TPP sẽ giúp Việt Nam bớt phụ thuộc Trung Quốc

Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á, về quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trước bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình gia nhập TPP.
Giáo sư Carl Thayer

Thưa Giáo sư, hiện Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Ngoài đường chính ngạch, hàng hóa của Trung Quốc còn tuồn rất nhiều sang Việt Nam qua các đường tiểu ngạch. Việt Nam cần làm gì để hạn chế điều này? 

Việt Nam phải cải cách nền kinh tế của mình, đặc biệt là khu vực sở hữu nhà nước, và nên bắt đầu sản xuất hàng hóa chất lượng. Việt Nam nên tham gia TPP. 

Việt Nam khó có thể chấm dứt việc nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng có thể cải thiện việc trao đổi thương mại với các nền kinh tế khác. Đối với việc buôn lậu (tiểu ngạch) – phải có sự thông đồng thì buôn lậu mới có thể thành công. Việt Nam cần phải dập tắt tình trạng tham nhũng của các quan chức biên giới và hải quan.

Việt Nam có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc không, thưa ông? 

Việt Nam khó có thể có độc lập kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Nền kinh tế thế giới thì tương phụ. Việt Nam có thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, mặc dù đã tìm cách để cân đối lại nhưng rất khó để có thể làm được việc này trong thời gian trước mắt.

Điều tốt nhất Việt Nam có thể hy vọng là dần cân đối lại ở một số lĩnh vực nhất định. Ví dụ, Ấn Độ đã đồng ý cho Việt Nam vay một khoản tín dụng trị giá 300 triệu USD để thúc đẩy quan hệ thương mại. Việt Nam có thể sử dụng khoản tiền này để nhập khẩu các nguyên liệu cho ngành may mặc và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách nội bộ nền kinh tế của mình bằng cách thúc đẩy các công ty nhà nước hiệu quả hơn. Đồng thời, Việt Nam có thể cung cấp một môi trường phù hợp cho các doanh nghiệp nước ngoài để kéo họ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Cuối cùng, Việt Nam có thể gia nhập TPP và tận dụng cơ hội của mình trong 40% nền kinh tế toàn cầu của các nước thành viên. Miễn là những căng thẳng trên Biển Đông không lên cao thì Việt Nam sẽ không phải đón nhận những áp lực kinh tế từ Trung Quốc. Còn nữa, Việt Nam là thành viên của ASEAN và hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN và có thể tận dụng tối đa đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc với Việt Nam.

Việc Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP sẽ tác động thế nào đến quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc?

Trung Quốc có thể là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam xét về kim ngạch nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Khi Việt Nam gia nhập TPP sẽ có những lợi thế thâm nhập vào những thị trường của tất cả các nước thành viên khác từ việc cắt giảm thuế quan. 

Mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc về cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng nếu gia nhập TPP. Nếu Việt Nam sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc để sản xuất hàng hoá cho các nước thành viên TPP thì sẽ phải chịu thuế cao hơn là nếu Việt Nam sử dụng nguyên liệu thô từ các nước thành viên TPP khác. Tuy nhiên, một số doanh nhân Trung Quốc, đã tính toán rằng họ vẫn sẽ có lợi nếu đầu tư ở Việt Nam và bán hàng ở Mỹ kể cả với mức thuế cao hơn.

                                                                           Theo Bizlife