|
Một bức ảnh chụp từ drone cho thấy cảnh chôn cất tập thể trên đảo Hart ở New York (Ảnh: CNN) |
Trong tuần này, khi giới chức thành phố New York tuyên bố rằng một khu vực chôn cất vốn dành cho người nghèo và những người không có thân nhân trên đảo Hart giờ sẽ dành để chôn cất những người chết vì COVID-19, một vấn đề kéo dài liên quan tới bãi chôn cất của hệ thống nhà tù lại trỗi dậy.
Do nguyên nhân lịch sử đặc biệt, mọi người coi bị chôn trên đảo là một sự sỉ nhục, vì vậy hòn đảo cũng bị cấm mở cửa cho công chúng.
“Việc chôn cất trên đảo Hart giờ đã không còn là điều bất kính bởi việc sử dụng tù nhân đã chấm dứt” – Melinda Hunt, người thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Dự án Đảo Hart nhằm hỗ trợ các gia đình có người thân được chôn trên đảo và thúc đẩy quyền được tiếp cận nghĩa trang này, nói – “Nó là một nơi rất thiêng liêng”.
Hồi đầu tháng này, xuất hiện một số đoạn video được ghi lại nhờ máy bay không người lái (drone) cho thấy hàng loạt cỗ quan tài đang được chôn cất theo hàng dài trên đảo Hart. Các đoạn video được Dự án Đảo Hart đăng tải. Để giải quyết mối quan ngại của người dân liên quan tới việc chôn cất tập thể những người tử vong do COVID-19 trên đảo, Thị trưởng New York Bill de Blasio đã phải lên tiếng.
“Sẽ không còn việc chôn tập thể trên đảo Hart nữa” – ông de Blasio viết trên Twitter hôm 10/4 vừa qua, nói về việc cải thiện quy trình mai táng trên đảo – “Mọi người sẽ được chôn cất riêng rẽ và được đối xử một cách tôn trọng”.
Ngay trong ngày hôm sau, bà Hunt cũng đưa ra phản ứng trên Twitter, xác nhận rằng việc chôn cất trên đảo Hart giờ không còn được thực hiện bởi các tù nhân trên đảo Rikers nữa. Thế nhưng, bà lo ngại rằng những người được chôn trên đảo Hart có thể không phải là bệnh nhân tử vong do COVID-19.
“Không có đủ cuộc xét nghiệm để chỉ ra rằng có bao nhiêu người được chôn cất ở đó là chết do bệnh COVID-19” – bà Hunt viết.
Theo website chính thức của New York, thành phố này hiện ghi nhận gần 100.000 ca nhiễm và hơn 5.742 ca tử vong vì COVID-19. Gần 3.000 phải nhập viện điều trị.
“Đảo Hart là nơi dân chủ nhất” – bà Hunt nói – “Mọi người đều được đối xử như nhau. Đó là nét đẹp của nó”.
Nghĩa trang tự nhiên lớn nhất nước Mỹ
|
Việc chôn cất trên đảo Hart bị cho là nỗi hổ thẹn do được thực hiện bởi các tù nhân (Ảnh: CNN)
|
Chính quyền thành phố New York đã mua lại đảo Hart vào năm 1868 và biến nó thành một nghĩa trang công cộng.
Hơn 150 năm qua, hòn đảo này từng là nơi chôn cất những nạn nhân của đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, và của cuộc khủng hoảng AIDS những năm 1980.
“Tôi bắt đầu đến đó vào năm 1991 trong bối cảnh dịch AIDS” – bà Hunt nói – “Đã có rất nhiều bạn bè tôi đã biến mất và chúng tôi không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra với thi thể của họ…và phải mất một thời gian dài chúng tôi mới sử dụng drone để phát hiện ra những bãi chôn đó”.
Hòn đảo này cũng từng là nơi làm việc công ích của tù nhân, một trại huấn luyện binh sĩ và là trại tù binh. Nó cũng từng là nơi người ta cách ly những bệnh nhân sốt vàng (yellow fever) và lao phổi.
Tính đến nay, đã có hơn 1 triệu người dân New York đã được chôn cất trên dải đất nhỏ hẹp nằm ngoài bờ của Bronx – từ binh sĩ, người nghèo cho tới người vô gia cư, từ những người không có thân nhân nhận xác cho tới những đứa trẻ bị chết lúc sinh.
“Điều quan trọng là các chính trị gia nên nói khác về đảo Hart bởi nó là nghĩa trang tự nhiên lớn nhất nước Mỹ” – bà Hunt nói – “Nó là một địa điểm thực sự đẹp đẽ, và đã được chuyển cho Sở Công viên và Giải trí (gọi tắt là Parks) quản lý. Cơ quan này sẽ chính thức tiếp quản nó vào tháng 7/2021 để biến nó thành một nơi đẹp đẽ”.
