Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, Không quân Đài Loan đã tiến hành các cuộc diễn tập cất cánh không báo trước mô phỏng các cuộc ứng chiến và ngăn chặn các cuộc tập kích đường không của đối phương. Đồng thời, một số cơ quan truyền thông Đài Loan đưa tin máy bay ném bom H-6 của PLA đã xuất hiện chỉ cách đảo Lan Dữ (Orchid Island) khoảng 5 hải lý vào sáng 22/9. Không quân Đài Loan đã ngay lập tức cất cánh và phát thanh để xua đuổi, tuy nhiên phía quân đội không xác nhận tin này.
Theo Đông Phương, từ 5 giờ sáng ngày thứ Ba, các máy bay chiến đấu từ nhiều căn cứ không quân trên khắp Đài Loan đã tới tấp cất cánh. Ngoài đảo chính Đài Loan, “Lực lượng Thiên Câu” đóng tại đảo Bành Hồ cũng đã huy động 4 máy bay chiến đấu tham gia diễn tập đánh chặn, 2 chiếc hạ cánh sau khi bay suốt 2 tiếng sau đó 2 chiếc kia xuất kích tiếp. Ngoài ra, Liên đội 6 Không quân đóng tại Bình Đông cũng công khai tiến hành cuộc diễn tập của máy bay P-3C ném bom chống tàu ngầm.
Máy bay Đài Loan tham gia diễn tập cất cánh khẩn cấp từ sáng sớm (Ảnh: China Times).
|
Cuộc tập trận mang tên “Liên Tường” của Không quân Đài Loan chủ yếu sử dụng các máy bay chiến đấu F-16 ở Hoa Liên và Gia Nghĩa làm kẻ địch giả tưởng, mô phỏng các đường bay của “máy bay kẻ địch có thể thực hiện không kích trong thời chiến” để kiểm tra phản ứng của lực lượng phòng không mà không cảnh báo trước; đồng thời kiểm tra khả năng phòng không, kiểm soát không phận và khả năng ứng phó của tất cả các lực lượng Hải, Lục, Không quân của Đài Loan. Trong đó, 8 máy bay chiến đấu F-16 cất cánh từ căn cứ Hoa Liên, sau khi tiến hành các cuộc không kích giả nhằm vào các tàu tuần dương trinh sát đang hoạt động ở vùng biển phía đông để kiểm tra khả năng sẵn sàng phòng không của hạm đội, đã tiến hành thử nghiệm khả năng phòng không của các trận địa tên lửa các loại.
Người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát đã cùng Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Thử Quang tới Sở chỉ huy Hoành Sơn vào sáng sớm để tìm hiểu về các hoạt động diễn tập của ba quân chủng, đồng thời thảo luận chiến thuật với các quan chức quân sự về các mối đe dọa của kẻ địch và các chiến thuật có thể sử dụng. Ông nhấn mạnh, “hiện nay các mối đe dọa của kẻ thù đang gia tăng từng ngày, quân đội phải nâng cao nhận thức về nguy hiểm và cảnh giác trước tình hình của kẻ thù, phát huy khả năng chung của tình báo, giám sát và trinh sát, khả năng ngăn chặn và tiêu diệt kẻ thù trên bãi biển, để mọi ý đồ và hành động xâm lược Đài Loan đều bị thất bại”.
Các máy bay IDF (Kinh Quốc) do Đài Loan tự chế tạo (Ảnh: Đa Chiều).
|
Ngoài ra, ông Tô Trinh Xương, Viện trưởng Hành pháp Đài Loan sáng 22/9 đã chỉ ra rằng Đại lục gần đây đã liên tục quấy rối Đài Loan bằng máy bay quân sự và tàu chiến, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực. Hành vi trên không phải là hành xử của một quốc gia có trách nhiệm, sẽ bị toàn thế giới quan tâm và lên án. Cùng ngày, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp, trước khi tham dự một diễn đàn đầu tư, đã đáp trả tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về “không hề có đường trung tâm eo biển”. Ông nói: “Trong những năm qua, đường trung tâm của eo biển Đài Loan là biểu tượng của việc tránh xung đột quân sự xuyên eo biển và duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Giống như việc áp đặt Luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã phá hủy một quốc gia, hai chế độ, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đại lục đồng nghĩa với việc phá hủy hiện trạng eo biển Đài Loan”. Ngoài việc lên án mạnh mẽ, ông Ngô Chiêu Nhiếp còn yêu cầu chính quyền Bắc Kinh trở lại với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nghiêm Đức Phát (giữa), người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan chỉ đạo diễn tập tại Sở chỉ huy Hoành Sơn (Ảnh: Đông Phương).
|
Cùng ngày, không quân Mỹ cũng có nhiều hoạt động. Theo thông tin do Trung tâm “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” của Trung Quốc đăng tải trên mạng xã hội, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của Hải quân Mỹ đã vào Biển Đông lúc 5 giờ sáng và rời đi lúc 11 giờ sáng ngày 22/9; 10 giờ sáng cùng ngày, một máy bay tuần tra chống ngầm P-3C của Hải quân Mỹ cũng vào Biển Đông để trinh sát. Vào lúc 1 giờ chiều, một máy bay giám sát tên lửa RC-135S của Không quân Mỹ đã cất cánh từ Kadena, Okinawa, Nhật Bản, có lẽ hướng đến Hoàng Hải để do thám.