|
Tổng thống Vladimir Putin tham dự lễ duyệt binh Ngày Hải quân ở St. Petersburg (Ảnh: RT) |
Nga sẽ cân nhắc về khả năng tự tháo bỏ những hạn chế liên quan tới việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn nếu Mỹ đặt tên lửa ở Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài phát biểu trước các thủy thủ tại cuộc duyệt binh Ngày Hải quân ở St. Petersburg.
Đầu tháng này, Mỹ và Đức đã công bố kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa chính xác tầm xa ở châu Âu. Theo thông cáo báo chí chung Mỹ-Đức ngày 10/7, Mỹ “sẽ bắt đầu triển khai từng đợt khả năng hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa miền ở Đức vào năm 2026”.
Ông Putin gọi thông báo này là “đáng chú ý”, vì việc triển khai như vậy sẽ đặt các cơ sở quân sự quan trọng và nhà nước Nga, các trung tâm hành chính và công nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng quốc phòng trong tầm bắn của vũ khí. Ông lưu ý rằng thời gian bay của những tên lửa như vậy tới các mục tiêu trên lãnh thổ Nga sẽ là khoảng 10 phút và chúng cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.
“Tình huống này gợi nhớ đến các sự kiện trong Chiến tranh Lạnh liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu”, ông Putin nói.
Ông nói rằng mặc dù Nga đã từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh từ lâu nhưng Mỹ “không đáp lại”. Tổng thống cảnh báo rằng nếu Mỹ thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa, Nga sẽ đáp trả tương ứng.
“Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ coi như mình thoát khỏi lệnh cấm triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn đã được thông qua trước đó, đồng thời sẽ thực hiện các bước để tăng cường khả năng của lực lượng ven biển của Hải quân chúng tôi”, ông Putin nói , lưu ý rằng quá trình phát triển một số hệ thống tên lửa như vậy đang ở giai đoạn cuối.
“Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng để triển khai [các hệ thống này], có tính đến hành động của Mỹ và các vệ tinh của nước này ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới”, ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin có bài phát biểu sau khi chào mừng các thủy thủ tham dự cuộc duyệt binh Ngày Hải quân hàng năm, lễ kỷ niệm chính của Hải quân Nga.
Ông ca ngợi Hải quân là “người bảo vệ đáng tin cậy của chúng ta” và là niềm tự hào cũng như vinh quang của đất nước. Ông nói rằng sức mạnh hải quân của Nga đã đạt được nhờ nỗ lực và tài năng của các thủy thủ, đồng thời thề sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực của Hải quân thông qua đào tạo và bổ sung thêm nhân sự thủy quân lục chiến, trang bị cho các tàu hải quân tên lửa siêu thanh, tăng cường cơ sở hạ tầng ven biển, tình báo và phòng không.