Tin công nghệ 8/5: Apple "bỏ rơi" Google Search, thời điểm ra mắt Galaxy S25 Edge siêu mỏng

Apple sẽ không dùng Google Search mà thay vào đó sẽ tích hợp AI cho Safari; đã có thời điểm ra mắt Galaxy S25 Edge; Tổng thống Trump thay đổi quy định xuất khẩu chip AI... là tin KHCN đáng chú ý ngày 8/5.

1. Apple xem xét tích hợp tìm kiếm AI vào Safari, đe dọa vị thế thống trị của Google Search

Ảnh minh họa: Reuters

Apple đang xem xét tích hợp các công cụ tìm kiếm sử dụng AI như OpenAI và Perplexity AI vào trình duyệt Safari, thay thế cho Google – đối tác tìm kiếm mặc định lâu năm trên các thiết bị của hãng.

Thông tin này được tiết lộ trong phiên tòa chống độc quyền với Alphabet, khi Giám đốc cấp cao của Apple, Eddy Cue, cho biết công ty đang "tích cực xem xét" việc tái cấu trúc Safari để thích ứng với xu hướng tìm kiếm dựa trên AI.

Động thái này đã khiến cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 7,6%, tương đương hơn 150 tỷ USD vốn hóa thị trường, do lo ngại về sự suy giảm doanh thu quảng cáo từ tìm kiếm – lĩnh vực mà Google đang chiếm ưu thế. Hiện tại, Google trả cho Apple khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để giữ vị trí công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari, chiếm khoảng 36% doanh thu quảng cáo tìm kiếm của Google thông qua trình duyệt này.

2. Samsung ra mắt Galaxy S25 Edge siêu mỏng vào ngày 13/5

Galaxy S25 Edge. Ảnh: The Verge

Samsung sẽ chính thức giới thiệu Galaxy S25 Edge trong sự kiện Galaxy Unpacked trực tuyến vào 7 giờ sáng ngày 13/5 (giờ Hà Nội). Đây là mẫu smartphone mỏng nhất từ trước đến nay của hãng, với độ dày chỉ 5,84mm và trọng lượng khoảng 163g, nhưng vẫn sở hữu hiệu năng cao cấp và tích hợp AI mạnh mẽ.

Galaxy S25 Edge được trang bị màn hình AMOLED 6,7 inch độ phân giải 2K, vi xử lý Snapdragon 8 Elite, RAM 12GB và bộ nhớ trong 256GB hoặc 512GB. Máy có camera chính 200MP và camera góc siêu rộng 12MP, hỗ trợ các tính năng AI như nhận diện chủ thể và chỉnh sửa ảnh thông minh. Dung lượng pin 3.900mAh hỗ trợ sạc nhanh 25W và sạc không dây Qi2.

3. Tổng thống Trump dự kiến dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu chip AI của chính quyền tiền nhiệm

Ảnh minh họa: Reuters

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch hủy bỏ và thay thế quy định hạn chế xuất khẩu chip AI do chính quyền cựu Tổng thống Biden ban hành. Quy định cũ phân loại các quốc gia thành ba nhóm, với mức độ tiếp cận chip khác nhau: không giới hạn cho các đồng minh hàng đầu, hạn chế cho 120 quốc gia trung gian và cấm hoàn toàn đối với các đối thủ như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.

Bộ Thương mại Mỹ chỉ trích quy định này là quá phức tạp và quan liêu, có thể cản trở đổi mới công nghệ. Thay vào đó, chính quyền Trump đang xem xét một hệ thống cấp phép toàn cầu đơn giản hơn, dựa trên các thỏa thuận trực tiếp giữa chính phủ với chính phủ, thay thế mô hình phân tầng hiện tại.

Thông tin này đã tác động tích cực đến thị trường, với cổ phiếu của NVIDIA tăng 3% sau thông báo. Tuy nhiên, chưa có thời gian cụ thể cho việc triển khai chính sách mới.

4. Google cắt giảm 200 nhân sự trong bộ phận kinh doanh toàn cầu

Ảnh minh họa: Reuters

Google đã cắt giảm khoảng 200 nhân viên trong bộ phận kinh doanh toàn cầu – đơn vị phụ trách bán hàng và quan hệ đối tác – theo báo cáo từ The Information. Động thái này nằm trong chiến lược tái cơ cấu nhằm tăng cường hợp tác nội bộ và cải thiện dịch vụ khách hàng, đồng thời phản ánh xu hướng chuyển hướng đầu tư sang phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và hạ tầng trung tâm dữ liệu của các công ty công nghệ lớn.

Trước đó, vào tháng 4, Google cũng đã sa thải hàng trăm nhân viên trong bộ phận nền tảng và thiết bị, bao gồm Android, Pixel và Chrome.

Google không phải là công ty duy nhất thực hiện cắt giảm nhân sự trong bối cảnh hiện tại. Meta đã sa thải khoảng 5% nhân viên kém hiệu quả, Microsoft cắt giảm 650 vị trí trong bộ phận Xbox, Amazon giảm nhân sự ở nhiều phòng ban, và Apple loại bỏ khoảng 100 vị trí trong nhóm dịch vụ kỹ thuật số.

5. Công nghệ đeo thông minh mới giúp phát hiện sớm nguy cơ tiểu đường

Ảnh minh họa: iStock

Một nghiên cứu đột phá từ Đại học Tokyo cho thấy công nghệ theo dõi glucose liên tục (CGM) kết hợp với thuật toán tiên tiến có thể phát hiện sớm nguy cơ tiểu đường, chính xác hơn cả xét nghiệm máu truyền thống mà không cần đến những mũi kim đau đớn.

CGM là thiết bị đeo theo dõi đường huyết liên tục trong thời gian thực, giúp đo sự dao động glucose một cách tự nhiên suốt cả ngày.

Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển một ứng dụng web thân thiện, giúp người dùng và bác sĩ dễ dàng tính toán các chỉ số từ CGM, mở đường cho việc sàng lọc tiểu đường rộng rãi, không xâm lấn và tiết kiệm chi phí.

Theo giáo sư Shinya Kuroda, mục tiêu dài hạn của nhóm là tạo ra một công cụ tiện lợi giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự khởi phát bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan thông qua việc phát hiện sớm các rối loạn đường huyết tiềm ẩn.

Theo Reuters, Phone Arena, IE