Trăn trở từ một thực tế: Ngập dọc hai sông Cái Lớn, Cái Bé

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngập cục bộ dọc hai bờ sông Cái Lớn và sông Cái Bé (Kiên Giang) trong hai năm 2021 và 2022 là một thực tế không mới, nhưng lại là vấn đề mới kể từ khi hai cống Cái Lớn và Cái Bé đi vào hoạt động.
Cống Cái Lớn xây dựng trên sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1km về hướng sông Hậu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cống Cái Lớn xây dựng trên sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1km về hướng sông Hậu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tìm hiểu những nguyên nhân khả dĩ đã đưa tác giả về một trăn trở từ lâu. Đó là bức thiết phải cải tiến cách làm dự án.

Thực tế ngập cục bộ và các yếu tố khả dĩ là nguyên nhân

Ngập cục bộ dọc hai bờ sông Cái Lớn và sông Cái Bé trong hai năm 2021 và 2022 đã được đề cập trong bài Dự án hệ thống thủy lợi Cái lớn – Cái bé giai đoạn 1. Một năm sau lễ khánh thành. Đây là một thực tế không mới nhưng lại mới.

Ông Lý Hồng Thủy - ngụ ấp An Ninh, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) - chia sẻ: “Nhà tôi nằm cặp bờ sông Cái Bé, đợt triều cường ngày 10/7 đến 12/7/2022, cống Cái Bé mở hoàn toàn, nhưng nước sông vẫn lên cao làm ngập toàn bộ liếp khóm của gia đình. (…) Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sau mấy chục năm rồi tôi mới thấy triều cường nước dâng cao như đợt này”.

Nhà của bà Nguyễn Ngọc Nga, ngụ ấp An Thành, xã Bình An, trong đợt triều cường đầu tháng 7 bị ngập gần 50 cm. Vườn khóm cũng bị thiệt hại nặng. Bà Nga cho biết: “Không phải chỉ khi vận hành cống Cái Bé, Cái Lớn mới xảy ra tình trạng ngập úng. Những năm trước đây, vào mùa mưa, khi thủy triều lên, nước cũng tràn qua đường vào nhà, gây ngập úng cục bộ”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Nam cho biết, trước khi có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, những lúc thủy triều dâng kết hợp mưa đã gây ra tình trạng ngập cục bộ khu vực hạ lưu sông Cái Bé, Cái Lớn. Khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng cuối năm 2021, việc vận hành hệ thống cống kết hợp thủy triều dâng, lượng nước dâng cao hơn trước đây, nước tràn qua đường giao thông nông thôn gây tình trạng ngập úng cục bộ.

Theo rà soát của huyện Châu Thành, các khu vực bị ảnh hưởng nước dâng tính từ cống ra phía biển gồm các ấp An Ninh, An Thành thuộc xã Bình An; ấp Vĩnh Phú, Vĩnh Quới, Vĩnh Hòa 1, Vĩnh Hội thuộc xã Vĩnh Hòa Phú; ấp Vĩnh Thành thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp"1.

Một vị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã phát biểu: “Từ mùa khô 2021 đến nay, Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, vì nhiều nơi không cần đắp đập tạm. Tuy nhiên, trong thời gian trước khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé và hiện nay một số khu vực hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé bị trũng, thấp, thường xuyên bị ngập khi triều cường dâng cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mức độ ngập gia tăng hơn trong trường hợp vận hành đóng cống, kết hợp triều cường” 2.

Nguyên nhân của việc ngập cục bộ có nhiều. Địa hình thấp, triều, thời tiết thất thường, nước biển dâng hai cống Cái Lớn, Cái Bé là những nguyên nhân có thể.

