Toyota, Honda, Volkswagen cùng nhiều hãng xe bị EU phạt 495 triệu USD, vì sao Mercedes thoát phạt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Ủy ban Châu Âu đã ra phán quyết phạt tổng cộng 458 triệu euro (495 triệu USD) đối với 13 nhà sản xuất ô tô lớn, bao gồm Volkswagen, Stellantis, Ford, Toyota, Mitsubishi, Honda, Hyundai, Mazda, GM, Suzuki và Volvo...

Volkswagen bị phạt số tiền lớn nhất hơn 127 triệu euro. Ảnh: Reuters.
Volkswagen bị phạt số tiền lớn nhất hơn 127 triệu euro. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Châu Âu đã ra phán quyết phạt tổng cộng 458 triệu euro (495 triệu USD) đối với 13 nhà sản xuất ô tô lớn, bao gồm Volkswagen, Stellantis và một số công ty khác, vì tham gia vào một tổ chức tái chế xe trái phép.

Các công ty này bị cáo buộc tham gia vào hoạt động thông đồng để hạn chế cạnh tranh trong ngành tái chế xe hết vòng đời, từ tháng 5 năm 2002 đến tháng 9 năm 2017.

Hoạt động tái chế xe hết vòng đời là quá trình tháo dỡ và xử lý xe ô tô đã không còn sử dụng được, nhằm tái chế vật liệu và loại bỏ các bộ phận không còn giá trị. Theo các cơ quan chống độc quyền của EU, các công ty này đã thông đồng để không cạnh tranh trong việc quảng bá khả năng tái chế của xe, cũng như giữ bí mật về lượng vật liệu tái chế được sử dụng trong các mẫu xe mới.

Họ cũng đồng ý không chi trả tiền cho những người tháo dỡ xe để xử lý các phương tiện hết vòng đời, vi phạm các quy định của EU yêu cầu nhà sản xuất phải chịu chi phí tái chế.

Volkswagen là công ty bị phạt số tiền lớn nhất lên tới hơn 127 triệu euro, tiếp theo là Renault-Nissan với 81,4 triệu euro, Stellantis 74,9 triệu euro và Ford 41,4 triệu euro. Các công ty khác bị phạt trong vụ việc này bao gồm Toyota, Mitsubishi, Honda, Hyundai, Jaguar Land Rover, Mazda, GM, Suzuki và Volvo.

Mercedes-Benz đã tránh được khoản tiền phạt nhờ đã tự nguyện báo cáo hoạt động sai phạm của mình cho cơ quan chức năng của EU.

ACEA, hiệp hội các nhà sản xuất ô tô, cũng bị phạt 500.000 euro vì tổ chức các cuộc họp và liên lạc giữa các công ty để duy trì hoạt động thông đồng này.

Tất cả các công ty bị phạt đều đã thừa nhận hành vi sai trái và được giảm 10% số tiền phạt trong khi hợp tác với cơ quan điều tra. Teresa Ribera, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU, nhấn mạnh rằng EU sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức độc quyền nào, bao gồm cả việc làm giảm nhận thức của khách hàng và nhu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Reuters