|
Quân đội Mỹ và Nhật đã có kế hoạch giao chiến với Trung Quốc bảo vệ quần đảo Senkaku (Ảnh: Dwnews). |
Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 17/3, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 16, ông Blinken tuyên bố, theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, Mỹ khẳng định lại "kiên định nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản, trong đó bao gồm quần đảo Senkaku" và phản đối mọi nỗ lực đơn phương thay đổi "hiện trạng Biển Hoa Đông". Mỹ và Nhật Bản lần này cũng đã đưa ra tuyên bố về cuộc hội đàm "2+2" giữa ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi. Trong đó, quần đảo Senkaku một lần nữa lại được ghi rõ là đối tượng áp dụng của Điều 5 của "Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ".
Ông Nobuo Kishi tuyên bố trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm rằng: để tăng cường khả năng ứng phó xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư), các cuộc huấn luyện chung sẽ được thực hiện với quân đội Mỹ. Theo truyền thông Nhật Bản, trong cuộc hội đàm riêng giữa hai ông Nobuo Kishi và Lloyd Austin vào ngày 16/3, hai bên đã nhất trí tổ chức một cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra ở quần đảo Senkaku.
|
4 Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước chúc mừng thành công của cuộc hội đàm 2+2 trước khi họp báo (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Việc Mỹ và Nhật Bản xác nhận họ sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên quần đảo Senkaku là một bước đi quan trọng. Đây là một động thái mang tính thực chất đi từ lời hứa đến việc thực hiện.
Đa Chiều viết, trong suốt thời gian dài sau khi Mỹ và Nhật Bản ký kết "Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật" vào năm 1951, Mỹ đã không làm rõ liệu hiệp ước này có áp dụng cho quần đảo Senkaku hay không. Năm 2010, khi Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra sự kiện đâm va tàu trên quần đảo Senkaku, Mỹ đã “án binh bất động”. Cho đến năm 2014, Tổng thống Barack Obama mới lần đầu tiên tuyên bố bằng lời nói rằng "Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật được áp dụng cho quần đảo Senkaku". Đến thời chính quyền Donald Trump, hiệp ước này đã được đưa vào tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Mỹ. Giờ đây, chính phủ Joe Biden không chỉ tiếp tục cam kết mà còn đồng ý tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku.
Từ không hứa hẹn đến lời hứa miệng và giờ đây là cả lời hứa và hành động, Mỹ đã đưa việc giúp bảo vệ Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư vào chương trình nghị sự. Đây sẽ là cuộc diễn tập về khả năng Mỹ, Nhật Bản có thể nổ súng với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku trong tương lai. Cam kết của Mỹ về quần đảo Senkaku tuyệt đối không phải là lời nói suông, cũng không phải là một tuyên bố chính trị đơn giản mà là có cả kế hoạch quân sự.
|
Cuộc hội đàm 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ, Nhật hôm 16/3 được đánh giá là có những kết quả đột phá (Ảnh: AP). |
Đằng sau tranh chấp Trung - Nhật là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Bắc Á. Giữa Trung Quốc và Mỹ liệu sẽ có một cuộc chiến tranh nóng hoặc xảy ra xung đột quân sự hay không luôn là chủ đề được dư luận quan tâm.
Đa Chiều cho rằng, xét về quan điểm quân sự, xung đột hay chiến tranh không phải là một vấn đề đơn giản, quân đội phải luôn chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất và tiến hành xây dựng các phương án tác chiến trước. Nói Mỹ đồng ý tập trận với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku để giúp bảo vệ Nhật Bản, không khác nào nói rằng sau khi đã nghiên cứu và đánh giá khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc; Mỹ cho rằng họ cần phải làm việc với các đồng minh để đối phó với "chiến tranh nóng" với Trung Quốc, Mỹ sẽ không "đơn thương độc mã” chiến đấu với Bắc Kinh.