Địa hình thấp không phải là chuyện mới và không có sụt lún đột biến trong thời gian gần đây. Thời tiết thất thường kết hợp với triều cường là một yếu tố ngẫu nhiên không phải là lần đầu tiên người dân chứng kiến và chung sống. Biến đổi khí hậu nước biển dâng diễn biến tiệm tiến với tốc độ bình quân vài milimét/năm tuy nhiên giao thoa, cộng hưởng với các yếu tố khác, trong một số trường hợp có thể tác động lớn hơn. Còn lại là sự hiện diện của cống Cái Bé đi vào vận hành từ đầu tháng 2.2021, và cống Cái Lớn, từ tháng 8.2021, được đề cập trong các trích dẫn.

Ý kiến của những người trong cuộc, từ cơ sở, cộng với sơ đồ 20 tuyến đê, bờ bao cần được nâng cao trong Hình 1, cho thấy tác động của hai cống Cái Lớn và Cái Bé về phía hạ lưu, làm tình trạng ngập tại những nơi này nặng nề hơn.

Hình 1. Chiều dài và cao trình điều tra của các tuyến đê/bờ bao cần nâng cao về hạ lưu hai cống Cái Lớn, Cái Bé. Nguồn: Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam.

Hình 1. Chiều dài và cao trình điều tra của các tuyến đê/bờ bao cần nâng cao về hạ lưu hai cống Cái Lớn, Cái Bé. Nguồn: Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam.

Tác động của hai cống

Khi đóng cống, tất cả hoặc một phần các cửa van, vào lúc triều lên, lượng nước đáng lý chảy qua cống về phía thượng lưu bị ứ lại khiến cho nước dềnh lên, mực nước dâng cao dẫn đến nguy cơ ngập tăng. Nước sông có vượt qua đường/đê bao hay không tùy thuộc lượng nước ứ lại và chiều cao của đỉnh triều.

Khi các cửa cống đều mở, cống vẫn góp phần vào ngập cục bộ, do mặt cắt sông tại vị trí cống bị thắt hẹp lại, mà hậu quả cũng là làm giảm lượng nước chảy về phía thượng nguồn và vẫn xảy ra tình trạng dềnh nước về phía hạ lưu cống tuy rằng thấp hơn khi đóng cống.

Ảnh vệ tinh Google Earth ngày 28.02.2019 và ngày 15.06.2022, Hình 2, chỉ ra tình trạng thắt hẹp mặt cắt hai sông tại cống Cái Lớn và tại cống Cái Bé.

Hai ảnh vệ tinh ở cột bên trái được chụp ngày 28.02.2019 trước khi khởi công các cống. Hai ảnh ở cột bên phải chụp ngày 15.06.2022, gần nửa năm sau khi cả hai cống đi vào vận hành.

Hình 2. Mặt cắt ngang sông Cái Lớn và sông Cái Bé tại vị trí các cống. Hình trên: tại cống Cái Lớn; hình dưới: tại cống Cái Bé

Hình 2. Mặt cắt ngang sông Cái Lớn và sông Cái Bé tại vị trí các cống.

Hình trên: tại cống Cái Lớn; hình dưới: tại cống Cái Bé

Chiều ngang hai mặt cắt năm 2019 được đo từ mép nước đến mép nước hai bờ. Chiều ngang hai mặt cắt năm 2022 được đo từ ranh giữa công trình với nước sông ở hai bờ. Tỷ lệ thắt hẹp tại cống là tỷ số giữa mặt cắt 2022 trên mặt cắt 2019.

Tỷ lệ thắt hẹp tại cống Cái Bé vào khoảng 80% và tại cống Cái Lớn là khoảng 89,8% nếu tính ngoài âu thuyền, và khoảng 92,7% nếu tính cả âu thuyền.

Lượng nước ứ lại tương ứng với tỷ lệ thắt hẹp thực sự, là tỷ lệ tính với mặt cắt tại cống năm 2022 trừ đi tổng chiều dày của các trụ cống, 12 trụ ở cống Cái Lớn, 3 trụ ở cống Cái Bé.

