|
Cận cảnh một cấu trúc xây dựng trên đá Subi ở quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố |
Chỉ cách đây hơn một năm, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã viết một lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, trong đó dự báo rằng Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng các cơ sở tấn công và phòng thủ ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Ông Clapper đã không đi quá xa khi đưa ra nhận định trên.
Các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng chủ yếu trên nhóm "bộ ba" (Big 3) bao gồm ba đảo nhân tạo xây dựng phi pháp: Đá Subi, Vành Khăn và Đá Chữ Thập đang vào giai đoạn hoàn tất, với các cơ sở cho hải quân, không quân, radar và phòng thủ mà chương trình AMTI theo dõi trong gần 2 năm qua phần lớn đã hoàn tất. Hiện Trung Quốc đã có thể triển khai các khí tài quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và các bệ phóng tên lửa cơ động, ra quần đảo Trường Sa vào bất kỳ lúc nào.
Ba căn cứ Không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và một căn cứ khác trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) sẽ cho phép các máy bay quân sự nước này triển khai hoạt động trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Thực tế này cũng đúng với phạm vi bao phủ của hệ thống radar Trung Quốc, với các cơ sở radar theo dõi/cảnh báo sớm bố trí trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Châu Viên, cũng như trên đảo Phú Lâm và các cơ sở nhỏ hơn.
Trung Quốc đã duy trì các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm từ hơn một năm qua và ít nhất một lần triển khai các tên lửa chống hạm tới hòn đảo này. Hiện Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa kiên cố với mái di động dành cho các bệ phóng tên lửa cơ động trên "bộ ba" đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Việc xây dựng các nhà chứa máy bay trên Đá Chữ Thập, đủ để chứa 24 máy bay chiến đấu và 3 máy bay cỡ lớn như máy bay tình báo, theo dõi và do thám (ISR), máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu hoặc máy bay ném bom đã hoàn tất.
Tháng 1/2017, các mái che máy radar đã được lắp đặt trên 3 tòa tháp lớn ở nhánh phía đông bắc bãi đá này mà trước đó chưa xác định xây dựng với mục đích gì, cũng như một tòa tháp ở mũi phía bắc của đường băng. Một dãy mái che máy radar cỡ lớn được lắp đặt ở phía Bắc của sân bay cho thấy một trạm radar quy mô khá lớn.
Trên Đá Vành Khăn, các nhà chứa dành cho 24 máy bay chiến đấu đã hoàn thành và đầu tháng 3 này, các nhóm xây dựng đã thực hiện những công đoạn cuối cùng trên 5 nhà chứa máy bay lớn. Một tháp radar hoàn chỉnh ở giữa bãi đá, trong khi 3 tháp lớn đã được xây dựng ở góc phía tây nam.
Một mái che máy radar đặt trên mặt đất gần một trong các tháp này cho thấy sẽ sớm được lắp đặt tương tự như các cấu trúc trên Đá Chữ Thập và Đá Subi. Những mái che di động cũng được lặp đặt trên các nhà chứa tên lửa mới được xây dựng gần đây.
Trên Đá Subi, việc xây dựng các khu nhà để 24 máy bay chiến đấu và 4 nhà chứa máy bay lớn hơn đã hoàn tất. Những hình ảnh gần đây cho thấy các mái che máy radar được lắp đặt trên 3 tháp của Đá Subi ở các giai đoạn hoàn thiện khác nhau, cùng với một tháp radar hoàn chỉnh ở cạnh đường băng.
Tại mỏm phía nam của Đá Subi cũng có một cấu trúc dường như là một trạm radar cao tần. Đây là cấu trúc duy nhất trên "bộ ba" đảo nhân tạo phi pháp. Giống như các cơ sở radar trên các bãi đá khác, trạm radar cao tần này bố trí gần với một cấu trúc phòng ngự theo điểm, làm nhiệm vụ bảo vệ trạm radar trước các cuộc không kích bằng máy bay hoặc tên lửa.