Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tiến trình đàm phán để bình thường hóa lại quan hệ, sau 5 năm cắt đứt ngoại giao vì vụ quân đội Israel tấn công tàu cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2010.
Ông Erdogan khi đó, còn "đổ dầu vào lửa" bằng những lời phê bình nặng lời đối với Nhà nước Do thái.
Nhưng bầu không khí căng thẳng giữa hai nước đã chấm dứt, sau khi hai bên đã đạt được những tiến bộ trong những cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ bí mật.
"Israel đang cần một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Và chúng ta cần phải chấp nhận rằng, chúng ta cần Israel. Đây là một thực tế trong khu vực", Tổng thống Erdogan cho biết hôm 2.1.2016.
"Nếu các thỏa thuận được thực hiện theo hướng chân thành, việc bình thường hóa quan hệ sẽ được thực hiện", ông nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel sau khi vụ tấn công tàu Mavi Marmara xảy ra hồi năm 2010. Nước này có yêu sách 3 điểm để có thể bình thường hóa quan hệ với Israel là : Bỏ phong tỏa dải Gaza, bồi thường cho nạn nhân trên tàu Mavi Marmara và xin lỗi chính thức.
Israel đã xin lỗi vì vụ tấn công tàu Mavi Marmara, đàm phán về việc bồi thường cũng tiến triển tốt nhưng rào cản chính là việc ngừng phong tỏa dải Gaza.
Tuy nhiên, Theo ông Erdogan đây là tiến bộ trong việc đàm phán hòa bình đã được tăng tốc khi Israel đánh tiếng sẽ cho phép đưa vật liệu xây dựng và hàng hóa vào dải Gaza qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, "chúng tôi cần phải thấy văn bản để tránh những trường hợp làm sai thỏa thuận".
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng việc nối lại quan hệ ngoại giao với Israel được Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh xây dựng trong bối cảnh, khủng hoảng quan hệ trầm trọng giữa Ankara với Moscow, sau vụ F-16 của Ankara bắn rơi Su-24 của Nga tại Syria hôm 24.11.2015.
Hồi tháng 12.2015, Tổng thống Erdogan cũng đã tổ chức một cuộc hội đàm kín với lãnh đạo Hamas ông Khaled Meshaal, nhưng chi tiết của cuộc hội đàm hoàn toàn không được công khai.
Thiên Hà - Theo Dna India, Một thế giới