Trăn trở về cách làm dự án

Việc dềnh nước khi mặt cắt bị thắt hẹp là một trong những quy luật của dòng chảy, không xa lạ với người dân vùng sông nước. Chủ nhiệm lập Dự án và Chủ đầu tư trên nguyên tắc phải biết rõ hơn ai hết điều này bởi lẽ họ là những chuyên gia trong lĩnh

vực, là tác giả và người chỉ đạo thực hiện việc xây dựng, việc thắt hẹp dòng chảy này.

Vì vậy việc ngập cục bộ đáng lý đã phải được trình bày ngay trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chậm nhất là trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, cùng với những biện pháp khắc phục, và trong Báo cáo ĐTM của “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1”.

Tác giả không tìm thấy những thông tin như vậy trong hồ sơ Dự án mà tác giả đang lưu giữ. Chẳng lẽ một vấn đề mang tính quy luật, liên quan đến môi trường, đến sản xuất và cuộc sống của người dân lại bị bỏ qua? Cho đến khi xảy ra ngập cục bộ đầu tháng 11/2021 mới thống kê các tuyến đường hạ lưu sông Cái Lớn, Cái Bé, chiều dài, cao trình điều tra các tuyến đê/bờ bao, và khái toán kinh phí cần cho việc nâng cấp hệ thống hạ tấng phía hạ lưu hai cống (ước tính 98 tỷ đồng)!

Công văn số 3170/BNN-TCTL 3 hoàn toàn không nói đến tình trạng dềnh nước gây ra ngập lụt cục bộ. Vì cho rằng chi tiết không quan trọng, hay vì khó biện minh lỗ hổng này của Dự án?

Qua việc ngập cục bộ dọc hai sông Cái Lớn và Cái Bé, lại thêm một ví dụ cho thấy bức thiết phải chấm dứt cách làm “Cứ thực hiện cho xong phần công trình, mọi chuyện khác tính sau một khi dự án đã vào ngàm”, cho dù tính khả thi của dự án tùy thuộc vào “các chuyện khác” đó, không cần biết dự án sẽ kéo dài bao lâu, tác động lên môi trường ra sao, tổng vốn đầu tư cho đến khi xong là bao nhiêu, vì lao đã phóng ắt phải theo.

Đây là kiểu tư duy và cách làm dự án mà tác giả đã gặp khi còn là đại biểu Quốc hội, giám sát không ít dự án 4. “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải nói mạnh lợi ích của dự án, nói lướt qua tác động tiêu cực lên môi trường, tính khả thi của dự án. Tổng dự toán đưa ra thấp, … cốt để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau khi đã có chủ trương đầu tư (nghĩa là ván đã đóng thuyền), sẽ giải quyết các chuyện đó sau, đặc biệt tính lại tổng vốn đầu tư của Dự án”.

Bức thiết phải cải tiến cách làm dự án hiện nay. Cả quy trình, từ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo ĐTM, xét duyệt và nghiệm thu ĐTM, đến phê duyệt dự án, phải làm có chất lượng, được rà soát chặt chẽ, tăng cường tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm trong mỗi công đoạn.

Có như vậy mới bảo đảm vốn đầu tư công và ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả, mới là quản lý nhà nước tốt, mà nguyên tắc là sự minh bạch trách nhiệm giải trình.

----

(*) Tác giả bài viết là Giáo sư Tiến sĩ Khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc Hội, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

1. Các phát biểu được trích từ bài Hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô ngập úng khi triều cường dâng cao. (baokiengiang.vn) ngày 05/08/2022, phóng viên Gia Bảo.

2. https://baokiengiang.vn/thoi-su/xay-dung-cac-cong-trinh-khep-kin-voi-he-thong-thuy-loi-cai-lon-cai-be- 12732.html, ngày 15.02.2023, phóng viên Thùy Trang.

3. Văn thư Bộ NNvPTNT gửi cho tác giả theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xem nội dung trong phụ chú 2.

4. Trong đó Dự án “Luống cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” là một ví dụ. Tiếc rằng mặc dù hầu như phá sản trên thực tế, Dự án vẫn sẽ tiếp tục giai đoạn 2 với kinh phí 2670 tỷ đồng!