Tình báo Mỹ bắt đầu điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2, Trung Quốc nổi khùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo xúc tiến điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2, giới tình báo Mỹ ngày 1/6 đã phân tích và truy tìm nguồn gốc của virus. Họ sẽ điều tra như thế nào?
Viện Virus Vũ Hán, nơi trở thành tiêu điểm trong giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm (Ảnh: AP).
Viện Virus Vũ Hán, nơi trở thành tiêu điểm trong giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm (Ảnh: AP).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 2/6 dẫn nguồn VOA, giới tình báo Mỹ đã “xoay quanh hai tình huống có thể xảy ra” để truy tìm nguồn gốc của virus, một là sinh ra do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, hai là do sự cố trong phòng thí nghiệm. Ông Biden đã yêu cầu giới tình báo Mỹ "nỗ lực gấp đôi" để điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2 và phải nộp báo cáo trong vòng 90 ngày với duy nhất một kết luận.

Quan chức giới tình báo Mỹ cho VOA biết, cuộc điều tra sẽ kích hoạt các nguồn lực của toàn bộ cộng đồng tình báo, bao gồm cả việc thu thập các hình ảnh vệ tinh và hồ sơ gốc của Viện Virus Vũ Hán. Các cơ quan khác nhau vẫn cần phải tổng hợp và kiểm tra lại thông tin tình báo. 90 ngày là khoảng thời gian không dài.

Sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus Vũ Hán phải nhập viện vào tháng 11/2019, giả thuyết về việc liệu có phải coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã được xem xét trở lại. Vào tháng 3 năm nay, một nhóm điều tra chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc đã đưa ra một bản báo cáo, nói “cái gọi là lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là cực kỳ không khả thi”. Tuy nhiên, báo cáo này đã bị Mỹ và một số người trong giới lãnh đạo WHO chỉ trích vì phương pháp nghiên cứu của nó và sự thiếu minh bạch của chính phủ Trung Quốc. Các quan chức cấp cao của Mỹ đã kêu gọi một cuộc điều tra mới.

Ngày 26/5, Tổng thống Joe Biden giao các cơ quan tình báo Mỹ có 90 nghày để hoàn thành báo cáo về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Ngày 26/5, Tổng thống Joe Biden giao các cơ quan tình báo Mỹ có 90 nghày để hoàn thành báo cáo về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố vào ngày 26/5: giới tình báo Mỹ đã tìm kiếm nguồn gốc của vi rút "xung quanh hai kịch bản có thể xảy ra", một là do tiếp xúc giữa người và động vật bị nhiễm bệnh và hai là do tình cờ bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. "Tôi đã yêu cầu các cơ quan tình báo nỗ lực gấp đôi để thu thập và phân tích thông tin để đưa chúng ta đến gần hơn một kết luận rõ ràng", ông Biden nói.

Tìm kiếm nguồn gốc và thuộc tính của virus

Ông Dan Garrett, học giả nổi tiếng, cựu chuyên gia phân tích tình báo của Lầu Năm Góc cho rằng, nhiệm vụ này sẽ sử dụng nguồn lực của toàn bộ cộng đồng tình báo, bao gồm nhân lực, công nghệ và năng lực khoa học. Tổng thống Biden còn đặc biệt kêu gọi Phòng thí nghiệm quốc gia hỗ trợ.

Hai tuần trước, 18 nhà sinh vật học có thẩm quyền đã cho đăng một bức thư ngỏ trên tạp chí Nature, nói rằng trước khi có đủ dữ liệu, cả hai giả thuyết về nguồn gốc của virus phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Bức thư ngỏ nêu rõ: "Các cuộc điều tra đúng đắn cần phải minh bạch, khách quan và dựa trên dữ liệu, bao gồm kiến thức chuyên môn sâu rộng, chịu sự giám sát độc lập và nỗ lực có trách nhiệm để giảm thiểu tác động của xung đột lợi ích. Các tổ chức y tế công cộng và phòng thí nghiệm nghiên cứu cần mở cửa hồ sơ của họ cho công chúng. Các điều tra viên cần ghi lại tính xác thực và nguồn của dữ liệu được sử dụng để phân tích và kết luận, tiện cho các chuyên gia độc lập có thể phân tích lại nếu muốn".

