Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu
Ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Sự kiện do Chính phủ phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức.
Tại đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung về tầm quan trọng của công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật; những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ: xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng. Thể chế phải đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Đầu tiên là tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể.
Hai là tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể.
Ba là tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực.
Bốn là tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.
Năm là tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, hạn chế như quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu...
Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu thực hiện "5 đẩy mạnh": Đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đã đề ra; Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; Đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; Đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền; Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ông Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua.
Theo Thủ tướng, cần khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.
Định hướng của Thủ tướng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý cần chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật cần phát huy trách nhiệm cao nhất, làm việc có cảm xúc với tinh thần vì nước, vì dân, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công rõ ràng nhưng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.