TQ tăng cường thống trị quân sự trên các vùng biển

Một khi các tàu sân bay được triển khai và TQ hoàn tất các sân bay trên đảo nhân tạo, Biển Đông - vùng biển sống còn với thương mại toàn cầu - sẽ nằm dưới sự kiểm soát của TQ.
TQ muốn củng cố lợi ích và ảnh hưởng kinh tế, địa chính trị thông qua các sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa hàng hải.Ảnh: Schillerinstitute
TQ muốn củng cố lợi ích và ảnh hưởng kinh tế, địa chính trị thông qua các sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa hàng hải.Ảnh: Schillerinstitute

Với chiến lược "một vành đai, một con đường", TQ đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu mở rộng mạng lưới kiểm soát khắp Âu - Á.

Nếu như "một vành đai" để chỉ những vùng đất có khả năng thống trị từ phía tây TQ tới Trung Á và châu Âu thì "một con đường" để chỉ các hải lộ mà TQ đặt kế hoạch giành quyền kiểm soát từ Biển Đông tới Ấn Độ Dương, bán đảo Ảrập và vùng bờ biển Đông Phi.

"Một vành đai, một con đường" thực chất là tham vọng của TQ mở rộng và nắm quyền kiểm soát mạng lưới kinh tế trên khắp đất liền và trên biển.

Kế hoạch này khiến cho cảng Gwadar tại Pakistan là nơi mà "một con đường" và "một vành đai" gặp nhau. Ở đó, TQ đang rốt ráo xây dựng đường sá, cầu cảng, đường sắt, sân bay và mọi cơ sở hạ tầng cần thiết cho mạng lưới điện và viễn thông.

Chống cướp biển để luyện tác chiến

Với "một con đường", TQ đang tăng cường thống trị quân sự trên các vùng biển. Từ năm 1988, TQ bắt đầu làm một đảo nhân tạo đầu tiên và giờ đang có kế hoạch xây dựng sân bay ở đó. Gần đây, họ đã xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông. 

Bắc Kinh đã cho xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở đảo Hải Nam hướng ra Biển Đông với vai trò thực chất là căn cứ tàu ngầm. Một khi các tàu sân bay được triển khai và TQ hoàn tất các sân bay trên đảo nhân tạo,  Biển Đông - vùng biển sống còn với thương mại toàn cầu - sẽ nằm dưới sự kiểm soát của TQ.

TQ cũng đã xây một sân bay trên đảo Phú Lâm chiếm giữ trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. 

Kể từ tháng 1/2009, TQ đã có những đóng góp vào nỗ lực của quốc tế để chống hải tặc như hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden. Nhưng tới nay vẫn còn nhiều hoài nghi.

Quan sát của chuyên gia cho rằng, ngoài chiến lược tạo dựng hình ảnh là một siêu cường đáng tin và có trách nhiệm, thì tham gia chống cướp biển cũng là cơ hội hoàn hảo để TQ tập luyện thực tiễn tác chiến trên biển. Thậm chí Bắc Kinh đã điều các tàu ngầm hạt nhân tới đây bất chấp thực tế không cần thiết phải dùng tới phương tiện này để chống hải tặc. Động thái này được coi là cách chuẩn bị cho quân đội tiến vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

TQ đã xây dựng nhiều cầu cảng ở các nơi khác nhau trên thế giới bởi mạng lưới này rất cần thiết cho các căn cứ quân sự. Hiện TQ đang xây dựng một kênh đào ở Nicaragua để thay thế kênh đào Panama và khi hoàn tất, TQ sẽ có lý do hợp pháp để điều động các tàu quân sự tới "bảo vệ" tài sản này.

Theo: VietnamNet