Cuộc họp báo chung của nhóm điều tra WHO và Trung Quốc về nguồn gốc SARS-CoV-2 hôm 9/2/2021 không đưa ra được kết luận (Ảnh: AP).

Cuộc họp báo chung của nhóm điều tra WHO và Trung Quốc về nguồn gốc SARS-CoV-2 hôm 9/2/2021 không đưa ra được kết luận (Ảnh: AP).

Dan Garrett nói, kể từ tháng 3, các thông tin mới đã xuất hiện, cho thấy có những khả năng nhất định về giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Garrett cho biết: “Các tin trên các cơ quan truyền thông đã cung cấp hai nguồn thông tin cho thấy 3 nhân viên của Viện virus Vũ Hán đã bị ốm vào đầu tháng 11/2019. Hiện chưa rõ họ mắc bệnh gì, tình trạng nghiêm trọng như thế nào và các tình hình khác vẫn chưa được biết rõ. Sau đó, có truyền thông tiết lộ rằng không biết có đúng hay không, việc PLA (Quân đội Trung Quốc) đã tham gia vào nghiên cứu của Viện Virus Vũ Hán. Vì vậy, có thể có những câu hỏi mới về các tổ chức này hoặc những diễn biến này. Và tôi nghĩ rằng, sẽ có những vấn đề khác đối với những dữ liệu do nhóm điều tra của WHO và Trung Quốc thu thập. Cuộc điều tra đó chỉ được thực hiện hơn một năm sau khi dịch bùng phát. Chính phủ Trung Quốc về cơ bản đã rất cứng rắn ngăn chặn WHO, CDC Mỹ và cộng đồng quốc tế được vào Trung Quốc để điều tra sớm hơn. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng họ không thể tiếp cận các dữ liệu gốc hoặc nhiều hồ sơ khác. Vì vậy, ông Biden có thể cố gắng ra lệnh cho cộng đồng tình báo tìm ra câu trả lời cho một số vấn đề và cố gắng lấp đầy một số khoảng trống".

Tiến sĩ Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với VOA rằng, trong cuộc điều tra mới này, các cơ quan tình báo khác nhau sẽ kết hợp các thông tin tình báo thu thập được của riêng họ. Ông cho rằng cuộc điều tra sẽ được tiến hành xung quanh một số vấn đề mấu chốt. Đầu tiên là thuộc tính của SARS-CoV-2, tức là virus được nuôi trong phòng thí nghiệm hay được sinh ra trong tự nhiên.

Tiến sĩ Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson (Ảnh: Singtao).

Tiến sĩ Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson (Ảnh: Singtao).

Tại sao các quan chức Trung Quốc bị cách chức?

Tiến sĩ Michael Pillsbury nói, vấn đề quan trọng hơn là liệu chính phủ Trung Quốc có từng che đậy dịch bệnh COVID-19 hay không, chuyện này liên quan đến thời điểm ông Tập Cận Bình biết được sự xuất hiện của virus. Khi dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2020, cả Trương Tấn (Zhang Jin), Bí thư Đảng ủy và Lưu Anh Tư (Liu Yingzi), Giám đốc Ủy ban Y tế & Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc (nơi có thành phố Vũ Hán), đều bị cách chức do “phòng chống và kiểm soát dịch không hiệu quả”.

Vào ngày 1/5/2020, Diệp Chí Cường (Ye Zhiqiang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh ủy Hồ Bắc, đã đăng một bài báo trên Tạp chí Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc, nói rằng: "Từ khi bùng phát dịch đến giữa tháng 4, tỉnh Hồ Bắc đã trừng phạt hơn 3.000 đảng viên, cán bộ buông lỏng nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch; trong đó có hơn 10 cán bộ cấp sở, cục, hơn 100 ở cấp quận, phòng”. Ông Michael Pillsbury cho rằng cuộc điều tra của cơ quan tình báo Mỹ nên tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến những quan chức này của tỉnh Hồ Bắc và chính quyền địa phương đã bị mất chức.

Mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ và Viện Virus Vũ Hán

Một điểm khác là bài bình luận của Washington Post vào tháng 4 năm ngoái nói rằng, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2018, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã nhiều lần cử các nhà ngoại giao khoa học Mỹ đến Viện Virus Vũ Hán, sau đó báo cáo cho Washington về các nguy cơ mất an toàn và sự thiếu sót trong quản lý của Viện này, đồng thời yêu cầu Washington trợ giúp nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho viện. Michael Pillsbury cho rằng cuộc điều tra lần này cần làm rõ hình thức và nội dung hợp tác giữa chính phủ Mỹ và Viện Virus Vũ Hán.

Cuộc điều tra của Nhóm chuyên gia WHO tại Vũ Hán tháng 1/2021 được coi là bị cản trở và không tiếp cận được các dữ liệu gốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Cuộc điều tra của Nhóm chuyên gia WHO tại Vũ Hán tháng 1/2021 được coi là bị cản trở và không tiếp cận được các dữ liệu gốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Michael Pillsbury nói: "Tôi đề nghị rằng một phần của cuộc điều tra nên bao gồm việc hỏi các quan chức và nhà nghiên cứu Trung Quốc, 'ông (bà) biết những gì', ‘?’ ". Ông cho rằng Viện Virus Vũ Hán và chính quyền địa phương có lẽ đã không chuyển giao tất cả thông tin cho Bắc Kinh. Ông đề nghị kiểm tra lại các hình ảnh vệ tinh, bao gồm cả các phương tiện đậu trong bãi xe của Viện Virus Vũ Hán trước và sau khi dịch bệnh bùng phát.

Ông Michael Pillsbury cũng đề nghị giới tình báo nên phỏng vấn bà Diêm Lệ Mộng (Yan Limeng), người trước đây đã tuyên bố rằng “SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học được Trung Quốc sản xuất”. Bà Diêm Lệ Mộng nguyên là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về Virus và Miễn dịch học tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm ở Học viện Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào năm ngoái, Diêm Lệ Mộng nói rằng bà đã chạy trốn từ Hồng Kông đến Mỹ với hy vọng sẽ nói rõ sự thật về việc lây lan của SARS-CoV-2.

Cả hai ông Michael Pillsbury và Dan Garrett đều cho rằng xét về mức độ phức tạp của cuộc điều tra, với thời gian 90 ngày, các cơ quan tình báo cần bố trí nhân lực để phối hợp, hợp tác, tham khảo thông tin của nhau và viết báo cáo, thời gian không hề rộng rãi.

Cuộc điều tra mới có gì khác?

Trước khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho cơ quan tình báo điều tra, Đài CNN từng đưa tin chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu dừng cuộc điều tra dưới thời chính quyền Tổng thống Trump về việc liệu virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đã phủ nhận thông tin này, nói rằng kết quả điều tra của nhóm này đã được thông báo cho các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao vào tháng 2 và tháng 3 năm nay.

Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, nhà khoa học từng làm việc ở Viện Virus Vũ Hán đã chạy trốn sang Mỹ (Ảnh: Dongfang).

Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, nhà khoa học từng làm việc ở Viện Virus Vũ Hán đã chạy trốn sang Mỹ (Ảnh: Dongfang).

Tiến sĩ Michael Pillsbury cho rằng cuộc điều tra trước đây được tiến hành dưới thời chính quyền Donald Trump có thể không đủ khoa học, vì không ai trong số những người đứng đầu cuộc điều tra có lý lịch khoa học. Ông nói rằng cuộc điều tra lần này nên được dẫn dắt bởi các nhà khoa học. Michael Pillsbury nói rằng áp lực chính trị để điều tra nguồn gốc của virus là một đáp án có thể không tìm ra được chứng cứ tình báo.

