Tin nóng KHCN 10/4: Em bé đầu tiên trong lịch sử chào đời nhờ ứng dụng công nghệ robot và AI

Lần đầu tiên trong lịch sử y học, một em bé đã chào đời nhờ công nghệ robot và AI, rò rỉ thông số điện thoại gập Z Fold 7 của Samsung, Trung Quốc dùng máy tính lượng tử để tinh chỉnh mô hình AI... là tin KHCN ngày 10/4.

1. Em bé đầu tiên chào đời nhờ hệ thống tiêm tinh trùng tự động bằng robot và AI

Công nghệ thụ tinh ICSI. Ảnh: Life Sciences

Lần đầu tiên trong lịch sử y học, một em bé đã chào đời nhờ công nghệ ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương) hoàn toàn tự động, được điều khiển bằng robot và AI. Thành tựu đột phá này đến từ nhóm nghiên cứu tại Conceivable Life Sciences (New York và Guadalajara, Mexico).

Hệ thống mới sử dụng AI để kiểm soát toàn bộ 23 bước của quy trình ICSI, bao gồm lựa chọn tinh trùng, sử dụng tia laser để làm bất động chúng, và tiêm vào trứng với độ chính xác vượt xa khả năng con người. Quá trình tiêm tinh trùng được thực hiện từ xa cách hơn 3.700 km và chỉ mất chưa đến 10 phút mỗi trứng.

Trong ca lâm sàng đặc biệt này, một người phụ nữ 40 tuổi – từng thất bại với IVF truyền thống – đã đồng ý tham gia thử nghiệm. Trong số năm trứng được thụ tinh tự động, bốn phát triển bình thường, và một phôi thai khỏe mạnh được chuyển lại thành công, dẫn đến sự ra đời của một bé trai khỏe mạnh.

Ca sinh này không chỉ đánh dấu cột mốc y học mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho hỗ trợ sinh sản bằng công nghệ AI và robot tự động.

2. Rò rỉ thông số Galaxy Z Fold 7

Ảnh dựng Galaxy Z Fold 7. Ảnh: Android Headlines

Samsung dự kiến sẽ ra mắt Galaxy Z Fold 7 vào mùa hè năm nay, nhưng các tin đồn đã hé lộ gần như toàn bộ những cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm. Theo thông tin rò rỉ mới nhất, Z Fold 7 sẽ có nhiều nâng cấp đáng chú ý: giao diện One UI 8, camera dưới màn hình cải tiến, màn hình trong lớn hơn (8 inch) và ngoài (6.5 inch), camera chính 200MP, thân máy mỏng hơn chỉ 4.5mm khi mở, khả năng chống nước và bụi tốt hơn, và chip Snapdragon 8 Elite mới.

Tuy nhiên, điều gây thất vọng là danh sách này không đề cập đến việc cải thiện pin – điểm yếu lớn của dòng Fold. Với viên pin 4.400mAh trên Galaxy Z Fold 6, nhiều người dùng hy vọng Z Fold 7 sẽ được nâng cấp để đáp ứng hiệu suất mạnh mẽ hơn mà thiết bị mang lại.

Ngoài ra, việc Z Fold 7 cài sẵn One UI 8 vẫn còn bỏ ngỏ, vì One UI 7 vẫn đang được phát hành cho các thiết bị hiện tại. Samsung chưa xác nhận thời điểm chính thức cho One UI 8, khiến người dùng phải chờ thêm thông tin trong sự kiện ra mắt sắp tới.

3. Samsung và Google bắt tay ra mắt robot Ballie thông minh dùng AI cho gia đình

Samsung và Google vừa chính thức bước vào thị trường robot tiêu dùng với sản phẩm robot hình cầu thông minh mang tên Ballie. Sau khi ra mắt lần đầu năm 2020, phiên bản mới của Ballie nay được trang bị trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhờ sự hợp tác giữa Samsung AI và Google Cloud, đặc biệt là sức mạnh xử lý ngôn ngữ đa phương thức từ Gemini.

Ballie có thể trò chuyện tự nhiên, điều khiển môi trường trong nhà như điều chỉnh ánh sáng, phát video lên tường, chào khách, đặt lịch và nhắc nhở người dùng. Với thiết kế màu vàng tươi bắt mắt, hoạt động bằng hai bánh xe, robot này chạy trên nền tảng Tizen – hệ điều hành Samsung sử dụng cho TV – cho phép truy cập các dịch vụ như YouTube, Netflix và Samsung TV Plus.

Ngoài việc hỗ trợ cuộc sống gia đình, Ballie còn hướng đến chăm sóc sức khỏe và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, nhờ khả năng học hỏi và điều chỉnh phản hồi theo thời gian thực.

Ballie sẽ được mở bán trong mùa hè năm nay, đánh dấu bước tiến quan trọng trong xu hướng AI di động và tương tác, khi các "ông lớn" công nghệ đẩy mạnh đầu tư vào robot gia đình thông minh.

4. Trung Quốc tạo bước ngoặt với tinh chỉnh mô hình AI tỷ tham số bằng máy tính lượng tử

Một khách tham quan đang chụp ảnh mô hình máy tính lượng tử Origin Wukong. Ảnh: People Daily

Trung Quốc vừa ghi dấu ấn trong lĩnh vực điện toán lượng tử khi các nhà khoa học nước này lần đầu tiên trên thế giới tinh chỉnh thành công một mô hình AI lớn với hàng tỷ tham số trên máy tính lượng tử Origin Wukong – thiết bị do Trung Quốc tự phát triển.

Theo Global Times, máy tính này được vận hành tại Trung tâm kỹ thuật Máy tính lượng tử tỉnh An Huy và sử dụng chip lượng tử siêu dẫn 72 qubit.

Điểm nổi bật của Origin Wukong là khả năng xử lý song song hàng trăm tác vụ chỉ với một bộ dữ liệu, giúp rút ngắn đáng kể thời gian học của các mô hình AI. Trong thử nghiệm với bộ dữ liệu chatbot hỗ trợ sức khỏe tâm thần, độ chính xác toán học tăng từ 68% lên 82%, dù kích thước mô hình giảm 76% nhưng hiệu suất vẫn cải thiện 8.4%.

Chuyên gia nhận định thành tựu này mở ra hướng đi mới giúp “giảm nhẹ” mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và giải quyết nỗi lo về thiếu hụt năng lực tính toán. Từ khi ra mắt đầu năm 2024, Origin Wukong đã thực hiện hơn 350.000 nhiệm vụ cho các lĩnh vực như tài chính, y tế và kỹ thuật, tiếp cận người dùng tại 139 quốc gia.

Theo Reuters, IE, Phone Arena