Ông Obama trước đó đã đến Điện Capitol sáng thứ Sáu để đưa ra lời kêu gọi cuối cùng với những nghị sĩ Đảng Dân chủ của ông. Nhiều người lo ngại thỏa thuận thương mại Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay TPP, sẽ khiến thêm nhiều công ăn việc làm ở Mỹ bị đẩy ra nước ngoài và gây tổn hại cho môi trường.
Ngay cả sau khi ông Obama gặp gỡ những thành viên chủ chốt của đảng mình hôm thứ Sáu, lãnh đạo khối Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà sẽ chống đối dự luật này.
Về phía Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói rằng ông sẽ ủng hộ dự luật này.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhìn chung ủng hộ những hiệp định thương mại tự do như vậy, nhưng nhiều người trong đảng này không muốn đóng một vai trò trong việc trao cho ông Obama điều được coi là một thành tựu chính trị to lớn, đặc biệt là trước những cuộc bầu cử năm 2016.
Tòa Bạch Ốc vẫn đang tìm kiếm sự chấp thuận cho thẩm quyền đàm phán "cấp tốc" rất quan trọng.
Dự luật cấp tốc này, được gọi là Thẩm quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), sẽ cho phép Tòa Bạch Ốc đàm phán với 12 quốc gia trong thỏa thuận TPP và những thỏa thuận khác giống như vậy mà không để Quốc hội sửa đổi bất cứ điều gì trong những thỏa thuận đó ngoài việc phê chuẩn hoặc bác bỏ.
Từ chối cấp thẩm quyền đàm phán cấp tốc sẽ khiến cho chính quyền Obama khó khăn hơn trong việc có được thỏa thuận TPP, vốn đã chậm mấy năm so với lịch trình. Kết quả là ông Obama đã dốc nhiều nguồn lực chính trị quan trọng vào vấn đề TPA.
Những quốc gia đang đàm phán TPP bao gồm Mỹ, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Mexico, Malaysia, Nhật Bản, Chile, Canada, Brunei, và Australia. Thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu này nhắm mục tiêu chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu một khi hoàn tất.
Tòa Bạch Ốc cho biết TPP sẽ giúp tiếp phá dỡ bỏ những rào cản về thương mại toàn cầu, mở cửa những thị trường chưa được khai thác, và phát triển những nền kinh tế, trong khi tạo nên một đối trọng quan trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo: BizLive