|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chú trọng chính sách tăng cường phát triển nền kinh tế quốc gia và tìm kiếm nguồn đầu tư từ nước ngoài. |
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Ri Kil-song đã dẫn đầu một phái đoàn tới thăm 7 nước Đông Nam Á bắt đầu từ ngày 22/1. Phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên sẽ tới thăm các nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore, Indonesia và Malaysia. Trong đó, Campuchia và Myanmar là hai điểm dừng chân mới của giới chức Triều Tiên trên hành trình tới Đông Nam Á kể từ sau chuyến thăm lần đầu tiên của Bộ trưởng Ngoai giao Ri Su-yong tới khu vực này hồi tháng 8/2014.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho hay trong chuyến thăm hồi tháng Tám năm ngoái, ông Ri Su-yong đã thảo luận với các đối tác về nhiều lĩnh vực như hợp tác kinh tế và quân sự.
Còn theo tạp chí The Diplomat, việc giới ngoại giao Triều Tiên chủ động tới thăm các nước Đông Nam Á cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng phá bỏ thế bị cô lập ngoại giao. Trong bối cảnh, Triều Tiên đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc, quốc gia từng là đồng minh thân thiết với Bình Nhưỡng, thì việc quốc gia cô lập tìm kiếm sự ủng hộ từ nhiều nước khác là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh địa chính trị, việc Triều Tiên chủ động tìm kiếm cơ hội đàm phán với các nước trong khối ASEAN lại nhằm mục đích khác. Bởi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ vốn đóng vai trò là “anh lớn” tại ASEAN, thường đưa ra các khoản viện trợ kinh tế để giành được sự ủng hộ chính trị và ngoại giao từ các nước trong khối. Trong khi đó, Triều Tiên lại không thể thực hiện như cách trên để lấy lòng các nước Đông Nam Á.
Thay vào đó, Triều Tiên tiếp cận Đông Nam Á với vai trò đối tác hoặc thậm chí là “cậu em út”. Tương tự như Nhật Bản và Trung Quốc, Triều Tiên đã nhận thấy nhiều cơ hộiphát triển kinh tế tại Đông Nam Á. Theo Diplomat, nói cách khác, mục đích chính khiến Bình Nhưỡng kết thân với các nước trong khối ASEAN là: lợi nhuận kinh tế. Bởi Triều Tiên không chỉ muốn phá vỡ thế bị cô lập chính trị mà còn muốn thay đổi chính sách “tự cung tự cấp” bao đời nay, khiến nền kinh tế quốc gia trì trệ và xuống cấp trầm trọng.
Ông Geoffrey See, một doanh nhân người Singapore thường xuyên tới Triều Tiên, khẳng định nhà lãnh đạo quốc gia cô lập, ông Kim Jong-un đang muốn thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điển hình, một trong những khu kinh tế mà Triều Tiên đang chú trọng đầu tư nằm tại Wonsan, thuộc vùng bờ biển phía đông Triều Tiên có đường biên giới giáp với Hàn Quốc và nhìn về phía Nhật Bản nhưng lại cách xa Trung Quốc.
Ngay cả tư tưởng của giới doanh nhân Triều Tiên cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ. Theo ông See, “Khoảng 6 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình đầu tư kinh tế tại Triều Tiên, đối tác của chúng tôi thường nói nhiều về chủ nghĩa xã hội và họ khẳng định không bao giờ thay đổi hệ thống tư tưởng này. Song trong vài năm gần đây, họ đã thay đổi cách nghĩ và chú trọng tới việc làm thế nào để đưa những tinh hoa thế giới về Triều Tiên cũng như cố gắng đưa tư tưởng này hòa hợp với chủ nghĩa xã hội”.
|
Sản lượng lương thực Triều Tiên đã tăng mạnh sau khi quốc gia này thi hành chính sách cải cách nông nghiệp từ năm 2012. |
Việc thay đổi tư tưởng như trên đã đem lại cho Bình Nhưỡng những hiệu quả tích cực ban đầu. Theo đó, Triều Tiên đã cho áp dụng chính sách cải cách nông nghiệp từ năm 2012, cho phép người nông dân được giữ lại một phần sản lượng và mọi thứ mà họ tăng năng suất làm ra. Chính sách này còn giúp Triều Tiên tăng tổng sản lượng lương thực lên gần 5,03 triệu tấn, mức cao nhất của quốc gia cô lập kể từ đầu thập niên 90.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đang chú trọng phát triển 13 khu kinh tế trọng điểm với ý định kêu gọi nguồn đầu tư và hợp tác từ nước ngoài. Thậm chí, Triều Tiên còn có kế hoạch tổ chức các cuộc họp với giới đầu tư tại Bình Nhưỡng và nhiều thành phố khác trên thế giới để tìm kiếm nguồn đầu tư nước ngoài. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu đề ra trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Kil-song tới khu vực Đông Nam Á. Ngay cả trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2014, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã bóng gió nhắc tới việc Triều Tiên đang mở ra những cơ hội cải cách và tự do kinh tế theo cách riêng của nước này.
Kế hoạch cải thiện nền kinh tế cũng được thể hiện trong chuyến thăm tới Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong hồi tháng 10 năm ngoái. Thực tế, mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Nga - Triều Tiên đang ngày càng mật thiết. Điển hình, Bình Nhưỡng sẽ nhận 50.000 tấn lúa mì nằm trong chương trình viện trợ lương thực từ Nga. Ngoài ra, chính quyền địa phương tại 4 tỉnh vùng Viễn Đông của Nga cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các dự án nông nghiệp lâu dài giữa hai nước.
Thậm chí, hồi năm 2012, Moscow còn quyết định giãn thời gian trả khoản nợ 11 ngàn tỷ USD mà Bình Nhưỡng vay từ thời Liên Xô cũ cũng như thành lập một cơ quan mang tên Hội đồng Thương mại Nga – Triều Tiên.
Tuy nhiên, chính sách hướng tới ASEAN của Triều Tiên cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn từ tầm ảnh hưởng của Nhật Bản và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Điển hình, trong thời gian tới Tokyo sẽ tăng khoản viện trợ ODA cho khu vực Đông Nam Á tại các nước Myanmar, Campuchia, Indonesia và Lào.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã thay đổi chính sách ngoại giao kinh tế nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tới các nước Đông Nam Á. Như việc, Trung Quốc đã cho thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á trị giá 50 ngàn tỷ USD với 10 quốc gia ASEAN là thành viên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết chi 40 ngàn tỷ USD để thành lập Qũy cơ sở hạ tầng Con đường Tơ lụa. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án này sẽ được triển khai trong năm nay với sự hợp tác từ Thái Lan và Lào.
Chia sẻ với tờ The Financial Times về mối quan hệ của Nhật Bản và Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, chuyên gia Sanchita Basu Das ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định: “Đây là cuộc đua giữa các ông lớn. Trong năm tới, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến mối quan hệ cạnh tranh sử dụng kinh tế là công cụ hữu ích”.
Theo ông Das, Triều Tiên không phải là “anh lớn” nhưng Bình Nhưỡng không ganh đua tạo tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á như Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi, Nhật – Trung dùng kinh tế là “công cụ” để mở rộng tầm ảnh hưởng thì Triều Tiên chỉ hợp tác với khu vực này để mong thu lại lợi nhuận kinh tế.
Theo: InfoNet