|
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. |
Cho đến giờ, người phát ngôn của Hillary Clinton không đưa ra bất cứ bình luận nào về những băng ghi âm bí mật này. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận: Bà Clinton và Tổng thống Obama đã muốn thay đổi chế độ ở Libya.
So với cả bên trong lẫn bên ngoài chính quyền Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton được coi là nằm trong số những nhân vật đầu tiên đề nghị sử dụng quân đội Mỹ để lật đổ chính quyền Muammar Gaddafi ở Libya.
Cùng quan điểm với bà Clinton là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và John F. Kerry - đương kim Ngoại trưởng Mỹ.
Hillary Clinton lập luận rằng Gaddafi sắp sửa gây ra cuộc chiến dẫn đến thảm sát dân thường ở Benghazi, nơi được coi là trung tâm quyền lực của phe nổi dậy chống Tripoli.
Lúc đó, chế độ Gaddafi đang phải vật lộn với cuộc nội chiến bắt nguồn từ sự kiện Mùa xuân Arập và phe nổi dậy được người Hồi giáo ủng hộ muốn lật đổ chế độ độc tài đã tồn tại trong thời gian dài.
Tuy nhiên, giới chức tình báo quốc phòng không chứng thực mối lo ngại này thậm chí đánh giá Gaddafi không dám chọc giận thế giới bằng cách đe dọa tính mạng dân thường như thế. Bộ trưởng Quốc phòng Robert M.
Gates và Đô đốc - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ (JCS) Mike Mullen cũng phản đối mạnh mẽ ý kiến sử dụng vũ lực của bà Hillary.
Tướng Charles H. Jacoby, phụ tá của Mullen, cũng tuyên bố "không tin tưởng vào các báo cáo xuất phát từ Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo trung ương (CIA)".
Trong các cuộc trao đổi bí mật được ghi âm, Seif Gaddadi - con trai của Gaddafi - nói với giới chức Mỹ rằng ông lo ngại Ngoại trưởng Hillary đưa ra những chứng cứ giả để có lý do mở cuộc chiến tấn công lật đổ cha ông đồng thời cũng nhấn mạnh chính quyền Libya không có ý định gây tổn hại tính mạng của dân thường.
Seif Gaddafi cũng so sánh nỗ lực huy động quân đội Mỹ can thiệp vào Libya của Hillary Clinton với cáo buộc của chính quyền Tổng thống George W. Bush về kho vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Saddam Hussein để thuyết phục Quốc hội Mỹ cho phép tấn công Iraq và tiếp đến là lật đổ chế độ tại nước này.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) không nhìn thấy cuộc khủng hoảng nhân đạo có dấu hiệu xảy ra ở Libya.
Sarah Leah Whitson, Giám đốc điều hành bộ phận về Trung Đông và Bắc Phi của HRQ, nhận định: "Mặc dù có mối đe dọa từ các lực lượng Libya của Gaddafi tiến đến Benghazi, song chúng tôi không cho rằng điều đó sẽ dẫn đến cuộc thảm sát diệt chủng".
Ngoài ra, Seif Gaddafi cũng cảnh báo rằng, nhiều nhóm quân nổi dậy được Mỹ bảo trợ "không phải là các chiến binh tự do" mà thật ra là bọn thánh chiến Hồi giáo, được Seif Gaddaji mô tả là "bọn gangster và khủng bố".
|
Đại tá Gaddafi. |
Ông phát biểu trong băng ghi âm bí mật: "Chúng tôi đề nghị chính quyền Mỹ gửi một sứ mạng tìm hiểu thực tế đến Libya.
Tôi muốn các ông nhìn thấy mọi chuyện bằng chính đôi mắt của mình". Nghị sĩ đảng Dân chủ Dennis J. Kucinich - đối thủ của Hillary Clinton và Barack Obama trong cuộc đề cử ứng viên tổng thống năm 2008 - thừa nhận mình có những cuộc nói chuyện riêng với giới chức chính quyền Tripoli, đồng thời bày tỏ mối lo ngại về một cuộc chiến chống Libya không hợp pháp do bà Clinton đề xướng.
Kucinich cũng mong muốn có được mọi thông tin về chế độ Gaddafi để có thể chia sẻ với các đồng nghiệp của ông tại Quốc hội.
Theo tiết lộ từ các băng ghi âm bí mật, Hillary Clinton muốn quân đội Mỹ dấn sâu vào cuộc khủng hoảng ở Libya, trong khi phớt lờ cảnh báo từ Lầu Năm Góc rằng lợi ích của Mỹ cùng với sự ổn định trong khu vực có thể bị đe dọa.
Thay vào đó, bà Clinton chỉ viện dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Rwanda vào năm 1994, lúc đó diễn ra cuộc diệt chủng sát hại ít nhất 500.000 người do người Mỹ không can thiệp.
Năm 2003, Đại tá Muammar Gaddafi đồng ý hủy bỏ kho WMD đồng thời lên án chủ nghĩa khủng bố để tái lập mối quan hệ ngoại giao với phương Tây nhằm mục đích tránh cuộc chiến tranh lật đổ chế độ.
Sau đó, Gaddafi tiếp tục đền bù thiệt hại cho gia đình những người thiệt mạng trong vụ đánh bom khủng bố chuyến bay 103 của Hãng Hàng không quốc tế Mỹ Pan Am trên bầu trời thị trấn Lockerbie (Scotland).
Tuy nhiên, sự cai trị hà khắc của Gaddafi đã dẫn đến cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 2/2011 và lan rộng khắp đất nước Libya.
Các lực lượng trung thành với chế độ Gaddafi huy động xe tăng và binh sĩ tiến đến Benghazi tạo ra làn sóng di dân khổng lồ đến Ai Cập.
Vào giữa tháng 3/2011, Hillary Clinton gặp Mahmoud Jibril - người phát ngôn của phe nổi dậy ở Libya - trong khách sạn Westin ở thủ đô Paris nước Pháp để nhận định quan điểm của phe nổi dậy.
|
Phe nổi dậy chống Gaddafi ở Libya. |
Và chỉ 45 phút sau cuộc trao đổi với Jibril, bà Clinton quyết định một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Libya là cần thiết.
Tháng 8/2011, khu dinh thự của Muammar Gaddafi bị quân nổi dậy chiếm giữ, kết thúc thời gian cầm quyền kéo dài 42 năm của Gaddafi.
Ngày 20/10/2011, Đại tá Gaddafi (lúc đó 69 tuổi) bị giết chết tại quê nhà ở Sirte. Sau khi chế độ Gaddafi diệt vong, Libya vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Đầu năm 2015, một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào một khách sạn sang trọng ở Tripoli giết chết 9 người, bao gồm 1 người Mỹ.
Một nhóm được cho là liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Điều đó cho thấy các nhóm khủng bố chống Mỹ đang dần hiện diện ở Libya.
Theo: Công an Nhân dân