|
Ông Duterte khiến giới quan sát luôn bị bất ngờ với những hành động và phát ngôn khó lường |
Ngoại giao của Philippines dựa trên ba trụ cột: một là gìn giữ và nâng cấp an ninh quốc gia; hai là gìn giữ và phát triển an ninh kinh tế; ba là bảo vệ quyền lợi và phúc lợi của người Philippines ở nước ngoài. Chỉ cần Mỹ đáp ứng được những yêu cầu này và vị Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama không thay đổi chính sách xoay trục châu Á thì quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ - Philippines sẽ không thay đổi gì về chất. Đây là nhận định của Tiến sĩ Phùng Gia Thành thuộc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Waseda Nhật Bản trên tờ Minh Báo (Hong Kong).
Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines nhậm chức chưa tới trăm ngày nhưng đã làm thế giới lên cơn sốt vì những phát ngôn gây sốc của ông. Cho đến nay, danh sách những chính khách nước ngoài bị ông Rodrigo Duterte “lỡ lời” đã tăng vọt trong thời gian ngắn. Trước khi nhậm chức Tổng thống, ông Rodrigo Duterte từng hứa sẽ chú ý đến ngôn từ trong phát biểu, tôn trọng nguyên thủ những nước khác. Nhưng chỉ sau khoảng ba tháng, tác phong cũ của ông Rodrigo Duterte lại hiện nguyên hình, không chỉ thường xuyên lên án nhân viên ngoại giao của Mỹ bằng những lời lẽ tục tĩu mà thậm chí gần đây còn xúc phạm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu quân Mỹ cút khỏi Philippines.
Ông Duterte “chống Mỹ”?
Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh, và Philippines trở thành cứ điểm quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á. Cùng với cục diện Biển Đông nóng lên, vai trò của Philippines cũng nổi bật vì ưu thế địa lý: hỗ trợ Mỹ giương ngọn cờ “tự do đi lại” trong tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực.
Theo một bản báo cáo điều tra vào năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Centre) về cảm giác thân thiện của người dân 40 quốc gia đối với Mỹ, theo đó trong hai năm qua cảm giác thân thiện của người Philippines với Mỹ luôn giữ mức ổn định 92%, tỷ lệ người Philippines ủng hộ trong việc xử lý vấn đề toàn cầu của ông Obama cũng đứng đầu danh sách với 96%, cho thấy ấn tượng của thế giới về một Philippines thân Mỹ là hoàn toàn chính xác.
Nhưng sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines, bất kể người phụ tá nỗ lực trong phiên dịch thế nào, những lời của ông Rodrigo Duterte luôn ẩn chứa âm hưởng bài Mỹ, khiến người ta đặt câu hỏi nghi ngờ không biết lý do vì tính cách của ông Rodrigo Duterte hay là cung điện Malacanang muốn thay đổi quan hệ với Mỹ.
Gần đây, giáo sư Chính trị học Richard Heydarian thuộc Đại học De la Salle của Philippines có bài nhận định về vấn đề này, theo đó ông cho rằng quan hệ Mỹ - Philippines đã vào “trạng thái bình thường mới”. Bài viết cho rằng ngôn từ “chống Mỹ” của ông Rodrigo Duterte có ẩn ức riêng. Thời niên thiếu, ông từng ảnh hưởng tư tưởng của đảng cánh tả Philippines, vì thế những ngôn từ chống Mỹ chống đế quốc đã ăn sâu vào tiềm thức của Rodrigo Duterte. Ông cũng được cho là căm thù Mỹ trong thời thực dân đã từng giết hại người Moro “dị giáo” ở đảo Mindanao.
Ngoài ra, ông Rodrigo Duterte cũng muốn quét sạch con nghiện ma túy trong nước để đảm bảo trị an cho Philippines, trong chuyện này ông Rodrigo Duterte quyết không thể chấp nhận Mỹ và Liên Hiệp Quốc xen vào chuyện nội bộ của Philippines. Đối với ông, các nước phương Tây cũng có đầy rẫy sai phạm trong vấn đề nhân quyền, việc họ lên án nhân quyền nước khác chẳng qua là chiêu trò của chủ nghĩa đế quốc.
Tuy ở mức độ nhất định, những ngôn từ “chống Mỹ” của ông Rodrigo Duterte có liên quan đến nhân tố cá nhân ông, nhưng ông vẫn được lòng người dân Philippines vì tính cách mạnh mẽ, bộc trực và chính sách trừng trị tội phạm ma túy.
Cho dù cuộc chiến chống ma túy của ông Rodrigo Duterte nhuốm màu sắc bạo lực, nhưng theo điều tra của Pulse Asia, tỉ lệ người dân Philippines ủng hộ ông Rodrigo Duterte vẫn duy trì mức hơn 90%, còn cao hơn cả thời đỉnh cao của Bengino Aquino III. Vì cuộc chiến chống ma túy, ông Rodrigo Duterte phải bất chấp vấn đề nhân quyền và trình tự pháp lý trong xử lý tội phạm, chống lại quan điểm của Mỹ.