Sở Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng (DOC) của thành phố New York là bên quản lý đảo Hart từ trước đến nay, chịu trách nhiệm chi trả tiền công cho các tù nhân đảo Rikers để họ thực hiện việc chôn cất. Năm ngoái, thành phố New York quyết định chuyển quyền quản lý đảo Hart cho Parks, trong khi DOC vẫn tiếp quản tài sản và việc mai táng trên đảo.
Chính quyền thành phố mới đây nói rằng DOC sẽ sử dụng nhân công hợp đồng, thay vì tù nhân, để thực hiện việc mai táng.
Đảo Hart không xấu như nhiều người nghĩ
|
Thi thể người chết được chuyển bằng phà ra đảo Hart (Ảnh: NYDaily)
|
Ông Vincent Mingalone, 47 tuổi, từng làm công việc chôn cất trên đảo Hart cho tới khi mãn hạn tù ở Rikers hồi tháng 2 vừa qua. Trong suốt 6 tháng ở nhà tù, có 5 tháng ông được điều tới đảo Hart để làm công việc chôn cất. Chỉ làm công việc này duy nhất vào ngày thứ Năm hàng tuần, mức tiền công ông được hưởng là 40 USD/tuần. Đây là một trong những công việc có mức tiền công thấp nhất – những công việc khác như rửa xe, nướng bánh đều giúp tù nhân ở Rikers có mức thu nhập 85 USD/tuần.
Trong ngày bận rộn nhất giữa bối cảnh dịch COVID-19, ông Mingalone phải chôn cất tới 22 người, trong khi ngày nhàn rỗi nhất là 11 người.
“Chúng tôi thực hiện công việc với sự tôn trọng và bằng nhân phẩm” – ông Mingalone nói – “Và chúng tôi là những người duy nhất ở đó vì họ”.
Sau khi mãn hạn tù, ông Mingalone đã lập tức tìm kiếm từ khóa “đảo Hart” trên Google. “Tôi đã đọc rất nhiều về nó. Nó là một hòn ngọc ẩn giấu”, ông nói.
Quy định mới của New York
|
Thị trưởng New York de Blasio đã áp dụng quy định mới về việc chôn cất trên đảo Hart (Ảnh: Daily Beast)
|
Theo ông Freddi Goldstein – thư ký báo chí của Thị trưởng New York – trước kia mỗi tuần chỉ có khoảng 25 người được chôn cất trên đảo Hart, thì nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, con số 25 này được ghi nhận mỗi ngày.
Thành phố hiện đang chuyển các thi thể không có người nhận tới đảo Hart để có thời gian xử lý những thi thể của bệnh nhân COVID-19 có người nhận, theo ông Goldstein. Theo quy định mới, những thi thể trong vòng 2 tuần lễ mà không có người nhận sẽ được chuyển tới đảo Hart để chôn.
“Đó là những người mà trong suốt 2 tuần lễ chúng tôi không thể kiếm được bất kỳ ai nói rằng “Tôi biết người này, tôi yêu quý người này, tôi sẽ lo việc mai táng”” – ông Goldstein nói.
Thị trưởng de Blasio viết trên Twitter: “Con số người chết khiến chúng tôi đau lòng này cũng có nghĩa rằng, chúng ta đang mất đi những người mà không có thân nhân hay gia đình lo việc mai táng cho họ. Đó chính là những người sẽ được chôn cất ở đảo Hart, cùng với mọi sự tôn trọng mà thành phố New York có thể thể hiện”.
Thi thể người thường được chuyển bằng phà tới đảo Hart. Thi thể được đặt trong những cỗ quan tài đơn sơ, bên ngoài được khắc tên nạn nhân. Các tù nhân ở Rikers sẽ thực hiện việc đào mồ chôn tập thể.
Bà Hunt trước đó phàn nàn về việc để cho các tù nhân tham gia vào quá trình mai táng, coi đó là hành động sỉ nhục. “Một lễ mai táng tôn nghiêm thì không nên liên quan tới các tù nhân”, bà Hunt nói.
Theo ông Goldstein, chỉ có những người chết không có thân nhân tới nhận mới được chôn cất tại đảo Hart. Một khi chính quyền liên hệ được với một người thân của người chết trong vòng 14 ngày, thi thể người chết sẽ không được chuyển tới đảo Hart.
Ngoài ra, thân nhân của người chết cũng có thể yêu cầu di dời mộ phần từ đảo Hart sang một nghĩa trang khác.
Theo CNN