Trang tin Đa Chiều: Đài Loan đang ở vào thời điểm cực kỳ nguy hiểm, không có con đường thứ ba

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là quan điểm được cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R McMaster nêu ra trong cuộc thảo luận gần đây về "Trung Quốc nguy hiểm như thế nào" tại tổ chức tư vấn Mỹ Hoover Institution.
Lính PLA diễn tập đánh chiếm Đài Loan trên sa bàn (Ảnh: Đa Chiều).
Lính PLA diễn tập đánh chiếm Đài Loan trên sa bàn (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Đa Chiều ngày 1/5 đăng bài viết với tiêu đề “Đài Loan đang ở vào thời điểm cực kỳ nguy hiểm, không có con đường thứ ba”, dẫn lời ông McMaster nói, Đài Loan đang ở trong thời điểm “maximun danger” (cực kỳ nguy hiểm), thời điểm then chốt sẽ là sau Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 và Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bài viết trước "Quan sát xuyên eo biển: eo biển Đài Loan sẽ trở thành Sarajevo của thế kỷ 21", trang tin Đa Chiều đã chỉ ra rằng eo biển Đài Loan rất có khả năng trở thành "Sarajevo" của thế kỷ 21. Bởi bất kỳ hành động nổ súng nào giữa Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan đều không loại trừ khả năng dẫn tới chiến tranh. Một khi nổ ra chiến tranh, eo biển Đài Loan có thể rơi vào ngõ cụt. Đối với 23 triệu người dân Đài Loan, đó sẽ là một thảm họa không thể chịu đựng được, cho dù cuộc chiến này sẽ không trở thành một cuộc đại chiến quy mô thế giới.

Ông Tập Cận Bình trao cờ cho tàu tấn công đổ bộ Hải Nam gia nhập Hạm đội Nam Hải (Ảnh: Đa Chiều).

Ông Tập Cận Bình trao cờ cho tàu tấn công đổ bộ Hải Nam gia nhập Hạm đội Nam Hải (Ảnh: Đa Chiều).

Với việc cuộc đối đầu Trung - Mỹ không ngừng nóng lên, bài viết trang bìa của tạp chí Anh The Economist ngày 29/4 đã chỉ ra rằng Đài Loan là khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới. Bài báo chỉ ra rằng nếu eo biển Đài Loan xảy ra chiến tranh do nổ súng sẽ trở thành một thảm họa; vì vậy cả Trung Quốc và Mỹ phải cố gắng hết sức để tránh nó, các chính sách mơ hồ mà các chính phủ trước của Mỹ theo đuổi sẽ bị thách thức. Bài báo chỉ ra rằng không gian cho sự “nhập nhằng chiến lược” của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ đối với Đài Loan ngày càng ít đi, khiến khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan ngày càng gia tăng. Với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc, ngọn lửa chiến tranh có thể dần lan ra Thái Bình Dương.

Theo Đa Chiều, đương nhiên, bây giờ có thể còn quá sớm để nói rằng một cuộc chiến sẽ nổ ra ở eo biển Đài Loan ngay lập tức, bởi vì cả Đài Loan và Mỹ đều chưa chạm vào lằn ranh đỏ “vũ thống” (thống nhất bằng vũ lực) của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Nhưng “Luật Murphy” cho chúng ta biết: Nếu mọi chuyện có khả năng diễn biến xấu đi thì dù khả năng đó có nhỏ đến đâu, nó cũng sẽ xảy ra. Bởi vì cách quản lý khủng hoảng như thế nào đã trở thành bài tập mà cả Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan phải làm, nếu ba bên không muốn chiến tranh nổ ra.

Tàu tấn công đổ bộ Hải Nam được cho là được đóng cho mục đích "vũ thống" Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu tấn công đổ bộ Hải Nam được cho là được đóng cho mục đích "vũ thống" Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Hôm 25/4 vừa qua, ông Lại Thanh Đức, người phó của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố rằng “Đài Loan là một quốc gia độc lập có chủ quyền và không lệ thuộc Trung Quốc”. Bài phát biểu được cho là mang ý nghĩa “Đài Loan độc lập” rất rõ, đã trực tiếp chạm vào các dây thần kinh nhạy cảm của Đại lục. Ngày 26/4, ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, phản pháo lại: "Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, vĩnh viễn không thể tách rời khỏi Trung Quốc". Mã Hiểu Quang chĩa mũi giáo vào chính phủ Đảng Dân Tiến (DPP) và thế lực đòi độc lập ở Đài Loan, cảnh báo họ "chớ đánh giá sai tình hình".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tham dự lễ nhập biên chế ba loại tàu chiến hiện đại của hải quân, trong đó có tàu tấn công đổ bộ Type 075 Hải Nam, bị cho là có thể được triển khai nhiệm vụ quân sự với Đài Loan. Theo phân tích của các chuyên gia Đài Loan, con tàu này còn đe dọa Đài Loan hơn cả tàu sân bay. Cùng lúc đó, một nữ sĩ quan đội trưởng tên là Ngô Đồng của con tàu này, đã được phỏng vấn và cư dân mạng Đại lục đã bàn luận sôi nổi về sự đồng âm của cái tên "Wu Tong" (Ngô Đồng và Vũ thống). Tài khoản WeChat chính thức "Hiệp Khách Đảo" của "Nhân dân nhật báo" của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tung ra hình ảnh Ngô Đồng được phỏng vấn, nói rằng "cái tên đã làm sáng tỏ". Những tiếng nói về việc Đại lục vùng vũ lực thống nhất đối với Đài Loan (Vũ thống) một lần nữa trở lại thành tiêu điểm của dư luận.

