Hoặc cho Ukraine gia nhập NATO hoặc trả lại vũ khí hạt nhân
Theo hãng TASS của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông gần đây rằng vì các nước phương Tây không cho phép Ukraine gia nhập NATO nên họ phải trả lại vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa cho Ukraine, và phải đưa quân đội tới đồn trú để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Trước tiên hãy nói về bối cảnh của tuyên bố này. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Ukraine rất mong muốn được gia nhập NATO để có được sự bảo hộ quân sự mạnh mẽ hơn nhằm chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra từ Nga.
Tuy nhiên, cánh cửa NATO không dễ dàng mở ra, đặc biệt là đối với một khu vực nhạy cảm về mặt địa chính trị như Ukraine. Vì vậy, liên minh này luôn tránh đề cập đến yêu cầu trên.
Trước tình trạng đó, ông Zelensky đã đưa ra tối hậu thư rằng nếu Ukraine không thể gia nhập NATO trong vòng 10 năm nữa, thì tốt nhất nên trả lại các vũ khí hạt nhân và các hệ thống tên lửa cho Ukraine.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi các nước phương Tây tài trợ cho Ukraine để xây dựng một quân đội có triệu người và đưa quân đội của họ tới Ukraine đồn trú.
Những lời này không hề đơn giản như kiểu "xin tiền và xin người", mà giống như một lời nhắc nhở với đối tác: việc tham gia NATO hay trả lại vũ khí hạt nhân là tùy thuộc vào quyết định của phương Tây.
Tất nhiên, tuyên bố của ông Zelensky cũng gây ra sự bất bình ở Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova chỉ trích ông Zelensky là "một kẻ mất trí sử dụng hạt nhân như một công cụ tống tiền".
Tại sao Ukraine phá hủy vũ khí hạt nhân của mình?
Trên thực tế, muốn hiểu tại sao ông Zelensky lại đưa ra những phát ngôn như vậy, cần phải bắt đầu từ sự sụp đổ của Liên Xô.
Vào thời điểm đó, Ukraine thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ do Liên Xô để lại và trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới với 1.700 đầu đạn hạt nhân. Nhưng vào năm 1994, Ukraine đã quyết định thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân và ký Bản ghi nhớ Budapest với Nga, Mỹ và Vương quốc Anh, từ bỏ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình. Đổi lại, ba quốc gia này cam kết đảm bảo an ninh đầy đủ cho Ukraine.
Lý do khiến Ukraine quyết định từ bỏ "lá chắn hạt nhân" mạnh như vậy là vì theo khuôn khổ “Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân” (Nuclear Non-Proliferation Treaty, NPT) ký năm 1986, nếu Ukraine vẫn kiên trì sở hữu vũ khí hạt nhân, rất có thể nước này sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập và phải gánh chịu lệnh trừng phạt.
Thứ hai, chi phí vận hành và bảo trì vũ khí hạt nhân cực kỳ cao. Theo thống kê, GDP của Ukraine khi đó chỉ đạt 70 tỷ USD, trong khi chi phí bảo dưỡng vũ khí hạt nhân vào khoảng 30-40 tỷ USD mỗi năm.
Điều quan trọng là kể từ năm 2014 tại Ukraine đã có những cuộc thảo luận về việc tái trang bị vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, tại các cơ quan ở Kiev vẫn còn các chuyên gia tham gia phát triển vũ khí hạt nhân và lưu giữ các bản vẽ có liên quan.
Mỹ và Nga có sự đồng thuận hiếm hoi về vũ khí hạt nhân
Điều này có nghĩa là nếu Ukraine quyết tâm một lần nữa trở thành cường quốc hạt nhân thì đây không phải là trở ngại không thể vượt qua về mặt kỹ thuật. Đây cũng là một trong những lý do khiến chính quyền Zelensky nhiều lần bày tỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn luôn phản đối.
Việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga chắc chắn là quan trọng, nhưng không được gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Do đó, mặc dù có tin đồn rằng ông Biden sẽ "giao lại vũ khí hạt nhân cho Ukraine", nhưng ông vẫn cho rằng, trong bối cảnh tình hình an ninh toàn cầu vốn đã căng thẳng, việc có thêm các quốc gia mới có vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Đáp lại ý tưởng của ông Zelensky, ông Keith Kellogg, đặc phái viên về xung đột Nga-Ukraine do tân Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vào ngày 6/2 rằng "không thể có chuyện" Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mối lo ngại của EU cũng không thể bị bỏ qua. Đối với châu Âu, một nước Ukraine có vũ khí hạt nhân ở ngay trước cửa nhà sẽ phá vỡ sự cân bằng chiến lược của toàn bộ lục địa châu Âu và gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng địa chính trị.
Quan điểm của Nga đương nhiên là phản đối. Theo quan điểm của họ, việc Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân là một “lằn ranh đỏ” không thể chấp nhận được. Một khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, nó sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga.
Trong tình hình này, việc Ukraine tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ giống như một cố gắng tuyệt vọng. Không chỉ chưa chắc chắn tăng cường an ninh của chính mình, mà còn có thể dẫn đến các đòn tấn công quân sự lớn hơn nữa.
Nhóm của ông Trump sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về Ukraine trong tuần này
Rostec: Chiến đấu cơ Pháp sẽ nhanh chóng bị bắn hạ nếu được Ukraine triển khai
FSB bắt giữ 4 nữ điệp viên làm việc cho Ukraine vì cáo buộc khủng bố
Theo QQnews