TP.HCM cấp bách giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Vành đai 3

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dự án Vành đai 3 TP.HCM được đánh giá là sẽ mở ra không gian mới, động lực phát triển cho Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. TP.HCM đã thành lập Hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia để giúp Ban chỉ đạo dự án.
Một đoạn thuộc Vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương đã đầu tư hoàn thành. Ảnh: Lao Động
Một đoạn thuộc Vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương đã đầu tư hoàn thành. Ảnh: Lao Động

Huyết mạch giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Sau khi khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, với quyết tâm triển khai dự án nhanh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và khu vực, chiều ngày 15/7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, với sự tham dự của Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ.

Thông tin trên báo SGGP cho hay, theo các chuyên gia, dự án Vành đai 3 có ý nghĩa rất lớn đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ cho TP.HCM và các địa phương có dự án đi qua trong khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… mà còn là huyết mạch giao thông cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP.HCM cũng đã quyết định thành lập Hội đồng cố vấn là các nhà quản lý giàu kinh nghiệm, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng giao thông để giúp Ban chỉ đạo dự án trong quá trình triển khai dự án.

“Đây là một quyết sách rất quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, góp phần cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam, giúp TP.HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây là dự án có quy mô lớn về vốn cũng như khối lượng công việc, nhưng triển khai trong một thời gian ngắn với quyết tâm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2026 và đưa vào sử dụng trong năm 2026. Trên địa bàn TPHCM với mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh do đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các địa phương rất quan trọng…” - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu

Cấp bách giải phóng mặt bằng

Theo Nghị Quyết 57/2022/QH15, dự án có chiều dài 76,34km, chia thành 8 dự án, theo hình thức đầu tư công. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 642,7ha (trong đó TP.HCM 408ha), với 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng… Theo kế hoạch, tháng 6/2023 dự án sẽ khởi công xây dựng, do đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là hết sức cấp bách.

Báo Tuổi trẻ cho biết, khởi công dự án Vành đai 3, mặt bằng là yếu tố quyết định. Trả lời câu hỏi có tự tin sẽ làm được hay không với thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc nhiều? ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói rằng đây là dự án mà ông rất tâm huyết và bản thân rất có niềm tin sẽ làm được. Để đảm bảo tiến độ đề ra, Sở này cho hay rất cần lãnh đạo TP Thủ Đức và các quận, huyện có dự án đi qua cùng nỗ lực để triển khai tốt các công việc.

Nhận định từ báo Lao động cho thấy, TP.HCM đang bắt đầu vào cuộc chạy đua ráo riết với thời gian để kịp tiến độ khởi công dự án.

Thông tin thêm trên báo SGGP, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Võ Trung Trực cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tạo sự đồng thuận của người dân, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng theo yêu cầu, Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất giải pháp thực hiện chủ trương tái định cư trước cho hộ dân đủ điều kiện:

Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 93, Luật Đất đai năm 2013 và điểm b, Điều 41, Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND thì việc bố trí tái định cư cho hộ dân đủ điều kiện sẽ được thực hiện sau khi UBND cấp huyện ban hành Quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân; trong trường hợp hộ dân nhận tái định cư bằng nền đất thì phải có thêm 6 tháng (kể từ ngày hộ dân nhận được nền tái định cư) để hộ dân xây dựng nhà ở; nếu chủ đầu tư cần gấp mặt bằng thì phải chi trả tiền để hộ dân tự thuê nhà ở hoặc bố trí vào các khu tạm cư dẫn đến hộ dân sống tạm bợ, phải di chuyển chỗ ở nhiều lần (di chuyển từ chỗ ở cũ đến nơi tạm cư, di chuyển từ nơi tạm cư đến chỗ ở mới), vừa phát sinh kinh phí, vừa không đảm bảo hộ dân ổn định cuộc sống.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM hoàn thành sẽ giảm tải cho các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn thành phố - Ảnh: Tuổi trẻ

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM hoàn thành sẽ giảm tải cho các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn thành phố - Ảnh: Tuổi trẻ

Do đó, Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho UBND TP.HCM thực hiện thí điểm chính sách tái định cư cho Dự án Vành đai 3 như sau: Các trường hợp qua kiểm tra, rà soát, xác nhận pháp lý nhà – đất, UBND TP Thủ Đức và các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định là đủ điều kiện được bố trí tái định cư thì khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư.

Về giá căn hộ, nền đất bố trí tái định cư: UBND TP.HCM sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ. Đối với các trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao Hội đồng bồi thường của dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng nhà của hộ dân để tạm ứng một phần tiền bồi thường, hỗ trợ về công trình, vật kiến trúc hoặc tiền bồi thường, hỗ trợ về đất (nếu có chênh lệch lớn hơn tiền nền đất tái định cư) cho hộ dân để có điều kiện xây dựng nhà mới nhưng thời gian xây dựng không quá 6 tháng. Đồng thời, giám sát tiến độ xây dựng nhà của các hộ dân, đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích. Hộ dân được giải quyết nhận tái định cư trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới (nếu được tạm ứng), cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, kế hoạch của Hội đồng bồi thường của dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Phan Văn Tuấn, để kịp tiến độ bàn giao bình độ tuyến để phù hợp với ranh tuyến dự án đi qua để dự án có thể khởi công đúng tiến độ đề ra, hiện nay qua rà soát có 32 đồ án cần phải điều chỉnh quy hoạch.

Theo ông Phan Văn Tuấn, một số đồ án thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, một số đồ án thuộc thẩm quyền điều chỉnh của các quận, huyện nên hiện nay sở tích cực tham mưu cho Thành phố, phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức để đến ngày 30/9/2022 các đồ án này có thể xem xét để điều chỉnh.

Được biết ngày 5/7 vừa qua đã có 22km/47km được bàn giao cho chủ đầu tư, ngày 30/7 tới sẽ tiếp tục bàn giao mặt bằng tại một số khu vực.