Thực hư thông tin cấm Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xuất cảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết đang xác minh lại thông tin "cơ quan chức năng đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với ông Trịnh Văn Quyết."
Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC
Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC

Trưa ngày 28/3, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, thông tin ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC,bị bắt giam là không chính xác.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết đã cử người xác minh tại sao lại có thông tin cho rằng Cơ quan CSĐT ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết. "Tôi không phải là người ký quyết định hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Quyết. Hiện tại tôi đang cử anh em đi kiểm tra xem tại sao lại có thông tin đó"- vị lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thông tin.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, cơ quan điều tra Bộ Công an đang xác minh một số thông tin từ dư luận báo chí nêu trước đây liên quan các doanh nghiệp và dự án do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập, điều hành.

Trên mạng 2 ngày 27/3 và 28/3, lan truyền nhiều thông tin cho rằng cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh là một tháng tính từ ngày 26/3 và mời ông Quyết lên cơ quan công an xác minh một số nội dung.

Trước đó, vào tháng 1/2022, hành vi bán chui cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC đã gây xôn xao dự luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư lo sợ đã liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết. Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (HoSE) đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Chiều 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo HoSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết và hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư. Việc hủy bỏ giao dịch căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020 ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết có địa chỉ B30-BT6 Đô thị Mỹ Đình 2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ông Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021 ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020 (Nghị định số 128/2021).

Chủ tịch Tập đoàn FLC bị phạt vì có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch, thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 .

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, theo quy định tại Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021.

Ngày 25/3, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Theo đó, công ty bị phạt tiền 100 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật (công ty không công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM).

Tiếp đó FLC bị phạt 200 triệu và phải khắc phục hậu quả do công bố thông tin sai lệch. Theo báo cáo tài chính năm 2020 và năm 2021, công ty có giao dịch với các bên liên quan nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020 và 2021, công ty đã không trình bày có giao dịch với các bên liên quan.

Ngoài ra, báo cáo tài chính bán niên 2021 không trình bày số liệu chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác.

Công ty cũng bị phạt 70 triệu đồng do không công bố thông tin đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật liên quan đến báo cáo tài chính năm 2019,2020,2021 và còn bị phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Tổng các mức phạt là gần 500 triệu đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết (47 tuổi, quê ở H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), được biết đến là một doanh nhân thành đạt, từng sáng lập và điều hành nhiều doanh nghiệp về bất động sản, du lịch, hàng không,...

Với việc nắm giữ phần lớn cổ phần tại các Công Ty CP tập đoàn FLC, Hãng hàng không Bamboo Airway, ông Trịnh Văn Quyết có tổng tài sản ước tính lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Năm 2019, ông từng được xếp hạng giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet.

Điều 124 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về Tạm hoãn xuất cảnh như sau:

1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn:

a) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

b) Bị can, bị cáo.

Trong đó, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố dù là những người chưa bị khởi tố hình sự nhưng là người bị người khác tố giác về hành vi phạm tội hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc bị cơ quan, tổ chức kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hình sự mà qua việc kiểm tra, xác minh sự việc bị tố giác, kiến nghị khởi tố đó có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ;

Bị can, bị cáo là các đối tượng đã bị khởi tố về hình sự nhưng được tại ngoại điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án và họ đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài nhằm trốn tránh việc xử lí hành vi phạm tội hoặc trốn tránh việc thi hành án.

Đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm khắc phục tình trạng người phạm tội xuất cảnh, bỏ trốn ra nước ngoài, nhất là các trường hợp đang trong giai đoạn bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố.