Một trong những hiệp định thương mại được cả thế giới trông chờ nhiều nhất cuối cùng đã kết thúc giai đoạn đàm phán căng thẳng vào ngày 5/10/2015. Nhưng còn hơn cả một hiệp định thương mại tự do truyền thống, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn bao hàm nhiều nội dung đàm phán liên quan đến các vấn đề “nhạy cảm” của các quốc gia như vị thế của các DNNN, quyền sở hữu trí tuệ, thành lập công đoàn tự do…
Thậm chí TPP còn cho phép các DN nước ngoài có thể khởi kiện chính phủ các quốc gia sở tại nếu cảm thấy lợi ích kinh doanh của mình bị kìm hãm hay hạn chế bất hợp lý bởi quyết định của chính phủ các quốc gia nơi họ đến làm ăn. Tầm tác động của TPP, vì thế, được giới chuyên gia dự đoán sẽ rất lớn trong thập kỷ tới.
Riêng đối với Việt Nam, theo phân tích của công ty chứng khoán HSC, GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm (so với kịch bản cơ sở không có TPP) với tốc độ trung bình năm 1% trong 10 – 15 năm tới, với giả định tác động của TPP sẽ phát huy từ năm 2017 trở đi.
Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ngành sản xuất chịu tác động trực tiếp từ TPP thì có một lĩnh vực khác sẽ chịu tác động gián tiếp nhưng với quy mô không hề nhỏ - đó là lĩnh vực tài chính gồm NH, bảo hiểm. Cũng chính vì lợi ích nhìn thấy được mà các NH Mỹ đã không ngừng chi hàng triệu USD để lobby (vận động) cho chính giới Mỹ thông qua TPP.
Ngân hàng “con” sẽ mất dần
Thật vậy, ngành tài chính Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục chứng kiến các thay đổi lớn khi TPP bắt đầu có hiệu lực.
Hiện chương về dịch vụ tài chính của TPP vẫn chưa được công bố chi tiết nhưng có thể thấy đây là một khía cạnh mà 12 thành viên của TPP rất cẩn thận suy xét để vừa đảm bảo mang đến lợi ích tổng thể cho nền kinh tế nhưng cũng vừa bảo vệ phần nào hệ thống tài chính nước nhà trước sức ép cạnh tranh mới, nhất là các quốc gia còn kém phát triển như Việt Nam.
Theo thông tin mà người viết thu thập được, TPP sẽ cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó.
Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi cho phép các NH nước ngoài thành lập NH con (có vốn 100% nước ngoài) theo thỏa thuận khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giờ đây Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các NH ngoại tại Việt Nam mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.
Dĩ nhiên, về khía cạnh kinh doanh, điều này sẽ cho phép các NH ngoại tiết giảm chi phí để từ đó sẽ đưa những sản phẩm tiết kiệm và vay vốn hấp dẫn tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, TPP cũng quy định dỡ bỏ một số quy định hạn chế đối với các NH ngoại tại Việt Nam như quy định các NH ngoại chỉ được phép mở một văn phòng tại mỗi tỉnh…
Đánh giá chung về tác động của quy định về việc mở cửa hệ thống NH nội địa trong TPP có thể sẽ mang đến một dòng chảy vốn lớn từ các NH ngoại vào Việt Nam – nơi mà quy mô hoạt động của chúng vẫn còn rất khiêm tốn.
Tất nhiên, điều này sẽ khiến sức ép cạnh tranh dành cho các NH nội địa sẽ lớn hơn, buộc các NH này sẽ phải nhanh chóng tái cấu trúc, cải thiện hiệu quả hoạt động bằng công nghệ và đưa ra các sản phẩm tài chính có chất lượng hơn cho thị trường nếu không muốn mất thị phần.
Giảm nhiều quyết định hành chính
Ngoài ra, có một điều khoản khác trong TPP rất mới mẻ đối với Việt Nam nhưng nhiều khả năng sẽ mang đến những thay đổi to lớn đối với các quyết định của Chính phủ sau này. Đó chính là cơ chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện chính phủ các quốc gia sở tại nơi mình hoạt động nếu họ cảm thấy chính phủ quốc gia này đưa ra các quy định bất hợp lý, trái với TPP và gây thiệt hại cho họ (cơ chế ISDS).
Do đó, các quyết định mang nhiều tính hành chính các bộ, ngành thực hiện trong nhiều năm nay sẽ phải được tính toán và xem xét rất cẩn trọng trước khi đưa ra, đặc biệt nếu các quyết định ấy ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các NHTM. Thậm chí ISDS có thể dẫn đến những cải cách lớn của nhà điều hành ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, có thể bị trì hoãn bởi quyền lực của các NH ngoại tăng lên đáng kể nhờ TPP. Điều này rất thuận cho một NH Trung ương theo các tiêu chuẩn ở những nền kinh tế phát triển đang vận hành.
Điều hành tỷ giá sẽ theo chuẩn mực quốc tế
Có một thỏa thuận khác có thể ảnh hưởng đến chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam hiện nay là các thành viên của TPP có đưa ra cam kết không phá giá đồng nội tệ của mình để mang lại lợi thế cạnh tranh. Cơ chế thực thi cam kết này như thế nào chưa được công bố, nhưng có thể nói các chính sách về điều hành tỷ giá của NHNN trong các năm tới sẽ theo các chuẩn mực chung của các nước thành viên TPP.
Nhưng ràng buộc mới của TPP cũng sẽ đi kèm với lợi ích lớn. Bỏ qua những lo âu về sức ép cạnh tranh mới, TPP đang mang đến một cơ hội lớn cho hệ thống NH, kể cả trong và ngoài nước, là họ sẽ có cơ hội cải thiện mạnh mẽ doanh thu hoạt động nhờ tài trợ cho các hoạt động thương mại gia tăng giữa các thành viên TPP.
Thời gian qua NHNN đã ban hành Thông tư 02 và Thông tư 09 sửa đổi có quy định về trích lập dự phòng rủi ro và phương pháp trích lập đối với TCTD nhằm hướng đến các chuẩn mực quốc tế đảm bảo an toàn hệ thống NH. Theo các chuyên gia kinh tế, những quy định của hai thông tư này có nhiều điểm đã tiệm cận các chuẩn mực quốc tế nhằm bảo vệ hệ thống tài chính trước các biến động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, thời gian qua NHNN đã chọn ra 10 NHTM thí điểm áp dụng Basel II phù hợp với thông lệ quốc tế trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. Đặc biệt Đề án 254 của Chính phủ về tái cấu trúc hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm thu gọn những NHTM yếu kém theo hướng hợp nhất, sáp nhập để nâng quy mô và năng lực tài chính cho các TCTD trước ngưỡng cửa hội nhập.
Theo TBNH