Chốt phiên giao dịch hôm 28/8, theo giờ Mỹ, cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức 82,35 USD/cp, tăng gấp 4 lần so với mức giá chào sàn Nasdaq.
Cú ‘nhấn ga’ của cổ phiếu VFS đẩy vốn hóa VinFast Auto Ltd (VinFast) có thời điểm vượt qua mốc 200 tỉ USD. Đây là con số đáng ghi nhận, bởi hãng xe điện Việt Nam chạm được cột mốc này chỉ sau 10 phiên giao dịch trên sàn Nasdaq. Trong khi, theo Bloomberg, Tesla – nhà sản xuất xe điện danh tiếng của Mỹ – phải mất hơn 3.600 phiên giao dịch mới có thể đạt được quy mô vốn hóa tương tự.
Nhìn về Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 29/8, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã giảm 16,1% so với mức đỉnh phiên giao dịch hôm 16/8 – ngay sau khi cổ phiếu VFS chào sàn chứng khoán Mỹ ở bên kia bán cầu. Nhưng không vì thế mà cổ phiếu VIC trở nên kém hấp dẫn.
Sau khi cổ đông Black Spade Acquisition (Black Spade) thông qua kế hoạch hợp nhất với VinFast và kế hoạch niêm yết cổ phiếu VFS được hé mở hôm 10/8, cổ phiếu VIC chứng kiến 11 phiên giao dịch liên tiếp với thanh khoản qua phương thức khớp lệnh đều đạt trên 10 triệu đơn vị. Số cổ phiếu VIC được trao tay qua phương thức khớp lệnh đặc biệt ấn tượng trong các phiên 11 và 18/8, đạt trên 20 triệu đơn vị.
Đây là con số đáng kể, nếu so với khối lượng giao dịch bình quân 100 phiên - ở mức 2,8 triệu đơn vị/phiên - của cổ phiếu VIC trước hôm 10/8.
Xét về giá trị giao dịch, dữ liệu của FireAnt cho thấy, giai đoạn từ ngày 11/8 - 29/8, giá trị cổ phiếu VIC được trao tay thường xuyên đạt quy mô nghìn tỉ đồng, ngoại trừ các ngày 14 và 22/8.
Trước đó, giai đoạn từ ngày 1/8 - 10/8, chỉ duy nhất 1 phiên giao dịch ngày 4/8 giá trị cổ phiếu VIC được trao tay đạt trên 1.000 tỉ đồng, ở mức 1.311 tỉ đồng. Trước đó nữa, cổ phiếu VIC không ghi nhận phiên giao dịch nào có giá trị đạt quy mô nghìn tỉ đồng trong tháng 7/2023.
Đóng góp vào mức thanh khoản nêu trên là hoạt động giao dịch tích cực của khối ngoại. Theo dữ liệu VietTimes thu thập được, từ ngày 16/8 – 29/8, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 511,4 tỉ đồng cổ phiếu VIC. Trước đó, từ ngày 1/8 – 15/8, họ mua ròng 3,8 tỉ đồng.
Tính đến cuối quý 2/2023, tỉ phú Phạm Nhật Vượng và người thân trong gia đình, cùng các pháp nhân có liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI, nắm giữ tổng cộng 61,12% vốn điều lệ Vingroup. Phần vốn còn lại của tập đoàn này - tương đương 38,88% cổ phần, do các cổ đông khác nắm giữ.
Trong khi đó, cơ cấu cổ đông cô đặc với số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) thấp được cho là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu VFS biến động mạnh.
Theo bản cáo bạch, lượng cổ phiếu do nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành của VinFast. Lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của VinFast sau khi niêm yết chỉ ở mức 4,5 triệu đơn vị trên tổng số hơn 2,3 tỉ cổ phiếu.
First Trust Capital Management
Trước khi Black Spade về ‘chung nhà’ với VinFast, vào tháng 6/2023, First Trust Capital Management (FTCM) – một quỹ đầu tư kín tiếng – đã mua vào lượng lớn cổ phiếu BSAQ trên thị trường.
Sau Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (EGM 2023) của Black Spade, với nội dung chính là lùi hạn chót sáp nhập với VinFast thêm 1 năm, FTCM đã bán ra toàn bộ cổ phiếu BSAQ họ nắm giữ.
Được biết, FTCM là thành viên của First Trust Capital Partners, hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ. Tính đến cuối năm ngoái, FTCM quản lý khối tài sản 5,2 tỉ USD./.