Triều Tiên có thể gửi 100.000 quân tới Nga, lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu quân đội "nỗ lực hết mình"

Một người trong ngành quốc phòng Nga cho biết con số 100.000 binh sĩ là dấu hiệu cho thấy Moscow đang có ý định chiến đấu ở Ukraine trong thời gian dài.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chào các binh sĩ trong chuyến thăm căn cứ huấn luyện lực lượng đặc biệt vào tháng 9 (Ảnh: KCNA)

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi quân đội nước này nâng cao khả năng chiến đấu trong chiến trận, theo thông tin từ hãng thông tấn KCNA hôm 18/11, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Bình Nhưỡng có thể cử tới 100.000 binh sĩ hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Ông Kim đã có bài phát biểu tại một hội nghị các chỉ huy tiểu đoàn và các giảng viên chính trị được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày 15/11, trong đó ông kêu gọi xây dựng sức mạnh chính trị và quân sự cũng như khả năng chiến đấu để đảm bảo quân đội có thể ứng phó với chiến tranh.

Ông nói rằng các mối đe dọa từ Mỹ và các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, cùng với sự đối đầu quân sự của họ với Triều Tiên đã đẩy căng thẳng lên "giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử", và gọi bán đảo Triều Tiên là "điểm nóng lớn nhất thế giới".

“Ông đã nhiệt thành kêu gọi tất cả những người tham dự nỗ lực hết mình để cải thiện khả năng chiến đấu trong một cuộc chiến thực sự”, KCNA cho biết.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine và các bên ủng hộ chỉ trích mạnh mẽ về sự hợp tác quân sự phát triển nhanh chóng giữa Triều Tiên và Nga.

Washington, Seoul và Kiev cho biết có hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên ở Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống Ukraine, và một số binh sĩ trong số đó đã tham chiến ở Kursk, gần biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số quốc gia trong nhóm G20, Triều Tiên có thể triển khai tới 100.000 binh lính nếu liên minh giữa Bình Nhưỡng và Moscow tiếp tục phát triển. Phân tích này dựa trên những nghiên cứu về mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa hai nước.

Các nguồn tin nói với SCMP rằng, đợt triển khai lớn như vậy không phải là điều sắp xảy ra và, nếu có, có thể được thực hiện theo từng đợt, với các binh lính thay phiên nhau theo thời gian thay vì triển khai một lần.

Đại sứ Ukraine tại Hàn Quốc đã đưa ra đánh giá tương tự vào đầu tháng này. Ông Dmytro Ponomarenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Kiev dự đoán sẽ có tới 15.000 binh lính Triều Tiên được triển khai tham chiến ở khu vực Kursk của Nga – và có thể ở các khu vực bị chiếm đóng tại miền đông Ukraine – với các đợt thay phiên mỗi vài tháng.

Một người quen thuộc với Bộ Quốc phòng Nga cho biết việc có một cơ chế thay thế tổn thất từ phía Triều Tiên là hợp lý, nếu không lực lượng này sẽ nhanh chóng bị tiêu hao trong các trận chiến và mất giá trị chiến đấu. Người này, yêu cầu giấu tên, cho biết con số 100.000 binh lính cũng là một dấu hiệu cho thấy Nga đang có kế hoạch chiến đấu lâu dài.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Văn phòng Tổng thống nước này chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Một bức ảnh được KCNA công bố mới đây cho thấy cuộc thử nghiệm máy bay không người lái tự sát tại một địa điểm không được tiết lộ (Ảnh: KCNA)

Động thái gây quan ngại

Quyết định của ông Kim về việc gửi binh lính Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã khiến các đồng minh của Kiev lo ngại, họ cảnh báo rằng điều này có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Họ cũng tin rằng sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa ông Putin và ông Kim có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong một bản tin riêng, KCNA cho biết một phái đoàn Nga do Bộ trưởng Tài nguyên và Sinh thái Alexander Kozlov dẫn đầu đã đến Bình Nhưỡng vào ngày 17/11 để tham gia các cuộc đàm phán thương mại và kinh tế.

Tuần trước, ông Kim đã giám sát một cuộc thử nghiệm máy bay không người lái tự sát và ra lệnh sản xuất hàng loạt chúng, viện dẫn sự cạnh tranh gia tăng trong việc áp dụng các loại vũ khí này trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã lên án quyết định của Triều Tiên và Nga về việc "mở rộng nguy hiểm" cuộc chiến Ukraine khi họ tổ chức hội nghị thượng đỉnh bên lề Hội nghị hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru.

Chính quyền Biden được cho là đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách và là phản ứng đối với việc Nga triển khai binh lính Triều Tiên.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết binh lính Triều Tiên đã phải chịu thương vong trong các cuộc giao tranh với lực lượng của Ukraine, và những trận đánh đầu tiên giữa họ "mở ra một trang mới trong sự bất ổn".

Hàn Quốc cho biết có "khả năng cao" là Triều Tiên sẽ yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nga – bao gồm công nghệ liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa đạn đạo liên lục địa, vệ tinh trinh sát và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.