơn.

Thầy Nguyễn Đức Vĩnh, Giáo viên hướng dẫn nhóm cho biết, sản phẩm làm có vỏ ngoài bằng nhựa, chưa đảm bảo chức năng chống nước, bụi khi sử dụng ngoài môi trường. Trường hợp sử dụng trong thời tiết xấu, mưa to, gió lớn thiết bị có thể bị ảnh hưởng hoạt động.
Ngoài ra, chức camera sẽ bị ảnh hưởng trong điều kiện trời tối, thiết bị rung lắc sẽ cho ảnh chất lượng thấp, ảnh hưởng khả năng nhận diện môi trường.
“Nhóm cần thời gian tối ưu thiết kế cũng như nâng cấp các thiết bị điện tử để nó hoạt động ổn định hơn”, thầy Vĩnh nói.