Sẽ thân Trung xa Mỹ?
Cũng vì thế mà dư luận thế giới tập trung quan tâm việc ông Rodrigo Duterte “chống Mỹ” liệu có đồng nghĩa Philippines xích lại gần Trung Quốc, theo đó có thể chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gây bất lợi cho Philippines, thậm chí sẽ thỏa hiệp nhượng bộ, từ bỏ kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài trong vấn đề Biển Đông.
Vào giữa tháng 8 vừa qua, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã đến Hong Kong trong vai trò đặc phái viên, mở con đường hội đàm song phương Trung Quốc – Philippines. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Lào, ông Rodrigo Duterte tuyên bố hải quân Philippines chỉ tuần trong vùng biển của Philippines, không tham gia tuần tra chung với nước khác trong vùng biển tranh chấp. Cùng thời gian, chính phủ Philippines cũng thông báo muốn mua nhiều trang bị quân sự của Trung Quốc và Nga, với lý do là “họ thông thoáng, không có ràng buộc nào”.
Nhưng theo Tiến sĩ Phùng Gia Thành, việc cho rằng ông Rodrigo Duterte phát tín hiệu quan hệ thân thiện với Trung Quốc, không còn muốn cứng rắn với Trung Quốc, không muốn dựa vào kết quả Tòa Trọng tài để gây khó khăn cho Trung Quốc; ở chiều ngược lại là càng ngày càng xa cách Mỹ… là nhận định hoàn toàn sai lầm.
Không phải cuộc chơi “hai chọn một”
Theo chuyên gia Phùng Gia Thành, áp dụng quan điểm “mối quan hệ này tốt sẽ triệt tiêu quan hệ kia” để lý giải về chính sách ngoại giao của ông Rodrigo Duterte là không hợp lý. Vì quan hệ Trung – Philippines và quan hệ Mỹ - Philippines không thể chồng lên nhau, việc Philippines dùng biện pháp ngoại giao ôn hòa để giải quyết xung đột với Trung Quốc không có nghĩa sẽ làm bật gốc quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines.
Ví như Philippines thời cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, quan hệ Trung – Philippines rất nồng ấm (Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo từng ví là “đi vào thời vàng son”): giai đoạn 2001 – 2010 hai nước đã ký 65 hiệp định song phương, tổng ngạch thương mại hai bên phát triển mạnh, hoàn toàn thay đổi so với thập niên 1990. Nhưng thời gian này quan hệ Mỹ - Philippines cũng không suy giảm, Mỹ - Philippines cũng đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực về an ninh quốc gia để chống khủng bố, Nhà Trắng xem Philippines là địa bàn chủ lực chống chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á.
Từ đó cho thấy, không nên xem quan hệ Trung – Phi và quan hệ Mỹ - Phi như cuộc chơi “hai chọn một”. Việc ông Rodrigo Duterte chọn biện pháp đối thoại với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không có nghĩa Philippines sẽ từ bỏ quan hệ đồng minh với Mỹ.
Thứ nhất, ông Rodrigo Duterte không làm theo ý nguyện của Bắc Kinh yêu cầu từ chối không thừa nhận tính hợp pháp trong phán quyết của Tòa Trọng tài, thái độ của ông Rodrigo Duterte với Trung Quốc vẫn kiên định lựa chọn giữa “đối thoại hoặc chiến tranh”, nhiều lần ông nhấn mạnh không từ bỏ tính toàn vẹn về chủ quyền lãnh thổ (gồm cả bãi cạn Scarborough). Đặc biệt, chủ trương chống Trung Quốc trong nước Philippines chắc chắn vượt trội so với chủ trương chống Mỹ.
Thứ hai, đối với Mỹ, ngôn từ của ông Rodrigo Duterte thường chỉ nhằm vào việc Mỹ can dự vào chuyện nội bộ, hạn chế nói về bản chất quan hệ đồng minh, ông Rodrigo Duterte không chạm vào hiệu lực pháp luật của “Hiệp định hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines” (EDCA). EDCA là khung hợp tác được hai nước ký năm 2014, cho phép quân Mỹ đồn trú tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines, hai nước dùng chung tài nguyên thuộc 5 căn cứ này. Dù ông Rodrigo Duterte yêu cầu quân Mỹ trú tại Philippines phải tuân theo chỉ dẫn của quân Philippines, nhưng đồng thời cũng kiên định thái độ muốn giữ gìn thỏa thuận giữa hai nước.
