Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nêu 5 nguyên nhân thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song tỷ lệ vẫn thấp. Đây là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng - Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ tư.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tổng số án phải thi hành liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 là 3.973 việc, tương ứng với gần 89.610 tỉ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng hơn 43.593 tỉ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỉ đồng, tăng hơn 11.895 tỉ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021. Tuy vậy, theo Thanh tra Chính phủ, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả quá thấp.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, có 5 nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng đạt thấp.

Một là, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.

Hai là, số tiền thu hồi rất lớn, nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản, hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp. Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi.

Ba là, thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm dẫn đến tài sản dễ bị tẩu tán, che giấu.

Bốn là, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.

Năm là, có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi. Trong một số vụ án, vụ việc, vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn. Ngoài ra, việc phối hợp trong tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thanh tra. Phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ tập trung vào các nội dung: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; Biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân; Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Cùng trả lời với Tổng Thanh tra Chính phủ, còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.