|
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty) |
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng các nước phương Tây không nên tạo ra “những lời tiên tri tự ứng nghiệm” rằng nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc của NATO.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian được công bố hôm 18/7, người đứng đầu NATO cho biết các nước thành viên không nên lo sợ cho tương lai của khối dưới thời ông Trump, mà hãy xây dựng mối quan hệ với chính quyền của ông như họ đã làm vào năm 2016, bất chấp những lời lẽ mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
“Tất nhiên, những gì chúng tôi quyết định vào năm 2016 là hợp tác với chính quyền mới, không phải là do những câu hỏi rằng liệu [Mỹ] có ủng hộ NATO hay không”, ông Stoltenberg nói với hãng tin bên lề cuộc họp Diễn đàn Chính trị Châu Âu (EPC) tại Điện Blenheim ở Anh.
Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu các thành viên NATO, ông Stoltenberg tuyên bố rằng những lời chỉ trích của ông Trump không nhắm vào khối quân sự do Mỹ đứng đầu mà nhắm vào các quốc gia không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
Nhiều quốc gia NATO trong nhiều năm qua đã phải vật lộn để đạt được ngưỡng thống nhất là 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, nhưng nỗ lực này đã được làm mới sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014 và đặc biệt là sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Theo The Guardian, những nỗ lực nhằm làm cho Tây Âu “miễn nhiễm” với ông Trump là một trong những ưu tiên tại cuộc họp EPC trong bối cảnh lo ngại rằng ứng cử viên Tổng thống Mỹ được cho là đang xem xét các phương án để ngăn chặn xung đột Ukraine, bao gồm một thỏa thuận với Nga và cấm mở rộng NATO.
Phát biểu tại Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa hôm thứ Tư, ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance cam kết rằng chính quyền Trump sẽ chỉ gửi quân đội Mỹ tham chiến khi thực sự cần thiết.
Đầu năm nay, ông Vance đã viết trong một bài xã luận cho tờ New York Times rằng việc Washington nhất quyết không đàm phán với Nga là “vô lý”, trong khi mục tiêu khôi phục biên giới năm 1991 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là “tưởng tượng”.
Trong một báo cáo được công bố đầu tháng này, Politico trích dẫn các chuyên gia an ninh quốc gia thân cận với ông Trump cho rằng ông “không có khả năng” rút Mỹ khỏi NATO hoàn toàn, nhưng có thể cải tổ khối này để khiến các thành viên ở châu Âu phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn.
Bài báo cũng chỉ ra rằng ông Trump đang cân nhắc về một thỏa thuận để đảm bảo rằng NATO sẽ ngừng mở rộng về phía Đông sang Ukraine và Georgia, đồng thời đàm phán “với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Moscow có thể giữ bao nhiêu lãnh thổ của Ukraine”.