Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, an ninh sẽ không giống ở Trung Đông hay quốc gia nào khác

VietTimes -- Không phải chuyến công du nào của Tổng thống Mỹ (hiện nay là ông Barack Obama) cũng dập khuôn một mô hình. Điều này được thể hiện rõ trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Bill Clinton đến Hà Nội. Việt Nam là đất nước nổi tiếng về ổn định chính trị và an ninh, trật tự xã hội rất tốt...

Tổng thống Mỹ phải được bảo vệ an ninh tuyệt đối, chi phí duy trì dịch vụ hậu cần, an ninh cho  ông chủ Nhà Trắng thường cao hơn đại đa số các quốc gia khác trên thế giới là điều đương nhiên và dễ hiểu.

Tuy nhiên, không phải chuyến công du nào của Tổng thống Mỹ cũng dập khuôn một mô hình (điều này được thể hiện rõ trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến Hà Nội), cùng một chi phí bởi điều này phụ thuộc cả vào khả năng cung ứng dịch vụ, phối hợp nhịp nhàng cũng như môi trường an ninh của quốc gia nơi ông chủ Nhà Trắng đến thăm viếng.  

Trong chuyến công du đến Việt Nam tháng 11/2000, rất khi khi thấy sự hiện diện của các đặc vụ mặc quân phục, cảnh phục Mỹ. Vợ chồng và con gái nhà cựu lãnh đạo Mỹ xuất hiện giữa công chúng hết sức thoải mái, được người dân địa phương cảm phục. (Hình ảnh tư  liệu của GI ghi lại cảnh ông Bill Clinton đang phát biểu tại một địa điểm khai quật hài cốt lính Mỹ  theo chương trình Pow - Mia hợp tác giữa hai nước Mỹ - Việt tại Vĩnh Phúc)

Ví dụ, trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tới Anh năm 2011, an ninh đặc biệt siết chặt, trong bối cảnh lực lượng Taliban có thể trả thù cho cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden sau khi Mỹ đưa quân lật đổ chế độ mà trùm khủng bố điều hành.

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ.

Khi Tổng thống và phu nhân Michelle Obama tới London, họ được hộ tống bởi đội quân hơn 500 người. Nhưng trước đó ít nhất 3 tháng, các nhân viên Nhà Trắng và Mật vụ đã tới làm nhiệm vụ tiền trạm, khảo sát và bố trí an ninh cho những địa điểm mà hai vợ chồng ông Obama dự định đến.

Công việc của lực lượng này là phải đảm bảo an ninh từ khi lãnh đạo Mỹ bước chân xuống máy bay, thậm chí trước đó cả vài giờ đồng hồ. 

Khách sạn bay kiêm Tổng hành dinh chỉ huy trên không.

Rời sân bay, lực lượng an ninh phải chuẩn bị tuyến đường cơ động an toàn, phải hộ tống cho xe Tổng thống và phu nhân di chuyển trong thành phố, xác định bệnh viện gần nhất để có thể đưa ông tới đó trong vòng vài phút nếu thực sự không may xảy ra sự cố bất ngờ.

Trong một số chuyến thăm đến những nơi đặc biệt, hàng trăm nhân viên an ninh mặc thường phục và quân phục có chó nghiệp vụ luôn túc trực từ vòng trong ra vòng ngoài khi Tổng thống Mỹ đến nói chuyện hoặc quan sát, đặc biệt là tại các quốc gia đang có chiến sự.

Xe bọc thép chở Tổng thống cơ động trên các quãng đường ngắn.

Về phương tiện hậu cần, máy bay Mỹ sẽ chở theo xe bọc thép chuyên dụng, nhiên liệu sử dụng, máu dự trự và hàng loạt các thiết bị bí mật, công khai khác phục vụ chuyến đi. Video, hình ảnh của Tổng thống Mỹ khi đến công du tại nước đối tác sẽ được truyền trực tiếp về thủ đô Washington.

Để di chuyển trên các quãng đường dài, từ quốc gia này sang quốc gia khác, Tổng thống Mỹ được chiếc Không lực Một đã quá nổi tiếng phục vụ. 

Chiếc chuyên cơ này vừa là một phương tiện di chuyển trên không vừa là một khách sạn kiêm tổng hành dinh chỉ huy và kiểm soát trên không nơi cung cấp cho lãnh đạo Mỹ tất cả những thông tin, báo cáo cần thiết đang diễn ra trong nội địa Mỹ và trên quy mô toàn cầu.

Tất nhiên, Không lực Một/Air Force One cũng là nơi phục vụ những trợ lý cao cấp nhất của Tổng thống Mỹ và các thành viên khác trong gia đình.

Phi đoàn hộ tống chiếc Không lực Một gồm ít nhất 6 máy bay, trong đó có tiêm kích yểm trợ, máy bay vận tải chở trực thăng và phương tiện bọc thép dành cho nhu cầu di chuyển những quãng đường ngắn.

Thông thường máy bay vận tải mang phương tiện và thiết bị cơ động ngắn, trên bộ và máy bay trực thăng sẽ được chuyển đến quốc gia mà Tổng thống Mỹ sẽ đến trước 1 vài ngày để làm công tác chuẩn bị.