Phát biểu tại một sự kiện vận động chiến dịch ở Tulsa, bang Oklahoma, Tổng thống Mỹ đã tiếp tục đưa ra phát ngôn được cho là mang tính phân biệt chủng tộc khi gọi COVID-19 là "kung flu" - ghép từ chữ flu tức bệnh cúm, và kung từ chữ kung fu (ám chỉ bắt nguồn từ Trung Quốc) - và mô tả việc xét nghiệm COVID-19 là "con dao hai lưỡi" bởi nó khiến các ca nhiễm tăng mạnh.
Mỹ hiện đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 25 triệu người, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, ông Trump nói và thêm rằng: "Khi các bạn thực hiện xét nghiệm với quy mô như vậy, các bạn sẽ phát hiện thêm nhiều người bị nhiễm, các bạn sẽ có thêm nhiều ca nhiễm. Bởi vậy tôi nói với người của mình hãy làm chậm lại".
Một quan chức Nhà Trắng sau đó nói với Reuters rằng ông Trump chỉ nói đùa.
Trên toàn nước Mỹ, hơn 119.654 người đã được xác nhận là tử vong do dịch COVID-19, theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do virus corona chủng mới, tiếp sau là Brazil - nơi hiện có hơn 1 triệu ca nhiễm, và Nga với 576.162 ca nhiễm.
Tổng thống Trump nói rằng các hãng truyền thông "tung thông tin giả cực đoan" đã không ngợi khen ông vì cái mà ông gọi là "một công việc đáng chú ý" mà ông thực hiện trong lúc đối phó với đại dịch COVID-19.
Cuộc vận động tranh cử được tổ chức ở Tulsa bất chấp nhiều cảnh báo từ giới chức y tế mỹ rằng nó có thể gây rủi ro làm tăng đột biến số lượng ca nhiễm virus corona chủng mới. Người tham gia sự kiện này ít ơn so với dự kiến, với rất nhiều chỗ trống trong một nhà thi đấu gồm 19.000 chỗ ngồi. Rất ít người đeo khẩu trang khi tham dự.
Tính trên toàn cầu, tổng số ca nhiễm COVID-19 giờ đã lên tới 8.753.853, trong khi tổng số ca tử vong là 463.281; theo dữ liệu của Đh Johns Hopkins.
Nhiều nước lo ngại đợt dịch thứ hai
Số ca tử vong do COVID-19 ở Chile đặc biệt tăng mạnh trong khoảng cuối tuần trước, tăng gần gấp đôi lên con số 7.000, sau khi Chính phủ điều chỉnh dữ liệu trong đó tính cả những ca tử vong có khả năng liên quan tới COVID-19. Con số chính thức cho thấy nước này đã có tổng cộng 236.748 ca nhiễm.
Trong khi đó, một số quốc gia khác đã phải áp dụng trở lại các lệnh hạn chế, giãn cách xã hội hoặc đang cân nhắc làm như vậy để tránh đợt dịch thứ hai bùng phát.
Ở bang Victoria, bang đông dân thứ hai ở Australia, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng đến mức đỉnh điểm trong vòng 2 tháng qua, khiến cho quan chức y tế cấp cao nhất của bang, ông Brett Sutton phải đưa ra cảnh báo: "Chúng ta hoàn toàn đang chịu rủi ro đối mặt với đỉnh dịch thứ hai".
Bang này đã kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 4 tuần lễ và hạn chế số lượng khách được tới thăm nhà nhau xuống còn 5. Các kế hoạch nói lỏng quy định phòng dịch tại các quán cà phê, nhà hàng và quán bar đã tạm hoãn.
Giới chức y tế Đức cũng báo cáo về số lượng ca nhiễm tăng, sau khi một số ca nhiễm mới liên quan tới các ổ dịch tại nhà máy đóng gói thịt, trung tâm logistic và trại tị nạn tăng. Còn ở Hy Lạp, chính quyền công bố mở rộng lệnh phong tỏa tại các trại di cư, bất chấp cảnh báo vi phạm quyền của người di cư.
Chính quyền Palestine cũng nằm trong số những bên thắt chặt các biện pháp hạn chế, sau khi tuyên bố rằng họ sẽ tạm đóng cửa các thành phố Hebron và Nablus ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, sau khi số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cho hay ông đang cân nhắc áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng, kéo dài trong nhiều ngày, sau khi tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này vượt qua con số 200.000.
Những diễn biến trên xuất hiện sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo mới, nói rằng thế giới giờ đã bước vào "một giai đoạn mới và nguy hiểm" của đại dịch do virus corona chủng mới gây nên.
"Các quốc gia đương nhiên là mong muốn mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội của họ, nhưng virus vẫn đang lây lan nhanh, nó vẫn rất nguy hiểm và phần lớn người dân vẫn dễ bị nhiễm" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, nói - "Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia và mọi người dân cảnh giác cao độ".