|
Phùng Thế Khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan. Ảnh: UDN. |
Tờ Liên hợp Đài Loan ngày 8/7 tiết lộ, trong thời điểm nhạy cảm PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Quân đội Mỹ đã điều 2 tàu sân bay đến Biển Đông, tình hình khu vực trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, lực lượng tuần duyên Đài Loan lại lấy "phòng thủ Đài Loan" làm lý do, rút về 2 tàu tuần duyên triển khai (bất hợp pháp) ở đảo Ba Bình.
Trước đó, ông Phùng Thế Khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan từng cho biết nếu ông lên làm Bộ trưởng Quốc phòng từ 10 năm trước thì ông sẽ ra sức xây dựng (bất hợp pháp) đảo Ba Bình như Trung Quốc đã và đang làm.
Ngày 7/7, tại phiên điều trần ở Ủy ban Ngoại giao - Quốc phòng, Viện Lập pháp Đài Loan, ủy viên lập pháp Chu Trần Tú Hà thuộc Đảng Thân Dân Đài Loan đã chất vất về lý do rút tàu tuần duyên khỏi đảo Ba Bình. Ông Phùng Thế Khoan cho biết, rút tàu tuần duyên khỏi đảo Ba Bình là để “phòng thủ Đài Loan”.
Ủy viên lập pháp Hoàng Chiêu Thuận cho rằng trước đây ông Phùng Thế Khoan nhấn mạnh tăng cường "phòng thủ" đảo Ba Bình, đến nay Đài Loan càng không thể "mềm yếu".
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Thế Khoan cho rằng hiện nay là thời điểm nhạy cảm, nhất là Trung Quốc đang tập trận (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa, không nhất thiết phải "phô trương sức mạnh" vào lúc này.
Hoàng Chiêu Thuận không đồng ý với câu trả lời này, cho rằng sau cuộc họp muốn đến thực địa để làm cái gọi là "tuyên bố chủ quyền" bất hợp pháp.
Rút tàu tuần duyên do “mưa bão”
Ngoài ra, trong phiên điều trần, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan còn cho biết trong mùa mưa bão sẽ “không có chiến tranh” nên “cần phải rút” tàu tuần duyên.
Nhưng, các ủy viên lập pháp không đồng ý với câu trả lời này, cho rằng hiện nay ở Biển Đông không có bão.
Chủ tịch phiên điều trần lần này là Giang Khải Thần, người của Đảng Quốc Dân – đảng đối lập ở Đài Loan. Giang Khải Thần đặt nghi ngờ về lý do vì “mưa bão” mà rút tàu tuần duyên.
Đối với vấn đề này, ông Khoan đã “đá bóng” cho người khác, cho rằng vấn đề này cần hỏi lực lượng tuần duyên Đài Loan, chứ không phải do ông ra lệnh.
Lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết bến cảng ở đảo Ba Bình không chịu nổi bão, khi bão xuất hiện có thể đe dọa an toàn của tàu tuần duyên lớp 100 tấn. Vì vậy mới rút tàu tuần duyên về Đài Loan trong mùa bão.
Theo quan chức lực lượng này, tàu tuần duyên đi lại giữa Đài Loan và đảo Ba Bình rất vất vả, vì vậy trước khi mùa bão năm nay kết thúc, sẽ không điều quay trở lại (đảo Ba Bình). Nhưng, lực lượng tuần duyên sẽ xem xét tình hình, điều tàu chiến đến tuần tra (bất hợp pháp-PV) ở đảo Ba Bình.
Có thể bị “tấn công”
Trong phiên điều trần, ủy viên lập pháp Chu Trần Tú Hà còn đưa ra “bài học lịch sử” và đề cập đến khả năng có thể lực bên ngoài tận dụng thời cơ Đài Loan rút tàu tuần duyên để tấn công đảo Ba Bình.
Ngày 7/7, Đảng Thân Dân Đài Loan ra tuyên bố cho rằng tàu tuần duyên Đài Loan lấy lý do tránh bão để rút về là “không thỏa đáng”, cho rằng cần phải nhớ lấy “bài học” trước đây (như việc Philippines đánh chiếm đảo Thị Tứ - thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam).