Ở phía tây Thái Bình Dương, từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến eo biển Đài Loan rồi đến Biển Đông, không nơi nào yên ả. Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, điều này vừa có tác dụng răn đe lẫn nhau, vừa là biện pháp phòng ngừa. Mỹ phải có kế hoạch cùng Nhật ra tay với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
|
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (phải) gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông sẽ thăm Mỹ vào tháng 4 tới (Ảnh: AP). |
Sau cuộc hội đàm, hai ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản cùng các bộ trưởng quốc phòng đã ra tuyên bố chung tại Tokyo vào ngày 16/3, bày tỏ "những lo lắng nghiêm trọng" về những đòi hỏi của Trung Quốc về quyền lực ngày càng tăng. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm lên án "những đòi hỏi phi pháp và hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông", đồng thời bày tỏ lo ngại rằng "Luật Hải cảnh" của Bắc Kinh cho phép tàu hải cảnh nổ súng ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) dẫn lời ông Takeshi Ito, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Meiji, Nhật Bản, ngày 16/3 cho biết: “Cách dùng từ ngữ cứng rắn của tuyên bố này thật đáng ngạc nhiên, đặc biệt là xét từ quan điểm của Nhật Bản, bởi vì Tokyo thường có xu hướng áp dụng tinh tế hơn và mang tính ngoại giao hơn”,“ Tôi phải nói rằng, điều này là chưa từng có ”.
Ông Ito cũng tuyên bố rằng trước ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc trong khu vực, nội bộ chính phủ Nhật Bản đầy thất vọng và lo lắng rằng “Bắc Kinh thực tế đã phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế của cộng đồng quốc tế”. Ông nói: “Tất nhiên, điều này ít ảnh hưởng đến Nhật Bản, nhưng nó khiến Bắc Kinh gây ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước nhỏ hơn và kém phát triển trong khu vực”.
|
Tàu chiến Mỹ và Nhật tập trận chung trên biển Hoa Đông hồi tháng 2/2021 (Ảnh: Dwnews). |
Hãng Jiji Press của Nhật Bản ngày 17/3 đưa tin chính phủ Nhật Bản trước đó đã có những lo ngại về chính sách Trung Quốc của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vì trong thời kỳ làm phó tổng thống của chính quyền Barack Obama, ông Biden chủ trương nới lỏng quan hệ với Trung Quốc, và Biden cũng đã tuyên bố tại lễ nhậm chức tổng thống rằng “chúng tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu có lợi cho nước Mỹ”. Tuy nhiên, lần này các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã phê phán đích danh Trung Quốc, đồng thời lên án nghiêm khắc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.
Thông tấn xã Jiji Press cũng nói, tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ thường xuyên tuần tra ở quần đảo Senkaku. Những người trong chính phủ Nhật Bản lo lắng: "Trung Quốc chắc chắn đến đây để chiếm quần đảo Senkaku. Nhật Bản sẽ không thể thắng Trung Quốc nếu một mình đấu với Trung Quốc". Jiji Press cũng chỉ ra rằng, mặc dù có những dấu hiệu Mỹ và Nhật hợp tác để chống lại Trung Quốc, nhưng không rõ có thể chế áp Trung Quốc đến mức độ nào.
Ngoài ra, theo báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, trong cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 16/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đồng ý tổ chức diễn tập chung Mỹ - Nhật để ứng phó các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trên quần đảo Senkaku.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tuyên bố nếu lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên đảo Senkaku, Nhật sẽ "nổ súng gây nguy hại". (Ảnh: Kyodo). |
Dự kiến tham gia cuộc tập trận có các lực lượng hải quân, lục quân và không quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Mỹ. Truyền thông Nhật Bản cho biết, bối cảnh cuộc tập trận sẽ giả định đánh chiếm lại quần đảo Senkaku bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng và liên quân Mỹ - Nhật đổ bộ lên đảo. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm kiềm chế Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.
Ông Nobuo Kishi phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm “2+2” giữa ngoại trưởng Mỹ - Nhật và các bộ trưởng quốc phòng: “Từ quan điểm phòng ngự quân sự, điều rất quan trọng là thể hiện tư thế của quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ trong các hành động chung”.