|
Đồng Rup Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Ảnh: Đông Phương). |
Kiev tiếp tục bị tấn công tên lửa, Kharcov bị pháo kích ác liệt chưa từng thấy
Quân đội Nga tiếp tục tấn công Kiev, thủ đô Ukraine. Vào sáng sớm ngày Chủ nhật (27/2), 2 vụ nổ đã xảy ra ở Vasilki, cách Kiev 30 km về phía nam, thành phố Kharkov lớn thứ hai Ukraine cũng hứng chịu trận pháo kích ác liệt. Một bệnh viện nhi ở Kiev được cho là đã bị trúng đạn khiến ít nhất một trẻ em thiệt mạng.
Vasilki đã bị trúng tên lửa và có 2 vụ nổ, trong khu vực này có một sân bay quân sự lớn và các bồn chứa nhiên liệu. Tại Kharkov, quân đội Nga và quân đội Ukraine đã có một trận đấu pháo, được cho là ác liệt nhất kể từ sau khi cuộc chiến giữa hai bên bùng phát hôm 24/2.
Truyền thông Ukraine hôm thứ Bảy (26/2) đưa tin Kiev đã bị nhiều tên lửa tấn công, một bệnh viện ung thư dành cho trẻ em cũng trúng đạn, làm chết một người và bị thương hai trẻ em khác cùng hai người lớn. Hình ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy có một thi thể được cho là một trẻ em nằm dưới đất, được che phủ bằng một chiếc chiếu.
|
Hình ảnh Kharkov bị pháo kích và Kiev bị trúng tên lửa sáng 27/2 (Nguồn: CCTV). |
Trước đó, vào thứ Bảy (26/2) Ukraine đã từ chối đàm phán với Nga, và Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày đã đưa ra một tuyên bố, ra lệnh cho quân đội Nga mở rộng cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine.
Các tin trước đó chỉ ra rằng Moscow có ý muốn đàm phán với chính quyền Kiev tại Minsk, thủ đô Belarus, nhưng hai bên đã bất đồng về địa điểm đàm phán. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, sau khi phía Ukraine từ bỏ tiến trình thương lượng, tất cả các đơn vị quân đội được lệnh tiếp tục bám sát chương trình hành động, tiến công trên các hướng.
Tình báo Mỹ xác nhận rằng quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ ở Biển Azov và Mariupol, và các lực lượng đổ bộ phân tán về phía đông bắc, trong khi tiếp tục tấn công Kherson.
Mặt khác, theo thông tin tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh, tốc độ tấn công của quân đội Nga đang có dấu hiệu tạm thời chững lại, điều này được dự đoán có liên quan đến những khó khăn về giao thông và sự kháng cự cứng rắn của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, việc chiếm thủ đô Kiev vẫn là mục tiêu quân sự chính của quân Nga.
|
Hình ảnh được Bộ Quốc phòng Ukraine công bố cho là một chỉ huy lữ đoàn xe tăng Nga bị họ bắt (Ảnh: Đông Phương). |
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố bức ảnh cho biết quân đội Ukraine tấn công một chiếc xe tăng Nga và bắt sống một viên chỉ huy lữ đoàn xe tăng. Các giấy tờ nhận dạng, một số lượng nhỏ tiền rúp và quân hiệu đã được tìm thấy từ người này. Bài đăng tiết lộ viên chỉ huy bị bắt đã kết hôn và có hai con.
Đức thay đổi lập trường, viện trợ vũ khí cho Ukraine
Đức trước nay luôn từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine khiến họ chịu nhiều sức ép từ các đồng minh EU và NATO. Ngày 26/2, hai quan chức châu Âu nói với Reuters rằng Đức đã ủy quyền cho Hà Lan vận chuyển 400 ống phóng tên lửa tới Ukraine.
Trong những ngày qua, các nước vùng Biển Baltic và Đông Âu đã liên tiếp cung cấp đạn dược, súng và các loại vũ khí trang bị khác cho Ukraine, nhưng Đức chỉ cung cấp vật tư phòng ngự và hàng cứu trợ. Do một số lượng lớn vũ khí ở châu Âu do Đức sản xuất nên các nước khác có ý định chuyển nhượng hoặc viện trợ cho nước thứ ba, đều phải được Đức chấp thuận.
Theo Reuters, sự thay đổi thái độ của Đức có thể đồng nghĩa với việc lượng viện trợ quân sự mà Ukraine nhận được sẽ tăng lên đáng kể, nhưng không có nghĩa là tất cả các loại vũ khí đều được phê chuẩn, mà cần phải trải qua các đánh giá riêng rẽ.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa phòng không vác vai Stinger. Ông nói: “Cuộc xâm lược của Nga đánh dấu một bước ngoặt và chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ Ukraine trong khả năng tốt nhất để chống lại đội quân xâm lược của (Tổng thống Nga) Putin”.
|
Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố viện trợ 1000 tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine (Ảnh: Twitter). |
Các quan chức Ukraine trong những ngày gần đây đã chỉ trích Đức vì từ chối cho phép vận chuyển vũ khí viện trợ cho Kiev, trong đó có việc không cho phép Estonia chuyển những khẩu lựu pháo cũ sang Ukraine vì chúng vốn được Đức bán cho Phần Lan và sau đó sang nhượng cho Estonia. Đức giải thích chính sách của họ nhằm ngăn chặn đổ máu, nhưng nhấn mạnh yêu cầu của Estonia vẫn đang được xem xét. Truyền thông Mỹ nhận xét, sự thay đổi lập trường của Đức là một bước ngoặt lớn.
Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều viện trợ quân sự hơn, bao gồm vũ khí phòng ngự và nhiên liệu, đồng thời sẽ có hành động chống lại các phương tiện truyền thông và những người có ảnh hưởng của Nga vì đã lan truyền thông tin sai lệch. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói, 27 các quốc gia thành viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí từ châu Âu cho Ukraine.
Ukraine tuyên bố lập đạo quân IT, trang web của Tổng thống Nga bị tê liệt
Hôm thứ Bảy (26/2) theo giờ địa phương, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov thông báo rằng Ukraine sẽ thành lập một "đạo quân IT" để chống lại sự tấn công mạng của Nga. Cùng ngày, "kremlin.ru", trang web chính thức của Điện Kremlin Nga và Văn phòng Tổng thống, Putin đã bị tê liệt, được cho rằng có thể do bị tấn công mạng.
|
Trang web Kremlin.ru đến sáng 27/2 vẫn bị tê liệt (Ảnh: Sunnews). |
Ông Fedorov cho biết trên Twitter rằng chính phủ Ukraine đang xây dựng một “đạo quân IT” liên kết đến một nhóm ứng dụng nhắn tin được mã hóa Telegram. Nhóm này chứa danh sách 31 trang web của các công ty chủ chốt và cơ quan chính phủ lớn của Nga, bao gồm Tập đoàn dầu khí Gazprom thuộc sở hữu nhà nước, Công ty năng lượng Lukoil, 3 ngân hàng và nhiều cơ quan chính phủ khác nhau. Trang web chính thức của Điện Kremlin ngay lập tức đã bị bị tê liệt do nghi ngờ bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), hiện không có ai đứng ra nhận trách nhiệm.
Ngoài ra, ngày thứ Bảy (26/2) một số ga xe lửa và sân bay ở Moscow đã nhận được lời đe dọa đánh bom, nhưng sau khi điều tra được chứng minh là báo động giả. Đại sứ quán Nga tại Anh cũng đã nhận được các cuộc điện thoại đe dọa liên quan đến vụ Nga tấn công Ukraine và đang giữ liên lạc với cảnh sát London.
Mỹ và phương Tây loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT
Vào thứ Bảy (26/2) theo giờ địa phương, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã thông báo rằng họ sẽ cắt kết nối của nhiều ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn việc Nga sử dụng dự trữ quốc tế làm suy yếu tác dụng của các biện pháp trừng phạt.
Các nước châu Âu nói trên và Mỹ đã ra tuyên bố chung lên án việc Tổng thống Nga Vladimir Putin lựa chọn chiến tranh, tiến hành cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền và người dân Ukraine, mô tả cuộc chiến của Nga là điển hình vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế kể từ Thế chiến II. Tuyên bố cam kết đảm bảo rằng "các ngân hàng cụ thể của Nga" bị loại bỏ khỏi hệ thống SWIFT, khiến các ngân hàng có liên quan bị trật khỏi hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu. Theo đó, một nhóm công tác xuyên Đại Tây Dương sẽ được thành lập trong tuần tới để xác định và phong tỏa tài sản của các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan, đảm bảo các biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu lực.
|
Việc bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT được Phương Tây cho là sẽ gây thiệt hại lớn cho kinh tế Nga (Ảnh: Gnews). |
Vòng trừng phạt thứ ba này nhằm “ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine”, hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời đình chỉ chương trình đầu tư theo quốc tịch được gọi là “hộ chiếu vàng” của các doanh nhân Nga giàu có và gia đình của họ, và nhắm mục tiêu vào các các cá nhân hoặc tổ chức ủng hộ chiến tranh chống lại Ukraine, cho dù họ có ở Nga hay không. Phía Đức cho biết, nếu Nga không dừng các cuộc tấn công vào Ukraine, từ đó ảnh hưởng đến hòa bình và trật tự ở châu Âu, họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo.
Washington trước đó đã lên kế hoạch cùng với các đồng minh châu Âu khác để thực hiện mọi bước nhằm tối đa hóa ảnh hưởng. Quyết định trừng phạt các ngân hàng Nga có nghĩa là Mỹ đang nhắm vào tài sản của ông Putin. Một số nhà phân tích cho rằng động thái này là chưa từng có và tin rằng nó có thể phá hủy nền kinh tế Nga và khiến đồng rúp mất giá mạnh.
(Theo Đông Phương, Dwnews, Ettoday...).