|
Tổng thống Macron (giữa) sẽ phải làm việc cách ly (Ảnh: NYTimes) |
“Kết quả xét nghiệm này được đưa ra sau khi thực hiện một cuộc xét nghiệm RT-PCR, ngay sau khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện” – tuyên bố nói, nhưng không nêu chi tiết những triệu chứng này là gì và thời điểm chúng xuất hiện.
Ông Macron sẽ phải tự cách ly trong vòng 7 ngày tới, tuyên bố nói thêm. Văn phòng Thủ tướng Pháp Jean Castex cho hay ông Castex cũng sẽ phải cách ly bởi ông tiếp xúc gần với ông Macron trong những ngày gần đây.
Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng bị nhiễm COVID-19, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Trong số những nhân vật nổi tiếng và chính trị gia cấp cao từng nhiễm COVID-19, ông Macron, 42 tuổi, trước đây chưa từng được biết là có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe. Nhưng tình hình sức khỏe của các vị Tổng thống Pháp, theo truyền thống, thường được giữ bí mật, và các kênh thông tin Pháp lập tức đưa ra nghi vấn về tình trạng của ông hiện tại.
Tổng thống Macron đã gặp gỡ một số quan chức chính phủ nước ngoài và trong nước trong tuần qua, trong đó có cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ và trong các cuộc họp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa.
Ông Macron cũng tổ chức một cuộc họp hàng tuần với các thành viên trong Nội các của ông vào ngày 16/12, nhưng phủ Tổng thống PHáp nói rằng các quan chức này đã giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
Một số vị Bộ trưởng trong Nội các Pháp cũng dương tính với virus corona trong đầu năm nay, trong đó có Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế, và Frank Riester, Bộ trưởng Văn hóa. Cho đến nay, ông Macron vẫn cố gắng lèo lái đất nước vượt qua đại dịch mà không phải tự cách ly bởi rủi ro lây nhiễm cao.
Pháp mới đây nhận ra họ trở thành tâm điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở châu Âu, khiến chính phủ phải áp dụng những biện pháp cực kỳ hà khắc. Trong tháng 10 vừa qua, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng lệnh phong tỏa lần thứ hai.
Ở những nước còn lại của châu Âu, cũng có nhiều quan ngại sâu sắc rằng sự tiếp xúc xã hội trong dịp Lễ Giáng sinh tới đây sẽ làm tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, số ca nhiễm tăng thêm – giống như điều từng thấy trong Lễ Tạ ơn ở Mỹ.
Nhiều quan chức Pháp, cũng giống như các nhà lãnh đạo ở châu Âu, hy vọng rằng kế hoạch tiêm chủng sẽ bắt đầu trong những ngày tới đây.
Ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, kéo dài tới ngày 25/12. Ở Hà Lan và Cộng hòa Séc, chính phủ cũng áp dụng lệnh phong tỏa, trong khi Italy cũng sắp đưa ra quyết định tương tự.