Dan Garrett, một cựu chuyên gia phân tích tình báo của Lầu Năm Góc, cho rằng so với cuộc điều tra của chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ hiện đã nắm được thêm các thông tin mới và cũng có những cuộc thảo luận mới giữa Mỹ và các đồng minh. Một số người có thể không chính trị hóa cuộc điều tra như cuộc điều tra trước đây.

Ông nói, "Thành thật mà nói, các nhà khoa học là con người, các phóng viên cũng là con người và các nhà hoạch định chính sách cũng là con người. Khi bạn nhận được một tuyên bố từ một người mà bạn cho là không đáng tin cậy và có tai tiếng, đôi khi phản ứng theo bản năng của bạn là sẽ bỏ qua do nguồn gốc của thông tin thay vì thực sự nhìn vào tính chân thực của thông tin".

Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Matt Pottinger tin rằng Mỹ sẽ tìm ra được nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Matt Pottinger tin rằng Mỹ sẽ tìm ra được nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Garrett nói, "Đại dịch COVID-19 hiện được coi là vấn đề an ninh quốc gia nghiêm túc hơn là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Cho dù bạn nghĩ đó là vấn đề sức khỏe cộng đồng hay vấn đề an ninh quốc gia, chúng không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau".

Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Matt Pottinger nói trong chương trình “Meet the Press” (Gặp gỡ giới báo chí) của NBC ngày 30/5, ông tin rằng Mỹ sẽ tìm ra nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Matt Pottinger nói: "Tôi nghĩ chúng ta có thể làm được. Điều này có thể mất hơn 90 ngày, nhưng các bạn thấy đấy, ... Trung Quốc có những nhà khoa học đáng kinh ngạc và có đạo đức, nhiều người trong số họ đã đứng lên trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Họ nghi ngờ đó là một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Những người này đã bị chính phủ Trung Quốc đàn áp một cách có hệ thống".

Matt Pottinger nói, ông tin rằng nỗ lực do Mỹ dẫn đầu truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2 có thể mang lại cho các nhà khoa học có lương tri của Trung Quốc sự can đảm về đạo đức. Điều này sẽ giúp cuộc điều tra này thu được nhiều thông tin tình báo hơn.

Trung Quốc nổi khùng phản kích

Cuộc điều tra của Mỹ đã kích hoạt một cuộc phản công dữ dội của Trung Quốc. Một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho cơ quan tình báo điều tra, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói tại một cuộc họp báo rằng Mỹ "muốn sử dụng dịch bệnh để bêu xấu và thao túng chính trị, đổ vấy trách nhiệm". Triệu Lập Kiên cũng kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành điều tra hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học ở Mỹ và trên khắp thế giới.

Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Liên quan đến việc các cơ quan tình báo Mỹ và Anh bắt đầu điều tra về SARS-CoV-2 có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Uông Văn Bân ngày 31/5 tuyên bố: “17 chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành các nghiên cứu thực địa. Nhóm chuyên gia đã tiến hành các cuộc thảo luận khoa học thận trọng, đã đưa ra kết luận rằng giả thuyết sự cố ở phòng thí nghiệm Trung Quốc khiến virus rò rỉ là cực kỳ khó xảy ra. Một số người ở Mỹ hoàn toàn phớt lờ sự thật và khoa học, cũng như không quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc khoa học nghiêm túc mà thay vào đó, họ muốn sử dụng dịch bệnh để bêu xấu và thao túng chính trị”.

Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Việc truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 là một vấn đề khoa học, không phải một công cụ chính trị, cần do giới khoa học tiến hành, chứ không phải sử dụng giới tình báo hoặc một số chính trị gia khoa chân mua tay. Điều đó chỉ sẽ can thiệp nghiêm trọng và phá hoại sự hợp tác quốc tế nghiên cứu truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi kêu gọi Mỹ và một số quốc gia khác ngay lập tức ngừng chính trị hóa, không cố tình phá hoại hợp tác quốc tế nghiên cứu truy xuất nguồn gốc vì các mục đích chính trị mờ ám, càng không đưa ra các thuyết âm mưu, phủ nhận khoa học”.