Bà Thái Anh Văn kiểm tra một đơn vị đặc nhiệm quân đội Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Bà Thái Anh Văn kiểm tra một đơn vị đặc nhiệm quân đội Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Đối với Trung Quốc đại lục, nhiệm vụ chính của quân đội hiện nay là duy trì ưu thế quân sự mạnh mẽ trước Đài Loan để đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan. “Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020” do Lầu Năm Góc Mỹ công bố đã chỉ ra rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục tăng và phần lớn tập trung vào phát triển khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Đại lục cho rằng chính quyền Đảng DPP ngoan cố của Đài Loan theo đuổi lập trường ly khai "Đài Loan độc lập" là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Đối với Đài Loan, trước sự cô lập chính trị trên quốc tế của Trung Quốc và áp lực quân sự liên tục của Bắc Kinh, hòn đảo này vẫn tràn ngập không khí hòa bình thịnh vượng, sự tự hào tự mãn, coi nguy cơ chiến tranh như không có. Người Đài Loan nhìn chung cho rằng quân đội Mỹ chắc chắn sẽ giúp chi viện Đài Loan, nhận thức về chiến tranh rất hời hợt. Tuy nhiên, ông David Ochmanek, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, gần đây đã tuyên bố rằng hỏa lực của Đại lục đã gia tăng đáng kinh ngạc trong cuộc tập trận mô phỏng "Đại lục vũ thống Đài Loan", lực lượng Không quân Đài Loan bị tiêu diệt chỉ trong vài phút; các tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ cũng có thể bị thảm bại.

Rõ ràng, một khi nổ ra chiến tranh giữa Đại lục và Đài Loan, về cơ bản Đài Loan sẽ không có sức mạnh để chống trả. Điều này đương nhiên là cực kỳ nguy hiểm đối với Đài Loan. Gần đây, có thông tin cho rằng có 793 hạ sĩ quan, sĩ quan ở cấp cơ sở trong quân đội Đài Loan đã "chi tiền để được xuất ngũ sớm", trong đó có 83 sĩ quan và 214 hạ sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh Không quân, tổng cộng là 297 người. Người ta không biết liệu có liên quan đến tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan hay không.

Các xe thiết giáp lội nước của PLA diễn tập (Ảnh: Đa Chiều).

Các xe thiết giáp lội nước của PLA diễn tập (Ảnh: Đa Chiều).

Các chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh chỉ ra rằng những năm trước đây, Đài Loan vẫn được biết đến về chất lượng vượt trội, nhưng ngày nay, trang thiết bị quân sự của Đài Loan thua xa PLA cả về chất lượng và số lượng. Điều này còn chưa tính đến sự "chuyển phát nhanh” khác (ám chỉ các loại tên lửa Dongfeng) của Lực lượng tên lửa PLA và sự hỗ trợ đắc lực của Lực lượng hỗ trợ chiến lược. Quân đội Đài Loan nếu muốn so với PLA, nay chỉ có thể ngang với một Chiến khu, thậm chí còn thua kém. Có thể nói, sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đã tạo thành ưu thế áp đảo so với Đài Loan và họ cũng chuẩn bị đầy đủ cho việc thống nhất quân sự bất cứ lúc nào.

Bài báo kết luận: Trong khoảng thời gian dài hạn hơn, đối với Đài Loan, dù là "độc lập" hay "thống nhất", đều là sự lựa chọn duy nhất, không có con đường thứ ba để đi. Nếu họ chọn "độc lập" sẽ có nghĩa là chiến tranh, bởi vì "Đài Loan độc lập có nghĩa là chiến tranh" không phải là một cụm từ nói suông và kết quả cuối cùng vẫn là "thống nhất". Tất nhiên, nếu không xảy ra nổ súng, Đài Loan vẫn còn thời gian để tiếp tục nghĩ đến việc "thống nhất" hay "độc lập" theo hiện trạng, nhưng khoảng thời gian này sẽ không dài so với 70 năm lịch sử chia cắt của hai bờ eo biển; họ không nên nghi ngờ và thử thách quyết tâm và ý chí thống nhất Đài Loan của Trung Quốc đại lục.