Đảng Thân Dân ngang nhiên tuyên bố: Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA. Bất cứ quan chức chính phủ nào chủ trương hoặc quyết định từ bỏ đảo Ba Bình hoặc do sơ suất mà để mất đi đảo Ba Bình thì đều phải dựa vào luật hình sự để khởi tố.
Đảng Thân Dân Đài Loan đề xuất thủ đoạn đối phó với PCA, đó là tăng cường điều tàu chiến hải quân đến đảo Ba Bình để chống lại khả năng bị các nước khác tận dụng cơ hội từ PCA để tấn công đảo Ba Bình.
Đảng Thân Dân kêu gọi chính quyền Thái Anh Văn cần tái khẳng định lập trường: “gác lại tranh chấp chủ quyền, tránh xung đột quân sự, cùng khai thác tài nguyên Biển Đông”.
Đối với những lo ngại về khả năng đảo Ba Bình bị nước khác tấn công, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan, ông Chương Nguyên Huân cho biết kế hoạch, hành động đối với đảo Ba Bình và hoạt động tình báo, trinh sát và giám sát hiện nay không thể “vơ đũa cả nắm”. Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, làm tốt công việc của mình.
Ông Phùng Thế Khoan cho biết thêm, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã “có kế hoạch ứng phó”, trên đảo Ba Bình có binh sĩ lực lượng tuần duyên đồn trú (bất hợp pháp), có lực lượng “phòng thủ” cơ bản.
Tuy nhiên, tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 8/7 cho rằng trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, lực lượng tuần duyên Đài Loan lại rút toàn bộ 2 tàu tuần duyên 100 tấn (triển khai tăng cường thời kỳ Tổng thống Mã Anh Cửu) khỏi đảo Ba Bình, chỉ để lại tàu chiến cỡ nhỏ cũ kỹ - loại tàu này chỉ có thể tuần tra ven bờ là một động thái lạ.
Tờ Liên hợp Đài Loan cũng khẳng định, hiện nay trên đảo Ba Bình chỉ còn lại các thuyền máy (ca-nô) không có vũ trang, hoàn toàn không thể chống lại được tàu tuần tra quân sự các nước. Khả năng triển khai các “nhiệm vụ” ở đảo Ba Bình “giảm đi”.
Tàu tuần duyên 100 tấn được triển khai từ thời Mã Anh Cửu
Được biết, cuối năm 2015, ông Mã Anh Cửu đã điều thêm 2 tàu tuần duyên mới lớp 100 tấn đến đồn trú bất hợp pháp ở đảo Ba Bình, lần lượt có số hiệu là PP-10052, PP-10053. Chúng được dùng để tuần tra.
Do tham khảo sự kiện Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan nước sâu 981 ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014, Đài Loan đã rút kinh nghiệm, lần đầu tiên lắp vòi rồng cho tàu lớp 100 tấn triển khai bất hợp ở đảo Ba Bình.
Tuy nhiên, cuối tháng 4/2016, sau khi điều về Đài Loan sửa chữa, Đài Loan đã không tiếp tục điều tàu tuần duyên PP-10052 đến đảo Ba Bình, mà chuyển sang triển khai thực hiện nhiệm vụ ở Cao Hùng.
Gần đây, Đài Loan cũng rút tàu tuần duyên PP-10053 về đảo. Như vậy, dưới sự cầm quyền của Đảng Dân Tiến, toàn bộ tàu tuần duyên lớp 100 tấn do chính quyền Mã Anh Cửu điều đến đảo Ba Bình đã được lệnh rút về hết.
Bắc Kinh sẽ không dám lộng hành, chưa rõ lúc nào lập ADIZ
Trong phiên điều trần lần này, Ủy viên lập pháp Từ Chí Vinh còn đề cập đến khả năng Bắc Kinh lập ra cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Ông Phùng Thế Khoan cho rằng Trung Quốc sẽ không lộng hành, sẽ rất thận trọng, vì vậy hiện nay không thể phán đoán lúc nào họ sẽ công bố ADIZ.
Nhưng, cho dù có làm thật sự thì máy bay và tàu thuyền Đài Loan cũng sẽ không thông báo cho phía Trung Quốc – Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan nhấn mạnh.