Thứ ba, sau mỗi lần ông Rodrigo Duterte “lỡ lời” thì các quan chức ngoại giao Philippines lại phải nỗ lực làm dịu tình hình, nhiều lần phải giải thích không ảnh hưởng gì đến quan hệ truyền thống Mỹ - Philippines. Giả như ngôn từ của những quan chức này có trái với lập trường của ông Rodrigo Duterte thì sẽ bị phủ định ngay, nhưng thực tế không như vậy, cho thấy dường như đó chỉ là những phát ngôn “kiểu cá nhân” của ông Rodrigo Duterte.
Cuối cùng, chính sách ngoại giao của Philippines dựa trên ba trụ cột: thứ nhất, gìn giữ và nâng cấp trong an ninh quốc gia; thứ hai, gìn giữ và phát triển an ninh kinh tế; thứ ba, bảo vệ quyền lợi và phúc lợi của người Philippines ở nước ngoài. Chỉ cần truyền thống đồng minh Mỹ - Philippines đáp ứng được những yêu cầu này và vị Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama không thay đổi chính sách xoay trục châu Á của Mỹ thì quan hệ truyền thống giữa hai nước sẽ không có gì thay đổi về chất. Biến số suy nhất là nếu ông Trump đắc cử và áp dụng chính sách “nước Mỹ là tối ưu”, khi đó quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và các nước châu Á, sẽ gặp trắc trở (trong đó có Philippines).
Nhân quyền và chủ quyền
Theo nhận định của Phùng Gia Thành, ngôn từ “chống Mỹ” của ông Rodrigo Duterte cho thấy hai vấn đề khác biệt giữa Trung Quốc và các nước Âu Mỹ: vấn đề nhân quyền và chủ quyền trong chính sách ngoại giao hậu thực dân.
Xung khắc giữa nhân quyền và chủ quyền là vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế, các nước chấu Á thường chủ trương “chủ quyền không thể xâm phạm”, còn các nước Âu Mỹ thì nhấn mạnh “nhân quyền bao trùm chủ quyền”. Gần đây, ông Ronald Dela Rosa, Tổng trưởng cảnh sát Philippines đã cho biết, chỉ khi nào Philippines không còn bị khốn khổ vì ma túy thì việc hành quyết con nghiện mới chấm dứt. Trong quan điểm của Philippines, vấn đề ma túy đã thâm nhập vào toàn bộ hệ thống quản lý, trị loạn phải dùng luật nghiêm, cuộc chiến chống ma túy là việc quốc nội, không cho phép người nước ngoài nhúng vào.
Tâm lý này phổ biến ở những nước Đông Nam Á. Ví dụ như trường hợp xử lý buôn lậu ma túy ở Indonesia năm ngoái đã gây khủng hoảng ngoại giao với các nước Úc, Brazil, Hà Lan... Người phụ trách chống ma túy ở nước này thậm chí còn muốn áp dụng chính sách của ông Rodrigo Duterte.
Nếu làn sóng này tiếp tục lan rộng đến các nước Đông Nam Á khác thì Mỹ sẽ ứng phó như thế nào? Nếu Mỹ cứ theo góc nhìn phương Tây với quan điểm “nhân quyền trùm lên chủ quyền” để áp dụng, gây cản trở chính sách chống nạn buôn bán ma túy xuyên quốc gia của khu vực thì con đường hợp tác của Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Philippines tỏ ra cởi mở với Trung Quốc, một nguyên nhân là vì chính sách cho vay vô điều kiện và nguyên tắc “không can thiệp nội bộ” của Trung Quốc, chính sách này đã thu hút các nước đang phát triển, trong đó có Philippines, tìm đến hỗ trợ của Trung Quốc, tránh né những yêu cầu nghiêm ngặt của Mỹ hoặc một số tổ chức quốc tế (như đòi hỏi có thị trường mở, cải thiện nhân quyền).
Theo Tiến sĩ Phùng Gia Thành, Washington cần hiểu rằng Philippines cũng như nhiều nước châu Á từng thoát khỏi thân phận thuộc địa của 100 năm trước, điều đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ hiện nay là giữ được hình ảnh/tư thế là một quốc gia độc lập. Nếu Mỹ muốn giải quyết những thăng trầm với ông Rodrigo Duterte thì nên làm sao để Philppines thoát khỏi cảm giác “Mỹ đang đi giảng đạo cho tiểu đệ”.
Tổng thống Duterte tuyên bố: “Tôi sẽ chia tay với người Mỹ” ở một số vấn đề nhưng không nói rõ những vấn đề đó là gì.
Ông Duterte nói rằng Mỹ dây dưa không muốn bán một số loại vũ khí cho Philippines nhưng Nga và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho Philippines một cách dễ dàng.
“Nếu các người không muốn bán vũ khí, tôi sẽ đi sang Nga. Tôi đã phái các tướng tá tới Nga rồi, họ nói “đừng lo, chúng tôi có tất cả những thứ các bạn cần. Chúng tôi sẽ cung cấp chúng cho bạn”. Còn như Trung Quốc, họ nói “chỉ việc đi qua ký tên thôi rồi tất cả mọi thứ sẽ được giao”.