Chính phủ ngày nay đang phải vật lộn với các vấn đề pháp lý, xã hội và tâm lý học mà mạng xã hội mang lại. Khi mạng xã hội trở thành công cụ không thể thay thế của người dân, chính trị gia hay chính phủ hàng ngày, nó cũng xóa nhòa ranh giới giữa thế giới ảo và thế giới thực.
Deniz Unay, một chuyên gia mạng xã hội, nhận xét mạng xã hội đã trở thành vũ khí quan trọng của kẻ xấu và tổ chức phi pháp. Nó không chỉ được chính quyền hay tổ chức phi chính phủ (NGO) dùng để gửi đi các thông điệp chính thức, mà còn là nơi để các băng nhóm lạm dụng. Ông cho rằng dù cần thiết phải kìm hãm hiện tượng này, nhưng hiện thế giới lại chưa có nỗ lực nào đủ mạnh.
Kamil Ekinci, luật sư người Thổ Nhĩ Kỳ, giải thích vấn đề dưới góc độ luật pháp quốc tế. Ông nói các bài viết trên mạng xã hội được xem là tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm, trao đổi thông tin theo Điều 10 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Tuy nhiên, cũng theo Điều 10, sự tự do đi cùng trách nhiệm và nghĩa vụ, có thể là đối tượng theo thủ tục, điều kiện, hạn chế hoặc hình phạt theo luật pháp quy định. Đây là điều cần thiết trong xã hội dân chủ vì lợi ích an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an toàn công cộng để ngăn chặn gây rối hay tội phạm, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức, bảo vệ uy tín hay quyền của người khác, duy trì thẩm quyền và công bằng của tư pháp.
Như vậy, những trách nhiệm này hạn chế cá nhân đăng các bài viết làm rối loạn trật tự xã hội. Do đó, mọi hành vi như đe dọa, sỉ nhục, tống tiền, tấn công tình dục – hình thành tội ác trong thế giới thực – cũng là tội ác trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu đưa ra các biện pháp khác nhau để chống lại những nội dung tiêu cực hay phi pháp trên mạng xã hội.
Trước đây, các công ty như Facebook, Google, YouTube, Twitter chủ yếu tự quản lý nội dung. Họ có quy định riêng về điều gì được chấp nhận và không trên các nền tảng của mình, cũng như cách mà người dùng này hành xử với người dùng khác. Tuy nhiên, những ngày ‘tự tung, tự tác’ ấy đang dần lùi xa, khi các chính phủ tăng cường nỗ lực quản lý mạng xã hội sau nhiều năm bất mãn trước cách các công ty quản lý nội dung trên dịch vụ mạng xã hội của họ.
Mới đây nhất, Tổng thống Trump ký sắc lệnh nhằm tước quyền được miễn trừ pháp lý của các mạng xã hội tại Mỹ. Đây được xem là lời tuyên chiến của ông đối với Twitter nói riêng và mạng xã hội nói chung. Phát biểu tại văn phòng trước khi ký lệnh, Tổng thống Mỹ nói quyết định nhằm “bảo vệ tự do ngôn luận trước một trong số các nguy cơ nghiêm trọng nhất mà nó phải đối mặt trong lịch sử nước Mỹ”. Ông khẳng định: “một bộ phận nhỏ các công ty mạng xã hội đang kiểm soát lượng lớn thông tin liên lạc cá nhân và công khai tại Mỹ. Họ sở hữu quyền lực không thể chống lại trong kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, che giấu, thay đổi bất kỳ hình thức liên lạc điện tử nào giữa công dân và công chúng”.
