Tiến sĩ khởi nghiệp với công nghệ lọc nước siêu sạch phục vụ nhà máy bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Tốt nghiệp đại học Bang Florida (Mỹ), TS Đỗ Hữu Quyết về Việt Nam khởi nghiệp với công nghệ lọc nước sử dụng lõi điện cực (CDI) với chất lượng đầu ra đạt chuẩn siêu sạch, phục vụ các nhà máy bán dẫn.

Công nghệ khác biệt trên thị trường

Chia sẻ với Viettimes, TS Quyết cho biết công nghệ anh nghiên cứu đã đạt thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp bán dẫn top 20 thế giới, có văn phòng tại TP.HCM, đang trong giai đoạn thử nghiệm, khi thành công sẽ mở rộng quy mô lớn hơn.

Nhà máy bán dẫn với nhiều cấp xử lý nước khác nhau có thể dùng công nghệ CDI để lọc và tái sử dụng ở quy trình công nghệ quan trọng cần nguồn nước sạch hơn. “Với quy trình tuần hoàn này, các nhà máy bán dẫn sẽ giảm việc cấp nước đầu vào và thải nước đầu ra”, TS Quyết nói.

TS loc nuoc.jpg
TS Đỗ Hữu Quyết bên cạnh sản phẩm máy lọc nước sử dụng công nghệ CDI do mình chế tạo. Ảnh: Hà An.

Công nghệ lọc nước được TS Quyết bắt đầu quan tâm từ năm 2016 khi anh công tác tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Trong các chuyến công tác về miền Tây, anh cảm nhận rõ người dân thiếu nước sạch vào mùa khô khi tình trạng hạn mặn diễn ra nghiêm trọng. Dòng nước bị xâm nhập mặn cần thiết phải lọc bỏ tạp chất để người dân dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Sử dụng “vốn liếng” là kết quả của hàng trăm nghiên cứu khi học tại Mỹ về công nghệ vật liệu, dự trữ năng lượng TS Quyết tìm tòi công nghệ mới về lọc nước bẩn thành nước sạch. Năm 2018, anh nghỉ việc nhà nước, ra ngoài khởi nghiệp về công nghệ này.

“Câu hỏi đặt ra làm thế nào tạo sự khác biệt khi trên thị trường có nhiều thiết bị lọc nước đã quen thuộc với người dân”, TS Quyết trăn trở về con đường mình chọn. Cuối cùng, anh tìm đến công nghệ điện cực siêu hấp thu tĩnh điện (CDI) với nền tảng nhiều năm nghiên cứu tại Mỹ.

Anh đánh giá, so với các công nghệ lọc như RO, nano, UF… đều sử dụng công nghệ màng lọc, công nghệ CDI sẽ sử dụng các lõi điện cực âm và dương cùng màng lọc mỏng ở giữa sẽ làm sạch các chất độc hại có kích thước nhỏ nhất trong nước.

Tính ưu việt của công nghệ này không những giữ được nhiều khoáng chất có lợi sức khỏe mà còn có cơ chế chủ động điều chỉnh lượng chất khoáng theo nhu cầu. Công nghệ CDI hướng đến phát triển bền vững khi hệ thống tốn năng lượng thấp, khoảng 0,3 kWh điện cho việc xử lý 700 lít nước mỗi giờ (tức cứ 7 m3 nước máy sẽ tiêu thụ khoảng 3 số điện). Quá trình máy lọc đạt hiệu suất 90%, tức 10 lít nước đầu vào chỉ thải ra khoảng 1 lít nước thải. "Đây có thể nói là điều tuyệt vời khi nghiên cứu của chúng tôi vừa đạt các giá trị về sử dụng vừa đạt được các mục tiêu phát triển bền vững", TS Quyết nói hào hứng.

“Trả giá” hàng triệu USD

Để có thành quả như hôm nay, TS Quyết và nhóm cộng sự trong đó có 7 nhà đầu tư lớn, 10 nhà đầu tư nhỏ đã “ngốn” số tiền hàng triệu USD cho các thử nghiệm công nghệ. Anh không nhớ mình thất bại bao nhiêu thí nghiệm, con số có thể lên tới hàng trăm lần. Nhưng anh cho đó là trải nghiệm khoa học. Tiến sĩ 42 tuổi, còn nhớ như in thời khắc quan trọng của đời mình vào ngày cuối năm 2024. Nhóm nghiên cứu đã vận hành thành công máy xử lý nước công nghệ CDI với mẫu nước đầu vào lấy từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè.

Mẫu nước lấy từ dòng kênh được đưa vào thiết bị xử lý và kết quả nước đầu ra đạt các chỉ tiêu sử dụng.

“Tôi không ngại khi uống hết ly nước sau khi được lọc từ thiết bị của mình”, TS Quyết nhớ lại. Đây là cơ sở để anh và đội ngũ cộng sự tin rằng, dù là nguồn nước bẩn, nước thải, cũng có thể lọc để sinh hoạt, ăn uống, thậm chí là phục vụ các ngành công nghiệp cần nước siêu sạch để rửa linh kiện, thiết bị. Các chỉ tiêu nước nước sạch đều đạt tiêu chuẩn do cơ quan kỹ thuật uy tín kiểm nghiệm.

TS loc nuoc 2.jpg
Phiên bản máy lọc nước công suất lớn do TS Quyết nghiên cứu. Ảnh: Hà An.

Từ công nghệ CDI nghiên cứu, anh kết hợp dùng công nghệ lọc RO truyền thống, tạo ra hệ thống “hybrid” có thể lọc nước đạt tiêu chuẩn siêu sạch, phục vụ trong nhà máy bán dẫn, các nhà máy sản xuất thuốc, pin mặt trời… Theo TS Quyết, điểm hạn chế của công nghệ CDI là chi phí sản xuất cao, độ sạch của nước đạt khoảng 99% chưa phải là tuyệt đối.

Tuy nhiên, với việc làm chủ công nghệ, nhóm sẽ mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá thành. Ngoài ra, với những nguồn nước đầu vào tồn dư nhiều chất bẩn, công nghệ CDI có thể tăng lượng điện tiêu thụ hoặc lượng nước thải cao hơn thông thường. Tuy nhiên, lượng điện tiêu thụ và lượng nước thải vẫn nằm trong ngưỡng tiết kiệm so với công nghệ truyền thống.

Hiện doanh nghiệp của TS Quyết có hai nhà máy sản xuất tại TP Thủ Đức. Sắp tới, để phục vụ nhu cầu mở rộng, TS Quyết cho biết sẽ hợp tác với các công ty bên ngoài gia công các linh kiện đơn giản. Công ty của anh sẽ tìm nguồn đầu tư để phát triển nhà máy quy mô lớn làm các bộ phận quan trọng của máy lọc nước CDI.

“Mục tiêu chúng tôi là kéo giảm giá thành sản phẩm còn 3 - 6 lần so với thiết bị của nước ngoài cùng công nghệ để người dân dễ tiếp cận hơn”, TS Quyết nói. Hiện anh có khoảng 30 khách hàng doanh nghiệp và hơn 1.000 khách là các hộ gia đình, tốc độ tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Sihub) nói, dự án khởi nghiệp Maxdream của TS Quyết đã vào top 5 startup xuất sắc nhất tại Cuộc thi đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững năm 2024 do Sihub tổ chức.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ mức vốn không hoàn lại 400 triệu đồng dùng để chi trả lương nhân sự tham gia dự án, chi phí thuê mặt bằng, xúc tiến thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ…”, ông Hiếu nói.