Tân Hoa xã ngày 16-1 cho biết cư dân trên đã phát hiện ra phần đỉnh đầu của tượng Phật khi mực nước được rút xuống hơn 10 mét để sửa chữa cửa thủy điện ở khu vực này.
Các chuyên gia khảo cổ nhận định tượng Phật với vẻ mặt thanh thản dựa lưng vào một bức tường, phần thân vẫn còn chìm trong làn nước, có thể từ thời nhà Minh (1368 - 1644).
"Nghiên cứu sơ bộ cho thấy tượng có thể được tô tạc vào đầu thời Minh, hoặc có thể sớm hơn vào thời Nguyên" - giám đốc Viện Nghiên cứu Khảo cổ của tỉnh Giang Tây, ông Xu Changqing nói với đài CNN.
Phần trên của tượng phát hiện từ tháng trước đã thu hút nhiều khách du lịch đến ngắm nhìn vì họ cho rằng đây là một điềm lành.
Bức tượng cao khoảng 3,8 mét và được tạc vào một vách đá.
Các chuyên gia cho rằng bức tượng Phật trên chỉ là phần đầu của cả một kho tàng khảo cổ chìm dưới hồ chứa nước. Một nhóm nhà khảo cổ đã lặn tìm và phát hiện thấy phần sảnh của một ngôi chùa còn nằm dưới nước.
Các ghi chép địa phương cho biết hồ chứa nước này nằm trên tàn tích của một thành phố cổ đại gọi là Xiaoshi.
Ông Xu cho biết đội khảo cổ học đang tìm hiểu về thành phố cổ trên cũng như về bức tượng Phật 600 năm tuổi để lên kế hoạch bảo tồn.
Ngoài ra giám đốc Xu cho biết nhờ chìm dưới nước nên bức tượng đã được bảo quản tốt với những chi tiết rất ấn tượng còn nguyên vẹn.
"Chúng tôi nghĩ nếu bức tượng không được nước bảo quản thì có thể bị phong hóa, oxy hóa hoặc những yếu tố gây hư hại khác" - ông Xu nhận định.
Nhiều di tích văn hóa cổ của Trung Quốc đã bị phá hủy trong cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 ở nước này.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Link: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/the-gioi-muon-mau/20170117/tim-thay-tuong-phat-600-nam-tuoi-duoi-nuoc-o-trung-quoc/1253524.html