Các công ty mạng xã hội tại Mỹ được bảo vệ bằng Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông Mỹ. Điều 230 được xem là “luật quan trọng nhất bảo vệ tự do ngôn luận Internet”. Về cơ bản, nó cho phép những hãng như Twitter, Facebook không bị quản lý như các nhà xuất bản và theo đó, họ không thể bị kiện vì nội dung của người dùng đăng tải. Ông Trump và nhiều chính trị gia khác cho rằng Điều 230 bảo vệ các công ty Internet quá nhiều và tạo điều kiện để họ trốn tránh trách nhiệm. Sắc lệnh mới không thể thay đổi Điều 230 hay làm nó biến mất ngay, nhưng có thể thúc đẩy Ủy ban Truyền thông Liên bang ra quy định mới để làm rõ khi nào một công ty vi phạm Điều 230. Từ đó, các công ty Internet dễ bị kiện hơn.
Chính phủ các nước đang “vật lộn” với việc quản lý mạng xã hội
|
Trước Mỹ, một số nước khác tỏ ra nhanh nhẹn hơn trong quản lý mạng xã hội. Chẳng hạn, tại Đức, luật NetzDG có hiệu lực từ đầu năm 2018 áp dụng cho các doanh nghiệp có hơn 2 triệu người dùng đăng ký trong nước. Họ bị buộc phải thiết lập quy trình để đánh giá các khiếu nại về nội dung lưu trữ, xóa bất kỳ nội dung phạm pháp nào trong vòng 24 giờ và công bố cập nhật mỗi 6 tháng về những gì đang làm.
Cá nhân có thể bị phạt tối đa 5 triệu EUR và công ty bị phạt nhiều nhất 50 triệu EUR nếu không tuân thủ. Chính phủ Đức đã đưa ra hình phạt đầu tiên theo luật mới vào tháng 7/2019 đối với Facebook. Mạng xã hội phải nộp phạt 2 triệu EUR vì báo cáo sai hoạt động phi pháp trên các nền tảng tại Đức.
Liên minh Châu Âu (EU) đã giới thiệu Luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), đặt ra quy định về cách các công ty, bao gồm cả công ty mạng xã hội, lưu trữ và sử dụng dữ liệu người dùng. Các nước thành viên phải bổ sung chỉ thị này vào luật quốc gia đến năm 2021.
Hôm 13/5, Quốc hội Pháp thông qua luật phát ngôn thù địch, yêu cầu các nền tảng công nghệ xóa bình luận thù địch về chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, giới tính, khuyết tật hay tấn công tình dục trong vòng 24 giờ sau khi bị người dùng “gắn cờ”. Đặc biệt, nội dung khiêu dâm trẻ em hay khủng bố phải bị xóa trong vòng 1 giờ. Nền tảng có thể bị phạt tới 1,25 triệu EUR nếu không làm theo.
Úc thông qua Đạo luật Chia sẻ tài liệu bạo lực 2019, phạt hình sự đối với các công ty mạng xã hội. Lãnh đạo có thể bị phạt tù tối đa 3 năm và phạt tiền tối đa 10% doanh thu toàn cầu. Nó được đưa ra sau vụ livestream xả súng tại New Zealand trên Facebook. Năm 2015, Đạo luật Cải thiện an toàn mạng lập ra một Ủy ban An toàn điện tử với quyền yêu cầu mạng xã hội gỡ bỏ bài viết lạm dụng hay xúc phạm. Năm 2018, nó mở rộng ra cả nội dung trả thù tình.
Tại Nga, đạo luật mới có hiệu lực từ tháng 11/2019 cho nhà quản lý quyền ngắt kết nối với thế giới Web trong trường hợp khẩn cấp dù không rõ tính hiệu quả của biện pháp này. Luật dữ liệu của Nga từ năm 2015 yêu cầu các công ty mạng xã hội lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào về người Nga trên máy chủ đặt tại đây. Cơ quan quản lý đã chặn LinkedIn và phạt Facebook, Twitter vì không làm rõ kế hoạch tuân thủ quy định.
Tại Trung Quốc, Twitter, Google, WhatsApp, Facebook đều bị chặn. Nhà chức trách cũng phần nào thành công trong hạn chế sử dụng VPN để vượt rào truy cập các website này. Trung Quốc có hàng trăm ngành cảnh sát mạng, chuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội và quét các tin nhắn nhạy cảm chính trị.
Theo Vietnamnet