Hồi tuần trước, Pháp đã nhất trí bán hai chiếc siêu tàu chiến tối tân lớp Mistral cho Ai Cập trong một hợp đồng trị giá 950 triệu euro (tương đương 1,06 tỉ USD). Thương vụ này được hoàn tất sau khi Paris quyết hủy bỏ hợp đồng với Moscow .
“Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có thể được Ai Cập cho thuê lại hai chiếc tàu chiến tấn công đổ bộ hiện đại lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga, sau khi Cairo đạt được thỏa thuận chính thức mua hai chiếc tàu nói trên với Paris hồi tháng 8”, Want China Times cho biết.
Thông tin trên hoàn toàn chưa được kiểm chứng, nhưng nếu thực sự nó diễn ra như vậy thì đây sẽ là đòn giáng choáng váng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Mỹ chắc chắn sẽ vô cùng lo ngại trước tin đồn về việc Trung Quốc có thể có trong tay hai siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp. Trước đó, sau khi thông tin về việc hợp đồng Mistral giữa Nga và Pháp bị đổ bể, không ít tin đồn đã dậy lên về việc Trung Quốc là đối tác tiềm năng nhất để mua lại hai tàu Mistral. Bắc Kinh được cho là rất muốn có được hai con tàu tấn công đổ bộ thiện chiến của Pháp để củng cố sức mạnh cho Hải quân nước này - một trong những mục tiêu lớn nhất của quân đội Trung Quốc trong thời điểm này.
Đương nhiên việc Trung Quốc mua tàu Mistral sẽ không thể trở thành sự thực bởi Mỹ sẽ quyết ngăn không để cho ác mộng này xảy ra đối với họ. Hơn nữa, các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) bị hạn chế ở một mức độ nhất định trong khả năng bán vũ khí cho Trung Quốc do lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt lên Bắc Kinh từ năm 1989.
Tuy nhiên, với thông tin Trung Quốc có thể thuê lại hai tàu Mistral từ Ai Cập khiến giới chức phương Tây không khỏi giật mình về khả năng Bắc Kinh có thể đi đường vòng để đạt được mục đích.
Chỉ cần thuê lại hai tàu chiến lớp Mistral, Trung Quốc cũng khiến phương Tây lo ngại. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang gây ra sự quan ngại đặc biệt sâu sắc đối với các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung về những tham vọng liên quan đến lãnh hải, lãnh thổ ở Châu Á. Điều đáng nói là Trung Quốc đang ra sức tăng cường sức mạnh cho quân đội, đặc biệt là Hải quân để thực hiện tham vọng của mình.
Có hai tàu Mistral trong tay, Trung Quốc sẽ củng cố được sức mạnh của Hải quân nước này trong thời gian trước mắt đồng thời giúp lực lượng của họ làm quen, huấn luyện với những siêu tàu chiến hiện đại của phương Tây. Một trong những điều mà Mỹ cũng như các nước phương Tây lo lắng nhất là Trung Quốc có thể sao chép, “ăn cắp” công nghệ vũ khí tối tân từ tàu chiến lớp Mistral.
Xem ra những vấn đề xoay quan tàu chiến lớp Mistral vẫn còn rất lùm xùm. Tuy vậy, cả Nga và Pháp mới đây đã bày tỏ họ rất hài lòng về kết quả của tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng mang tên Mistral giữa hai nước.
Nga, Pháp hài lòng với thương vụ Mistral
Nga và Pháp đã chính thức hủy bỏ hợp đồng Mistral trị giá 1,2 tỉ euro (tương đương 1,3 tỉ USD) sau khi Paris không chịu nổi sức ép của các đồng minh phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
"Hai Tổng thống đã bày tỏ sự hài lòng với việc giải quyết vấn đề liên quan đến tàu chiến lớp Mistral. Sự hài lòng này là do cả hai bên đều đạt được lợi ích”, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Peskov hôm qua (2/10) cho các phóng viên biết.
“Tổng thống Putin và người đồng cấp Hollande cũng bày tỏ hy vọng, tinh thần hiểu nhau và tinh thần đối tác thể hiện trong quá trình giải quyết vấn đề Mistral sẽ tiếp tục được duy trì khi Moscow và Paris giải quyết các vấn đề khác đang được đặt trong chương trình nghị sự của hai nước”, ông Peskov nói thêm.
Trên thực tế, cả Paris và Moscow đều chịu những tổn thất nhất định trong việc hủy bỏ hợp đồng Mistral. Nga tuy được bồi thường đầy đủ và thậm chí còn “có lãi” nhưng dù sao nước này vẫn không có được hai chiếc tàu chiến hiện đại mà mình mong muốn.
Về phần mình, Pháp phải chịu tổn thất nhiều hơn. Ngoài uy tín bị ảnh hưởng, Paris còn phải hứng chịu thiệt thòi về kinh tế dù nước này đã bán lại được hai chiếc tàu Mistral cho Ai Cập. Việc hủy bỏ hợp đồng Mistral với Nga được cho là đã làm mất của những người đóng thuế Pháp không ít hơn 250 triệu euro (khoảng 280 triệu USD). Pháp được cho là bán cho Ai Cập hai tàu Mistral với giá 950 triệu euro.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đổ vỡ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Những lùm xùm quanh số phận hợp đồng tàu chiến Mistral giữa Nga và Pháp đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông thế giới trong suốt nhiều tháng qua.
Vân Linh theo VnMedia