Cuối tháng 1 vừa qua, thông tin một loại virus nguy hiểm đã lan ra bên ngoài tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) được đưa ra. Đó cũng là lúc các phi hành đoàn của những chuyến bay quốc tế đến châu Á lập tức tổ chức khử trùng để tránh bị phơi nhiễm.
“Chúng tôi đã phải xin phép hành khách để phục vụ trong khi đeo khẩu trang”, tiếp viên một hãng hàng không lớn của Mỹ, nói với tờ TIME.
Trong các cuộc phỏng vấn và trao đổi email với TIME, hơn 10 tiếp viên đã nói đến tình trạng thiếu đồ bảo hộ y tế cơ bản trong một thời gian dài. Họ cũng không được hướng dẫn cụ thể về các biện pháp giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Mối lo hàng đầu của các tiếp viên hàng không là đặc thù công việc phải tiếp xúc với hàng nghìn người mỗi tuần.
“Chúng tôi ý thức được rằng nếu không may nhiễm bệnh thì đoàn sẽ truyền virus từ thành phố này đến thành phố khác, từ khách sạn này đến khách sạn khác”, một tiếp viên đã làm việc 15 năm cho hãng hàng không Atlanta, chia sẻ.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã yêu cầu đội ngũ tiếp viên phải tự cách ly sau khi đi đến các khu vực có nguy cơ bị phơi nhiễm cao. Tuy vậy, Chính phủ Mỹ lại ra lệnh miễn tự cách ly cho khoảng 119.000 tiếp viên nước này.
Trong khi hành khách thường xuyên được kiểm tra tại các sân bay, tiếp viên hàng không nói rằng họ không nhận được sự chăm sóc tương tự.
Nhiều phi hành đoàn của Mỹ đã ghi nhận số tiếp viên dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng. Đại diện các hãng hàng không cho rằng con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bị buộc phải làm việc trong điều kiện thiếu an toàn
Các hãng hàng không lớn như American Airlines, Delta, United, Southwest và JetBlue cho biết họ đều khuyến khích tiếp viên và phi công tự cách ly ở nhà nếu có dấu hiệu bị nhiễm bệnh.
"Các hãng hàng không của Mỹ luôn tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về sức khỏe cũng như hướng dẫn của CDC và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Tất cả vì sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn”, American Airlines - đại diện cho các hãng hàng không lớn của Mỹ - tuyên bố.
Nhưng trong suốt nhiều tháng, những thông điệp mâu thuẫn từ cấp trên vẫn tiếp tục được đưa ra giữa sự bùng phát của dịch bệnh và các lệnh cấm du lịch chồng chéo. Điều đó đã khiến nhiều tiếp viên cảm thấy họ buộc phải bay để giữ công việc.
Một số tiếp viên nói rằng họ phải lập tức theo các chuyến bay ngay trong khi đang chờ lấy kết quả xét nghiệm Covid-19. Những người quyết định nghỉ phép không lương để tránh lây nhiễm cho người khác thậm chí có nguy cơ bị chấm điểm thấp trong bảng thi đua hoặc bị phạt.
Nhiều người kể rằng họ cảm thấy có lỗi khi giúp đỡ hành khách lớn tuổi hay người tàn tật vì không biết có đang lan truyền virus sang người khác hay không.
Tất cả tiếp viên tham gia cuộc phỏng vấn của TIME đều yêu cầu được giấu tên với lý do sợ bị mất việc. Họ nói rằng công ty chủ quản có những quy định nghiêm ngặt về việc tiết lộ thông tin với báo chí.
“Tôi biết rằng việc tìm đến các phương tiện truyền thông là đi ngược lại tôn chỉ của công ty, nhưng tôi không thể tiếp tục chịu đựng cảnh bản thân và các đồng nghiệp bị đẩy đến nguy cơ phơi nhiễm virus mà không được quan tâm như thế này”, một trong số họ bày tỏ sự bất bình.
