TP.HCM: Giải ngân đầu tư công quá thấp không thể dẫn dắt đầu tư xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –“Sau 7 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công của TP chỉ đạt 26%. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp không thể dẫn dắt đầu tư xã hội” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại cuộc họp sáng nay, 4/8.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội sáng ngày 4/8
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội sáng ngày 4/8

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành của TP.HCM đã chia sẻ những tín hiệu vui khi giai đoạn này của năm ngoái thì TP đang ở trên đỉnh dịch, năm nay chỉ sau nửa đầu năm TP đã có tốc độ phục hồi rất tốt, nhiều chỉ số về thương mại, bán lẻ, các ngành dịch vụ đã vươn lên mạnh mẽ, trở lại ngang tầm với giai đoạn trước dịch.

Giám đốc Sở Tài chính, bà Phạm Thị Hồng Hà cho hay, tổng số thu ngân sách TP.HCM 7 tháng đầu năm ở các khu vực đều đạt trên 70% dự toán năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp lãnh đạo giữa UBND TP.HCM với các sở, ngành, nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện, mức độ cải tiến. “Về cải cách hành chánh, ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chính quyền số đã đạt các chỉ tiêu chưa?” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt câu hỏi với các sở, ngành.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập mạnh mẽ đến vấn đề giải ngân đầu tư công. Ông nhấn mạnh việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa nhắc nhở TP.HCM về vấn đề phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Giải ngân đầu tư công dường như đang là bài toán khó với TP.HCM và liệu năm nay có hay không tình huống TP sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu?

“Cho đến hiện tại, sau 7 tháng đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công của TP.HCM chỉ đạt 26%, tỷ lệ thấp như thế không thể dẫn dắt được đầu tư xã hội. Chúng ta cần tập trung phân tích, tìm giải pháp cho cải cách thủ tục hành chánh, tháo gỡ, thông suốt, mở đường cho các hoạt động khác” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh về công tác giải ngân đầu tư công của TP.HCM

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh về công tác giải ngân đầu tư công của TP.HCM

Theo ông Phan Văn Mãi, cho đến nay, sau 7 tháng đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công của TP.HCM chỉ đạt 26%. Tỷ lệ thấp như thế không thể dẫn dắt được đầu tư xã hội. Do đó, chúng ta cần tập trung phân tích, tìm giải pháp cho cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ, thông suốt, mở đường cho các hoạt động khác.

Lãnh đạo các sở, ngành thừa nhận TP.HCM phải đẩy mạnh cải cách mạnh về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, kế hoạch đầu tư… mới có thể đáp ứng được nhu cầu và giải quyết các hồ sơ đang tồn đọng của người dân.

Về quy hoạch kiến trúc của TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM - cho biết còn nhiều bất cập trong quy hoạch từ năm 2010 đến nay, khiến người dân phải than phiền nhiều như diện tích quy hoạch công đối với các khu vực trường học, bệnh viện, công viên…

Do quỹ đất công không đủ và các quy hoạch này đều dựa vào ranh của từng khu vực, quận, huyện nên nhiều khi quy hoạch rơi vào đất của người dân; đồng thời nhận định chung cho thấy quy hoạch các quận, huyện không có sự đột phá, không có nét riêng của từng khu vực; chẳng hạn như khu vực quận 1 và huyện Củ Chi cũng được tính toán mức độ quy hoạch như nhau dựa trên số dân chứ không theo đặc thù của từng khu vực.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - phát biểu tại cuộc họp sáng nay, 4/8

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - phát biểu tại cuộc họp sáng nay, 4/8

Còn rất nhiều khu vực nhà đầu tư muốn vào nhưng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông không có, công viên, trường học cũng không có nên rất khó phát triển đô thị. Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng nhận thức đây là việc cần làm và phải có tầm nhìn cho các quy hoạch tiếp theo nhưng hiện tại, để có thể xử lý được các phản ánh khiếu nại của người dân về các điều chỉnh quy hoạch thời gian 10 năm vừa qua cũng không hề dễ dàng.

Giám đốc Sở Công thương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, công tác bố trí vốn của TP.HCM cũng rất chậm, tác động của giá cả tăng cao hậu đại dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác hậu đại dịch dẫn đến nhiều dự án phải tạm dừng, nhận định của lãnh đạo nhiều sở ngành là TP.HCM rất khó cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

“Giải pháp từ phía TP là lãnh đạo UBND TP đã gặp gỡ các doanh nghiệp để tìm hướng tháo gỡ nhưng về lâu dài cũng còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là đối với khối sản xuất công nghiệp. Trong các tháng cuối năm TP.HCM sẽ phải nhanh chóng tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn đọng” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo.