Tổng thống Putin đến Italia, Mỹ “phát hoảng”

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã theo dõi chặt chẽ chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Italia với ánh mắt đầy lo ngại, báo chí Italia đưa tin.
Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

"Ông Barack Obama đã theo dõi sát sao chuyến thăm của ông Putin đến Italia và những nỗ lực của Nhà lãnh đạo Nga nhằm giảm áp lực lên Moscow ít nhất từ Liên minh Châu Âu”, hãng tin Ansa cho hay.
 
Chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh G7 và trước hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu. Đây là những cuộc họp đều có phần nội dung trọng tâm là bàn thảo về các biện pháp trừng phạt Nga. Giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ gặp nhau vào cuối tháng này, ngày 25-26/6, ở Brussels.
 
"Nếu không có bất ngờ gì xảy ra, Liên minh Châu Âu sẽ quyết định kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moscow", hãng tin Italia cho biết, ám chỉ đến những biện pháp mà phương Tây áp đặt lên Nga từ hồi năm ngoái.
 
Phương Tây cáo buộc Moscow thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người, làm bị thương 15.000 người và khiến 1,2 triệu người mất nhà cửa. Điện Kremlin luôn bác bỏ mọi cáo buộc trên đồng thời nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở quốc gia Đông Âu.
 
Trong khi ở Milan, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga đagn làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Italia, nói thêm rằng các công ty Italia đã mất khoảng 1 tỉ euro vì những biện pháp trừng phạt.
 
Chính sách trừng phạt là “một cản trở” đối với các công ty Italia trong khi họ “không hề muốn giảm làm ăn với Nga”, hãng tin Ansa dẫn lời ông Putin phát biểu.
 
Nhà lãnh đạo Nga đã có cuộc gặp với Thủ tướng Italia Matteo Renzi ở trung tâm tài chính của Italia và đã đi thăm gian hàng của Nga ở triển lãm Milan Expo-2015 hôm thứ Tư (10/6).
 
Trong chuyến thăm ngắn ngủi đến Italia, Tổng thống Putin cũng có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis, Tổng thống Italia Sergio Mattarella và cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi – người cam kết chống lại các biện pháp trừng phạt mà EU đang áp đặt lên Nga.
 
Chuyến thăm Italia của Tổng thống Putin: Dấu hiệu sự mất đoàn kết của EU?
 
Một nhà phân tích chính trị của Italia cho rằng, các nước phương Tây hiện giờ không đoàn kết, thống nhất trong lập trường liên quan đến mối quan hệ với Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Hội nghị thượng đỉnh G7 đã thất bại trong việc hàn gắn những mâu thuẫn giữa các nước phương Tây trong vấn đề trừng phạt Nga, ông Dario Citati – Giám đốc chương trình "Eurasia" của Viện Khoa học Liên minh và Nghiên cứu Địa Chính trị ở Italia, cho biết.
 
NATO cũng không thể lập được một mặt trận thống nhất, đoàn kết trước Nga. Một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có các quốc gia Baltic và các nước ở Đông Âu, ra sức kêu gọi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương mời Ukraine tham gia vào tổ chức này. Trong khi các nước khác như Italia phản đối ý tưởng trên.
 
"Vì vậy, sự nhất trí, đồng thuận được thấy khi EU đưa ra tuyên bố nhân danh các thành viên và được thấy trong hình thức G7 thực chất không có mấy ý nghĩa”, nhà phân tích chính trị người Italia nhận định.
 
Chuyến thăm của Tổng thống Putin là rất quan trọng đối với quốc gia Địa Trung Hải bởi người Italia hiểu rằng những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga đang gây phản tác dụng, ông Citati nhấn mạnh.
 
Theo ông Citati, những đòn trừng phạt được tung ra với Nga vì cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng Moscow thực chất không có dính líu gì đến tình hình lộn xộn ở nước láng giềng. Hơn nữa, Nga đang nỗ lực hết sức để đảm bảo có được một giải pháp hòa bình phù hợp với các thỏa thuận Minsk.
 
Các đòn trừng phạt của phương Tây chẳng những không khiến Moscow thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine mà hóa ra lại là một gánh nặng cho nền kinh tế Italia, nhà phân tích chính trị của Italia cho hay.
 
Trong khi ở thăm Italia, ông Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Giáo hoàng Francis. Điều này cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm của ông Putin, ông Citati nhận định đồng thời nói thêm rằng chuyến thăm đáng ra đã có thể bị hủy bỏ nhưng nó vẫn diễn ra bất chấp việc Thủ tướng Italia vừa dự hội nghị thượng đỉnh G7 – nơi lãnh đạo 7 cường quốc bàn về chính sách và các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
 
Thực tế về việc Tổng thống Putin có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis lần thứ hai đồng nghĩa với việc cả hai nhà lãnh đạo này có cái nhìn chung về nhiều vấn đề quốc tế, ông Citati cho biết. Trước đó, hồi tháng 12 năm 2013, Tổng thống Putin cũng đã từng gặp Giáo hoàng Francis.
 
"Dù cho mọi người có nói gì đi nữa thì Nga không phải là đã bị cô lập hoàn toàn ở Châu Âu”, ông Citati nói thêm.
 
Theo một nghị sĩ Nga cho biết, có 1/3 quốc gia Châu Âu chống lại các biện pháp trừng phạt Nga. Cụ thể, có 8 hoặc 9 nước thuộc EU đã công khai lên tiếng phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và phản đối việc tiếp tục kéo dài chính sách này.

Theo: VnMedia