Sợ thành nguồn lây lan virus
Ngày 31/1, Hiệp hội tiếp viên hàng không - đại diện cho 50.000 thành viên tại 20 hãng - đã nhấn mạnh tính rủi ro của các chuyến bay đến Trung Quốc. Nhưng phải hơn 1 tháng sau, các biện pháp phòng ngừa cơ bản mới được thực hiện đồng bộ.
Từ những ngày đầu của dịch Covid-19, nhiều tiếp viên Mỹ đã cho biết họ bị cấm đeo găng tay và khẩu trang trong lúc làm việc, thậm chí có thể bị kỷ luật. Ngoài ra, phi hành đoàn không được cung cấp bất kỳ vật dụng y tế nào.
Ngay cả khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ cho đến nay, chính phủ cũng không lo liệu và cung cấp đủ vật tư bảo hộ trên máy bay.
“Chúng tôi không được trang bị bất cứ thứ gì ngoài chiếc găng tay dùng khi dọn rác trên máy bay”, một tiếp viên nói.
American Airlines cho biết họ đang điều chỉnh chính sách của mình trên cơ sở ngắn hạn để cho phép tiếp viên đeo găng tay trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay. Những người có sẵn khẩu trang y tế ở nhà có thể mang đi làm. Đó là cách trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung trên toàn thế giới.
Giờ đây, khi lệnh phong tỏa đã được ban hành ở hầu khắp nước Mỹ, các tiếp viên tiếp tục lo ngại rằng họ đang trở thành nguồn lây hoặc đối tượng phơi nhiễm chính. Theo Cơ quan An ninh Giao thông Vận tải, tuần cuối của tháng 3 vừa qua, gần 200.000 hành khách Mỹ vẫn có chuyến bay mỗi ngày.
Sau khi kết thúc chuyến bay, phi hành đoàn cũng lo lắng về nguy cơ họ có thể mang virus về nhà. Vì thế, nhiều nhóm tiếp viên đã tập hợp lại, thuê chung một căn hộ để tạm trú.
“Tôi thay đồ ngay khi về đến garage của nhà mình để tránh truyền virus cho gia đình. Nếu bị phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm Covid-19, tất cả sẽ bị cách ly ở một nơi xa lạ trong vòng 14 ngày”, một tiếp viên chia sẻ.
Những biện pháp khắc phục ban đầu
Nhiều hãng hàng không lớn, bao gồm American Airlines và SouthWest, đã loại bỏ dịch vụ thực phẩm và đồ uống trên hầu hết chuyến bay để hạn chế tiếp xúc. Họ cho biết đang làm hết sức mình để bảo vệ đội ngũ tiếp viên giữa tình trạng thiếu hụt trang bị trên toàn quốc.
Ngoài ra, hãng JetBlue tuyên bố sẽ cho phép bất kỳ ai trong phi hành đoàn nghỉ 14 ngày nếu bị chẩn đoán mắc Covid-19 hoặc được bác sĩ chỉ định cách ly.
Đại dịch lần này đang đặt ra những thách thức mới cho ngành hàng không Mỹ nói riêng và hàng không thế giới nói chung.
Theo Sara Nelson - chủ tịch Hiệp hội tiếp viên hàng không quốc tế, các hãng hàng không đã phản ứng nhanh hơn nhiều so với những gì họ đã làm trong đại dịch Ebola.
Nhưng Covid-19 có quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Thêm vào đó, mọi việc trở nên tồi tệ hơn bởi những sắc lệnh không rõ ràng được Chính phủ liên bang và Tổng thống Trump đưa ra. Bộ máy lãnh đạo đã tạo ra sự nhầm lẫn trong chiến lược của Mỹ, khiến các hãng hàng không vẫn hoạt động một cách miễn cưỡng.
Hiện nay, Mỹ trải qua khoảng thời gian căng thẳng khi số liệu thống kê đã vượt ngưỡng 250.000 trường hợp mắc Covid-19 và 6.000 ca tử vong.
Một số tiếp viên hàng không đã bày tỏ với tờ TIME rằng họ mong muốn lệnh dừng hoạt động sẽ được áp dụng cho ngành hàng không. Ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với nguy cơ mất đi thu nhập, họ vẫn đề cao sự an toàn.