“Tôi nghe thấy họ la hét, khóc lóc”: Báo giới Afghanistan bị Taliban tra tấn man rợ như thế nào?

VietTimes – Nhiều báo cáo chỉ ra rằng Taliban đang có hành vi bạo lực và đe dọa cánh nhà báo, mặc dù đã hứa hẹn là sẽ trao sự tự do cho báo chí.
2 phóng viên Nematullah Naqdi và Taqi Daryabi đến văn phòng sau khi được Taliban trả tự do (Ảnh: AFP)

Các chiến binh Taliban bị cáo buộc đánh đập và bắt giữ những nhà báo tham gia đưa tin về các cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Sự việc làm dấy lên quan ngại về cam kết mà nhóm này từng đưa ra về sự tự do báo chí.

Mới đây, 2 phóng viên làm việc cho tờ Etilaatroz – Taqi Daryabi và Nematullah Naqdi – đã bị Taliban bắt giữ trong lúc đang tác nghiệp tại một cuộc biểu tình của phụ nữ ở phía Tây thủ đô Kabul sáng ngày 7/9 vừa qua.

2 nhà báo khác cũng thuộc tờ báo này – Aber Shaygan và Lutfali Sultani – đã tới đồn cảnh sát cùng với biên tập viên Kadhim Karimi để hỏi về tung tích của 2 phóng viên trên. Nhưng khi tới đồn cảnh sát, họ kể rằng các chiến binh Taliban đã đẩy họ vào một góc, tát vào mặt họ và tịch thu mọi thứ đồ mà họ mang theo, trong đó có cả điện thoại di động.

“Karimi chưa kịp nói dứt câu thì một tay súng Taliban đã tát vào mặt ông ta và bảo ông ta hãy biến đi” – Shaygan nói với tờ Al Jazeera, thêm rằng ngay khi họ tự giới thiệu mình là nhà báo, Taliban đã đối xử với họ bằng thái độ khinh miệt.

Tra tấn trong buồng giam

Shaygan kể rằng, 3 người đàn ông đã bị tống vào một phòng tạm giam cùng với 15 người bên trong, 2 trong số họ là các phóng viên làm việc cho Reuters và hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc ở phòng tạm giam, họ cũng biết được thông tin rằng các đồng nghiệp của họ, Daryabi, 22 tuổi và Naqdi, 28 tuổi, đang phải hứng chịu những đòn tra tấn ở các buồng giam khác.

“Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng họ la hét, khóc lóc” – những người cùng buồng giam kể lại – “Nhiều người còn nghe thấy tiếng phụ nữ khóc lóc vì đau đớn”.

Cơ thể của 2 phóng viên chằng chịt những vết thương do bị đánh đập tàn bạo (Ảnh: Al Jazeera)

Nhiều bức ảnh được đăng tải trên website chính thức của tờ báo này sau đó đã làm rõ câu chuyện. Chúng cho thấy bằng chứng rõ ràng là 2 phóng viên của tờ báo đã bị đánh đập dã man. Phần lưng dưới, chân và mặt của Daryabi đầy những vết đỏ tấy và tím bầm; trong khi phần cánh tay trái, lưng dưới, chân và mặt của Naqdi cũng không khác.

“Họ đã bị đánh đập dã man đến nỗi không thể đi lại được. Họ bị đánh bằng súng, bị đá, bị đánh bằng dây cáp, bị tát vào mặt” – Shaygan nói.

Ông còn thêm rằng, Taliban đánh đập nhiều đến nỗi Naqdi và Daryabi mất nhận thức về sự đau đớn. Nhưng đây không phải trường hợp đầu tiên cho thấy hành vi bạo lực của Taliban. Shaygan kể rằng ông từng thấy nam giới tham gia biểu tình bị Taliban lôi vào buồng giam.

“Anh ta không thể đi nổi, một trong số những bạn cùng buồng giam phải đứng dậy và giúp anh ta đi vào” – Shaygan nói.

Lời đe dọa đáng sợ từ Taliban

Mặc dù cả 5 phóng viên của tờ Etilaatroz đã được trả tự do sau vài giờ bị giam giữ, nhưng Shaygan nói rằng trước khi họ rời khỏi, họ nhận được lời cảnh báo đáng sợ từ phía Taliban: “Điều mà những kẻ biểu tình này làm là phi pháp, và khi các người ghi lại những điều như vậy, các người cũng đang vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ để các người đi lần này, nhưng lần tới sẽ không dễ dàng như vậy”.

