Tránh chọc giận Trung Quốc, Mỹ không đưa tàu sân bay vào Hoàng Hải

VietTimes -- Mặc dù Mỹ tổ chức cuộc tập trận có quy mô chưa từng có ở khu vực bán đảo Triều Tiên, nhưng lại không đưa tàu sân bay đến biển Hoàng Hải như trước, cũng không để Nhật Bản - Hàn Quốc đồng thời tham gia...
Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu khu trục Hàn Quốc. Ảnh: RT
Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu khu trục Hàn Quốc. Ảnh: RT

Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 4/5 cho rằng, ngày 3/5, hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã kết thúc nhiệm vụ hộ tống cho tàu chiến Mỹ. 
Trước đó, ngày 23/4, 2 tàu khu trục Nhật Bản cùng với cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson Mỹ bắt đầu tiến hành tập trận chung tại vùng biển lân cận Philippines. Sau đó, ngày 29/4, chúng cùng cụm tấn công tàu sân bay này đi vào vùng biển Nhật Bản ở lân cận tỉnh Nagasaki.
Lần này, có ít nhất ba tàu Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cùng hành động với cụm tấn công tàu sân bay Mỹ dưới danh nghĩa "huấn luyện chung". Đây là lần đầu tiên Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ" cho tàu chiến Mỹ dựa trên Luật An ninh mới.
Các hình ảnh công bố ngày 2/5 của quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho thấy lần này, tàu khu trục Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực sự đã gia nhập cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson, tham gia hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Truyền thông Nhật Bản chỉ rõ, cuộc tập trận ở bán đảo Triều Tiên mà quân đội Mỹ tham gia lần này có quy mô chưa từng có, nhưng quân đội Mỹ đã vạch ra một giới hạn cho mình, tránh đi vào biển Hoàng Hải. Phía Nhật Bản phán đoán, điều này có thể liên quan đến việc Mỹ cần Trung Quốc hợp tác ứng phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ cũng lo ngại về  mối ân oán lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, không sắp xếp cho quân đội hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia diễn tập.

Hải quân Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung. Ảnh: Business Insider
Hải quân Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung. Ảnh: Business Insider

Theo tiết lộ của tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), cụm tấn công tàu sân bay Mỹ mặc dù áp sát bán đảo Triều Tiên, nhưng rõ ràng đã tránh biển Hoàng Hải. Vùng biển này kẹp giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Trước đây tàu sân bay Mỹ thường đi vào và gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Tháng 11/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng điều tàu sân bay USS Ronald Reagan đi vào biển Hoàng Hải để tiến hành tập trận. Nhưng năm nay, trong thời điểm gây sức ép với Triều Tiên, Mỹ lại tránh đi vào vùng biển nhạy cảm này.
Mỹ luôn đề xướng mạng lưới bao vây "Mỹ - Nhật - Hàn", nhưng trong cuộc tập trận lần này, Mỹ không sắp xếp cho quân đội hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia. Nguyên nhân là do hai nước này còn tồn tại bất đồng về vấn đề nô lệ tình dục trước đây. Trước thềm bầu cử ở Hàn Quốc, Mỹ không muốn nhìn thấy thái độ chống Nhật ở Hàn Quốc nổi lên.

Tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: RT
Tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: RT