|
Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố không thể chấp nhận việc Trung Quốc sử dụng "Luật Hải cảnh” khiến tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông gia tăng căng thẳng (Ảnh: Dongfang). |
Trong hai ngày Thứ bảy và Chủ nhật vừa qua (tức 6 và 7/2), các tàu Hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và yêu sách chủ quyền). Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm thứ Hai (8/2) tuyên bố không thể chấp nhận việc Trung Quốc sử dụng "Luật Hải cảnh” khiến tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông gia tăng căng thẳng; đồng thời nhấn mạnh Nhật đã truyền đạt "những quan ngại mạnh mẽ" tới Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng đây là tuyên bố cứng rắn hiếm thấy ở vị thủ tướng Nhật này.
Trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 9/2 dẫn nguồn Kyodo News đưa tin Thủ tướng Yoshihide Suga khi phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã phê phán "Luật Hải cảnh" của Trung Quốc cho phép ngành liên quan sử dụng vũ lực đối với tàu nước ngoài.
|
Việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới sẽ khiến tranh chấp Nhật - Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gay gắt thêm (Ảnh: Reuters). |
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói rằng ông lấy làm tiếc vì các tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục tiến vào quần đảo quần đảo Senkaku và hành động này quyết không thể dung thứ. Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ hết sức thận trọng trong việc giám sát quần đảo Senkaku, chúng ta sẽ ứng phó người Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết”. "Chúng ta đã phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao của Tokyo và Bắc Kinh, mạnh mẽ yêu cầu họ ngừng ngay lập tức nỗ lực tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản và nhanh chóng rời khỏi lãnh hải".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi thì nêu rõ, trước các hoạt động của Cục Hải cảnh Trung Quốc, nếu phía Nhật Bản sử dụng Cảnh sát biển khó đối phó thì có thể cử lực lượng quân đội. Ông nhấn mạnh, nếu bị bên ngoài tấn công vũ lực, Lực lượng Phòng vệ (quân đội) sẽ được lệnh điều động.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm thứ Hai (8/2) nhắc lại rằng “đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, và các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật của Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư là hành động chính đáng để Trung Quốc bảo vệ chủ quyền phù hợp với quy định của pháp luật”.
|
Trong chuyến thăm Nhật tháng 11/2020 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hai bên đã bất đồng gay gắt về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Theo trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều), Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố “Việc Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông đã truyền đạt “những quan ngại nghiêm trọng” tới Trung Quốc.
Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc “không thể gây hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia có liên quan, trong đó có Nhật Bản”.
Luật Hải cảnh Trung Quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 22/1, có hiệu lực từ ngày 1/2 và phía Nhật Bản đã phản ứng gay gắt về luật này. Theo tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản trước đó vào ngày 29/1 đã tổ chức hội nghị đảm bảo an ninh quốc gia với thành phần tham dự gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thảo luận về các vấn đề trong đó có Luật Hải cảnh của Trung Quốc.
|
Tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 6 và 7/2 (Ảnh: RTI). |
Tại cuộc họp báo ngày 1/2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố về việc Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực: "(Trung Quốc) không được có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục chú ý cao độ. Nhật Bản sẽ lấy Cục Cảnh sát biển làm trung tâm, dựa trên các luật và quy định hiện hành, thúc đẩy việc tăng cường hệ thống cảnh giới ở các khu vực biển xung quanh của đất nước và áp dụng phương thức kiên quyết để ứng phó”. Ông cũng nói rằng đã chuyển tải “những lo ngại” của Nhật Bản liên quan đến việc Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực tới Bắc Kinh.
Ngoài ra, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tại cuộc họp trực tuyến tham vấn cấp cao về vấn đề trên biển Trung - Nhật lần thứ 12 diễn ra ngày 3/2, phía Nhật Bản đã đề cập đến việc tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản và nhắc lại lập trường của phía Nhật Bản về quần đảo Senkaku và các lĩnh vực hàng hải và an ninh khác, mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc hãy có hành động. Nhật Bản cũng yêu cầu Trung Quốc đảm bảo rằng Luật Hải cảnh được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về đạo luật này của Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phía Trung Quốc “nhắc lại lập trường nghiêm túc của mình trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và yêu cầu phía Nhật Bản tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận theo "Hiệp định nghề cá Trung Quốc - Nhật Bản" và cùng với Trung Quốc duy trì trật tự nghề cá ở các vùng biển liên quan”. Phía Trung Quốc đã giới thiệu nội dung liên quan của Luật Hải cảnh, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc ban hành luật này là “hoạt động lập pháp bình thường của Trung Quốc, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế”.
|
Tàu công vụ hai nước Nhật - Trung nhiều lần va chạm nhau trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Năm ngoái, người ta xác nhận rằng số ngày tàu công vụ của Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là 333 ngày, một con số cao kỷ lục. Kể từ năm nay tàu Hải cảnh Trung Quốc đã 4 lần đi vào vùng biển này. Giới quan sát cho rằng, hành động của hai tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 6/2 lần đầu tiên tiến vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku của Nhật Bản là để thăm dò sau khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực.
Ngoài tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Nhật Bản, Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng đã tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông. Tòa Trọng tài Biển Đông do Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ định, ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết, bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử lâu đời Đường chín đoạn” của Trung Quốc đối với các vùng biển và hải đảo ở Biển Đông. Phán quyết cho rằng yêu sách "Đường chín đoạn" của Trung Quốc vượt ra ngoài các quyền hàng hải được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cho phép và do đó không có hiệu lực pháp lý.