|
Tổng thống Maduro đệ trình văn bản về luật sắc lệnh đặc biệt tại Quốc hội ngày 10/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia tối 10/3, Tổng thống Maduro nói rõ ông đề nghị có "một luật chống chủ nghĩa đế quốc để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và giành chiến thắng nhờ hòa bình".
Nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela nhấn mạnh tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Caracas là “mối đe dọa bất thường tới an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ” chính là bước đi nguy hiểm, bất công và vô lý nhất từ trước tới nay của Washington nhằm gây tổn hại cho Venezuela.
Dù chưa công bố chi tiết, nhưng một số nhà bình luận cho rằng Luật trao quyền đặc biệt lần này là về an ninh và sẽ cho phép tổng thống được quyền huy động các lực lượng vũ trang rộng rãi hơn, cũng như đưa ra một số biện pháp hạn chế cá nhân mà không cần xin phép quốc hội. Luật trao quyền (trong một lĩnh vực nào đó) được quy định trong Hiến pháp Venezuela, cho phép Tổng thống có quyền điều hành đất nước trong một năm hoàn toàn bằng sắc lệnh mà không phải chờ quốc hội thông qua các dự luật liên quan.
Lần gần đây nhất Tổng thống Maduro đề nghị được Quốc hội Venezuela trao quyền đặc biệt là vào cuối năm 2013, để chủ động điều hành trong lĩnh vực kinh tế. Thời gian từ khi đề nghị được đưa ra tới khi quốc hội bỏ phiếu thông qua quyền này thường là 6 tuần và phải nhận đủ 60% số phiếu ủng hộ. Đây cũng là tỷ lệ nghị sĩ mà Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela cầm quyền nắm giữ tại quốc hội đơn viện của nước này.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tố cáo hành động của Mỹ là can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước Nam Mỹ, đi ngược lại với những mục đích dân chủ chân chính của dân tộc này. Ông cũng khẳng định sự trung thành tuyệt đối của lực lượng quân đội với Tổng thống Maduro cũng như Hiến pháp và các thể chế dân chủ của Venezuela. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela Tibisay Lucena khẳng định tuyên bố của ông Obama đe dọa an ninh quốc gia của Venezuela, và đây sẽ là một cái cớ để Mỹ tiến hành can thiệp quân sự vào nước Nam Mỹ này.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela đang xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro lên cầm quyền năm 2013. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với 7 quan chức ngoại giao Venezuela được cho là “trả đũa” việc Tổng thống Maduro ngày 28/2 tuyên bố sẽ cấm cấp thị thực đối với một loạt quan chức Mỹ bị Caracas xếp vào danh sách "khủng bố", đồng thời áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này nhằm đáp trả sự can thiệp của Washington vào công việc nội bộ của Venezuela.
Căng thẳng gia tăng khi Chính phủ Venezuela hôm 2/3 yêu cầu trong vòng 15 ngày Đại sứ quán Mỹ tại Caracas phải cắt giảm hơn 80% nhân sự, theo đó giảm số lượng nhân viên từ 100 người hiện nay xuống còn 17 người; lý do được Bộ Ngoại giao Venezuela đưa ra là để ngang bằng với biên chế của Đại sứ quán Venezuela tại Washington.
Kể từ năm 2010, hai nước cũng đã ngừng trao đổi đại sứ do những bất đồng liên quan đến tình hình chính trị của Venezuela. Theo: TTXVN/Tin tức