Một chiến binh Taliban chĩa súng về phía những người tuần hành phản đối Pakistan trước cửa Đại sứ quán Pakistan (Ảnh: Reuters)

Vào thời điểm đó, các cuộc biểu tình vẫn được phép tổ chức, nhưng chỉ trong vài giờ sau, Taliban đã đưa ra một sắc lệnh nói rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào, cùng với các biểu ngữ, cần phải được Bộ Tư pháp phê chuẩn 24 giờ trước khi tổ chức.

Tuyên bố này khiến những phóng viên như Shaygan và các đồng nghiệp của mình suy sụp, bởi Taliban trước đó từng hứa hẹn sẽ cho báo chí hoạt động tự do dưới cái mà họ gọi là “Tiểu vương quốc Hồi giáo” Afghanistan.

Trong một cuộc họp báo tổ chức ngày 17/8, phát ngôn viên lúc bấy giờ của Taliban, Zabihullah Mujahid, nói: “Các hãng truyền thông tư nhân có thể tiếp tục hoạt động tự do và độc lập; họ có thể tiếp tục hoạt động của mình…Tính công bằng của truyền thông là rất quan trọng. Họ có thể chỉ trích việc làm của chúng tôi, và từ đó giúp chúng tôi cải thiện”.

Mujahid cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong cuộc họp riêng với các nhà báo đến từ các hãng truyền thông nước ngoài hồi cuối tháng 8. Thời điểm đó, Mujahid còn khuyến khích các nhà báo minh bạch và đưa tin về thực tế cuộc sống ở Afghanistan dưới thời Taliban.

Nhưng trong những tuần kể từ sau đó, mạng xã hội Afghanistan tràn ngập các đoạn video và ảnh cho thấy các chiến binh Taliban đang cố gắng cản trở cánh báo chí tác nghiệp. Taliban cũng liên tục bị tố cáo là có hành động lạm dụng nhằm vào nhà báo – bao gồm đe dọa, bạo lực, phá hủy tài sản cá nhân và bắt giữ phóng viên…

Tổ chức Ân xá cực lực lên án

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực và đe dọa nhằm vào báo giới ở Afghanistan.

“Các nhà báo cần phải được cho phép đưa tin về các cuộc biểu tình mà không phải lo ngại về bạo lực…Cộng đồng quốc tế cần dùng mọi cách để bảo vệ những quyền cơ bản này” – AI nói trong một tuyên bố phản ứng trước cách hành xử bạo lực của Taliban đối với các nhà báo.

Shaygan đã làm việc cho tờ Etilaatroz – tờ báo khá nổi tiếng vì các bài viết điều tra chuyên sâu – trong 4 năm liền. Ông nói rằng trong những tuần qua, Taliban đã cho thấy rõ kiểu hành xử “hai mặt” của họ. Một mặt thể hiện rất tốt đẹp trước cộng đồng quốc tế, mặt còn lại là reo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Afghanistan.

“Trên truyền hình và trong các cuộc họp báo, các thủ lĩnh của họ tỏ ra rất kiểu cách và hay bàn về tự do, nhưng các chiến binh của họ trên đường phố lại hành xử ngang ngược” – Shaygan nói – “Không cách nào nắm bắt được họ”.

Shaygan và các đồng nghiệp của ông rất bất ngờ khi biết rằng nhiều nhà báo từng bị bắt giữ cùng ngày với họ còn được phát ngôn viên của Taliban, Mujahid, trao cho “quyền được hoạt động” báo chí ở mọi khu vực. Điều này rõ ràng là bằng chứng cho thấy lời hứa của giới lãnh đạo Taliban mâu thuẫn với hành động của các tay súng dưới quyền.

“Họ không muốn cho chúng tôi hoạt động tự do, họ chỉ muốn giới truyền thông nhắc lại những chương trình tuyên truyền của mà họ phát ra thế giới” – Shaygan nói.

Mặc dù các hãng truyền thông Afghanistan vẫn hoạt động kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước này, nhưng cánh nhà báo nói rằng công việc của họ ngày càng trở nên khó khăn hơn trong 3 tuần gần đây.

Hiện Taliban vẫn chưa áp đặt bất kỳ sự hạn chế nào đối với truyền thông, nhưng nhiều phóng viên cho rằng đó là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra, đặc biệt là khi Taliban giờ đã có một chính phủ lâm thời.

Sulan Faizy – nhà báo Afghanistan hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng gia đình mình – nói rằng ông không hy vọng gì vào tương lai của nền báo chí Afghanistan.

“Tôi không còn muốn làm công việc báo chí ở nước mình nữa. Nghề nghiệp của tôi ở đó đã chết” – nhà báo 37 tuổi nói – “Tôi từng sống dưới sự cai trị của Taliban 2 lần. Tôi hiểu rằng điều gì sẽ xảy đến nếu sống dưới sự cai trị của họ. Tôi sẽ tìm cách khác để nuôi sống gia đình mình”.